Hình hài "siêu dự án" 25.000 tỷ đồng khiến Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng vào vòng lao lý

04/01/2024 - 05:29
(Bankviet.com) Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), sau khi Chủ tịch UBND tỉnh này bị bắt.
Lâm Đồng: Nguỵ trang xe taxi để vận chuyển, buôn bán gần 450 kg pháo nổ liên tỉnh Lâm Đồng: Tạm giữ 2.000 sản phẩm quần áo không rõ nguồn gốc Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ

Hơn 368ha rừng bị chiếm, phá

Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (Khu đô thị Nam Đà Lạt) của Công ty Cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh (Công ty Sài Gòn Đại Ninh), được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2010 với diện tích gần 3.600ha.

Tại thời điểm trên vốn điều lệ của công ty Sài Gòn Đại Ninh là 300 tỷ đồng, gồm 7 cổ đông sáng lập, trong đó có Công ty TNHH thương mại Phương Nam sở hữu 273.000 cổ phần, chiếm 91% và 6 cổ đông khác chiếm 9%. Người đại diện theo pháp luật Công ty là bà Phan Thị Hoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Siêu dự án bao gồm khu đô thị trung tâm (biệt thự Davos), khu biệt thự đa năng, đảo xanh và khu ven hồ. Đất công trình công cộng gồm công trình trung tâm, dịch vụ công cộng, văn hóa giáo dục, thương mại, dịch vụ, tài chính, khu nghỉ dưỡng khách sạn,…

Hình hài
Ông Trần Văn Hiệp khi còn đương nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026

Ngoài ra, dự án này còn có công viên là rừng nguyên sinh, vườn hoa thế giới, khu bảo tồn thiên nhiên,… dự án đi xuyên qua các xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan, thuộc huyện Đức Trọng. Tổng nguồn vốn đầu tư cho siêu dự án này lên tới 25.243 tỷ đồng. Theo tiến độ đầu tư, Khu đô thị Nam Đà Lạt được triển khai thực hiện từ năm 2010, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2018.

Hình hài
Bị can Nguyễn Ngọc Ánh lúc còn đương nhiệm Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng

Tuy nhiên, sau gần 10 năm tính từ ngày khởi công đến tháng 6/2020 (ngày Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi dự án), thì chủ đầu tư là Công ty Sài Gòn Đại Ninh mới chỉ đầu tư xây dựng được một số tuyến đường giao thông nội bộ, một hội trường diện tích 600m2, 15 căn nhà dạng chòi và một số công trình nhỏ lẻ nhưng vẫn chưa hoàn thiện,…

Hình hài
Cổng vào Khu đô thị Nam Đà Lạt (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng)

Từ khi được UBND tỉnh Lâm Đồng giao đất, giao rừng để thực hiện dự án, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã để xảy ra nhiều sai phạm liên quan tới công tác quản lý, bảo vệ rừng, gây thiệt hại lớn về lâm sản. Cụ thể, chủ đầu tư đã để rừng bị phá, lấn chiếm rừng hơn 368ha (bị phá 257 ha, bị lấn chiếm 111 ha).

Tại Kết luận thanh tra 929/KL/TTCP ngày 12/6/2020, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt của Công ty Sài Gòn Đại Ninh lý do dự án chậm tiến độ so với chứng nhận đầu tư nhiều năm, công ty chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và để rừng bị phá, lấn chiếm quá nhiều,...

Hình hài
Sau nhiều năm chủ đầu tư mới xây dựng được 15 căn nhà dạng chòi và một số công trình nhỏ lẻ nhưng vẫn chưa hoàn thiện

Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng tiến hành các thủ tục để thu hồi dự án này theo Kết luận và đề nghị của Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, đến tháng 10/2020, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã có nhiều đơn xin cứu xét tới các cơ quan chức năng, trong đó có Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh Lâm Đồng.

Trong đơn, doanh nghiệp này cho rằng, đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ khi tiến hành thanh tra dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt đã làm việc “quá nguyên tắc”, chỉ dựa vào báo cáo của các cơ quan chức năng, chưa tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, không tạo điều kiện để doanh nghiệp giải trình,… do đó đã dẫn tới kết luận thanh tra về dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt thiếu khách quan, đẩy doanh nghiệp tới nguy cơ phá sản.

