Doanh nghiệp cạn dòng tiền…
Trước tác động nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19, nghiên cứu “Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP. Hồ Chí Minh giai đoạn COVID-19 lần thứ 4” của Trường Đại học Kinh tế - Luật công bố gần đây dự báo số lượng doanh nghiệp thua lỗ, ngưng hoạt động, giải thể hoặc phá sản có thể sẽ tăng mạnh trong quý IV/2021.
Kết quả nghiên cứu cho rằng, do các đợt giãn cách liên tục và kéo dài ở TP. Hồ Chí Minh đã bẻ gãy liên kết kinh tế giữa TP. Hồ Chí Minh với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, làm ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của doanh nghiệp và gây tổn thất cho nông dân và các cơ sở sơ chế trung gian. Các tổn thất này đã đẩy doanh nghiệp vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, suy giảm khả năng trả nợ và lãi vay đúng hạn, tiềm tàng nguy cơ mất thanh khoản. Điều này rất có thể sẽ khiến nền kinh tế đối mặt với nguy cơ nợ xấu gia tăng.
Các chuyên gia thuộc Trường Đại học Kinh tế - Luật cho rằng, nếu không có sự can thiệp kịp thời của nhà nước, tỷ lệ thất nghiệp của TP. Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Tốc độ phục hồi kinh tế của TP. Hồ Chí Minh phụ thuộc lớn vào tốc độ, quy mô của động lực hỗ trợ từ Chính phủ và TP. Hồ Chí Minh.
Trên cả nước, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động chờ giải thể, đã giải thể tăng. Cụ thể, công bố mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm 2021, cả nước có 85,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.195,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 648,8 nghìn lao động, giảm 13,6% về số doanh nghiệp, giảm 16,3% về vốn đăng ký và giảm 16,6% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%. Bình quân một tháng, có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Bảo lãnh vay vốn để cứu doanh nghiệp
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bên cạnh chính sách gia hạn thời gian nộp thuế, miễn giảm thuế, phí, lệ phí và các khoản khác cũng như hỗ trợ về lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ…, các chuyên gia kinh tế cho rằng Chính phủ nên xem xét thêm nhiều chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả tức thời .
Nghiên cứu “Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP. Hồ Chí Minh giai đoạn COVID-19 lần thứ 4” cho rằng các gói hỗ trợ tập trung vào hai hướng. Thứ nhất, hỗ trợ trực tiếp cho tổng cầu bằng cách cắt giảm thuế, tăng chi đầu tư, chi hỗ trợ việc làm, chi hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu, đảm bảo an sinh xã hội; Thứ hai, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, hạn chế đóng cửa/phá sản, chia sẻ chi phí, bảo lãnh và cho vay, cung cấp dòng vốn chi phí thấp.
Tại Diễn đàn chính sách trực tuyến "Hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19: Từ chính sách đến thực tiễn” diễn ra vừa qua, bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đề cập đến kiến nghị đề xuất Chính phủ xem xét hình thức bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay trả lương. Nếu sự hỗ trợ của Chính phủ chỉ dựa trên nhóm chính sách cũ thì dư địa hỗ trợ không còn nhiều trừ khi có chính sách đặc biệt.
Theo phản ánh từ phía doanh nghiệp, bà Phạm Thị Ngọc Thủy cho biết, gánh nặng lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là gánh nặng trả lương vì chi phí trả lương để giữ chân người lao động là khoản chi trực tiếp thường xuyên, tháng nào cũng phải đối mặt. Gánh nặng này khiến dòng tiền đang mỏng càng mỏng hơn, áp lực hơn đối với doanh nghiệp.
"Vì vậy, doanh nghiệp đề xuất Nhà nước cân nhắc biện pháp có tính quản trị rủi ro. Các doanh nghiệp đều mong muốn tồn tại và phát triển, khi doanh nghiệp đã phát triển, họ chắc chắn sẽ trả nợ. Tất nhiên, có tình huống doanh nghiệp đóng cửa giải thể thì đó chính là bài toán chia sẻ rủi ro. Cách thức hỗ trợ này nhân văn hơn và có thể mang lại động lực tốt cho hoạt động của doanh nghiệp trong giai đoạn mới. Bài toán này liên quan đến thiết kế chính sách, gốc vấn đề là chúng ra có chấp nhận được rủi ro hay không, sau đó mới đến phần của các ngân hàng”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, cần phát huy vai trò Quỹ Bảo lãnh doanh nghiệp (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp. Hơn nữa, việc vận dụng cơ chế sẵn có để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa hỗ trợ được doanh nghiệp vừa đảm bảo việc triển khai nhanh, hiệu quả.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm, từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, ngân hàng đã miễn giảm lãi hơn 26.000 tỷ đồng, miễn giảm phí gần 2.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp. Từ tháng 7/2021 đến nay, Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi các tổ chức tín dụng, đặc biệt là 16 tổ chức tín dụng tiên phong giảm lãi suất cho các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch COVID-19. Các tổ chức cam kết thực hiện từ tháng 7 đến hết năm 2021 là 20.300 tỷ đồng. Trong đó, có 8.800 tỷ đồng là số lãi trực tiếp hỗ trợ từ tháng 7 đến nay, và từ nay đến cuối năm sẽ triển khai số còn lại cùng với 4.000 tỷ đồng mà 4 ngân hàng có vốn nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) tiếp tục hỗ trợ.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, nguồn lực để các ngân hàng thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp như thời gian quan chính là từ lợi nhuận tích lũy nhiều năm nay và đây là nỗ lực rất lớn của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, hiện các ngân hàng đã cạn kiệt nguồn lực, dư địa hỗ trợ bằng chính sách tiền tệ hầu như không còn. Ngân hàng không thể giảm lãi suất mãi trong khi vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống.
Chưa kể, khi mở cửa lại nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng không đủ điều kiện để vay vốn. Do đó, nếu có sự bảo lãnh từ các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp thì sẽ mở đường cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Bùi Trang
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