Điều chỉnh kết luận thanh tra, giãn tiến độ dự án

Ngày 1/3/2021, Thanh tra Chính phủ đã ra quyết định lập tổ công tác để xác minh nội dung kiến nghị của Công ty Sài Gòn Đại Ninh. Tổ công tác gồm ông Lê Quốc Khanh, Phó Cục trưởng Cục 2, Thanh tra Chính phủ (Tổ trưởng); ông Hoàng Văn Xuân, thanh tra viên Cục 2, Thanh tra Chính phủ (Tổ phó); ông Nguyễn Nho Định, thanh tra viên Cục 2, Thanh tra Chính phủ và ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng thành viên.

Hình hài
Khung cảnh hoang tàn tại "siêu dự án" hơn 25.000 tỷ đồng.

Nhiệm vụ của tổ công tác là kiểm tra, xác minh, làm rõ nội dung kiến nghị của Công ty Sài Gòn Đại Ninh về việc đề nghị các cơ quan chức năng cho phép doanh nghiệp tiếp tục triển khai siêu dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt và cho chủ đầu tư phục hồi thực hiện nghĩa vụ tài chính và giãn tiến độ thực hiện dự án.

Trên cơ sở kết quả làm việc của đoàn công tác Thanh tra Chính phủ với Công ty Sài Gòn Đại Ninh và các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, ngày 30/6/2021, Thanh tra Chính phủ đã ra Kết luận 1033/KL/TTCP về việc sửa đổi một số nội dung tại Kết luận Thanh tra 929/KL-TTCP ngày 12/6/2020 của Thanh tra Chính phủ về việc quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Hình hài
Công trình tại dự án đã xuống cấp nghiêm trọng

Theo đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị: “UBND tỉnh Lâm Đồng căn cứ thẩm quyền hướng dẫn Công ty Sài Gòn Đại Ninh thực hiện thủ tục giãn tiến độ, điều chỉnh dự án theo Luật Đầu tư năm 2014, gia hạn sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013, yêu cầu hoàn thành dự án theo đúng cam kết, khẩn trương triển khai đầu tư theo quy mô được duyệt. Trường hợp doanh nghiệp vi phạm cam kết hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính thì chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi đất theo quy định”.

Hình hài
Những công trình từng được kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo, thu hút đầu tư trong siêu dự án, giờ đây là cảnh bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm

Ngay sau khi được Thanh tra Chính phủ “mở cửa” cho giãn tiến độ thực hiện dự án, Công ty Sài Gòn Đại Ninh có thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Cụ thể, công ty đề nghị thay đổi người đại diện theo pháp luật từ bà Phan Thị Hoa, chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị sang ông Nguyễn Cao Trí (sinh năm 1970), chức danh Tổng giám đốc. Tới thời điểm này, cổ đông chi phối Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã chuyển sang ông Nguyễn Cao Đức (chiếm 51% cổ phần).

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính và các cơ quan chức năng tiếp tục cho thực hiện dự án, Công ty Sài Gòn Đại Ninh được UBND tỉnh Lâm Đồng cho giãn tiến độ 24 tháng. Tuy nhiên, thực tế thì từ năm 2018 tới nay, Công ty Sài Gòn Đại Ninh không triển khai thêm hạng mục công trình nào khác. Siêu dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt với tổng nguồn vốn lên tới hơn 25.000 tỷ đồng vẫn nằm “án binh bất động”. Một số hạng mục đã đầu tư xây dựng trước đó bị bỏ hoang, xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.

Hình hài
Một dự án để rừng bị phá, lấn chiếm tới 368 ha

Liên quan đến dự án trên, ngày 15/3/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03), Bộ Công an đã bắt ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, để điều tra về tội Nhận hối lộ và bà Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Theo dõi công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Vụ I) của Văn phòng Chính phủ, bị cáo buộc Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Hình hài
Một công trình "siêu nhỏ" trong một dự án "siêu to"

Quá trình mở rộng điều tra vụ án, xác định ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có hành vi "Nhận hối lộ" liên quan đến dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt. Vì vậy, ngày 2/1/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03), Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Trần Văn Hiệp về tội danh nêu trên.

Trước đó, ngày 15/1/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Cao Trí (sinh năm 1970), Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, vì có mối quan hệ làm ăn, đầu tư với bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Cụ thể, ông Nguyễn Cao Trí đã nhận hơn 40 triệu USD từ bà Trương Mỹ Lan để mua bán dự án, kinh doanh.

Báo Công Thương sẽ tiếp tục thông tin./.

Lê Sơn

Theo: Báo Công Thương