Tiếp tục tâm lý tích cực sau phiên tăng điểm hôm qua, sắc xanh đã lan tỏa thị trường chứng khoán sáng ngày 13/3/2023. Trong bối cảnh thị trường chung “nổi sóng”, hai mã cổ phiếu thuộc hệ sinh thái nhà cha con “ông trùm” hoá chất Đào Hữu Huyền đồng loạt tăng trần.
Cụ thể, trên sàn HOSE, cổ phiếu DGC của Công ty CP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang đã chuyển tím, xác lập kỷ lục trong lịch sử niêm yết của doanh nghiệp ở mức giá 127.200 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh đạt 3,33 triệu đơn vị và dư mua trần gần nửa triệu đơn vị. Với mức giá hiện tại, vốn hoá của Tập đoàn này đã vượt mức 48.200 tỷ đồng (xấp xỉ 1,9 tỷ USD).
Cổ phiếu DGC công phá đỉnh lịch sử |
Trong khi đó, do niêm yết trên sàn HNX với biên độ dao động lên tới 10%, cổ phiếu TSB của Công ty CP Ắc quy Tia Sáng đã tăng tới 9,89%, lên mức 58.800 đồng/cp, “áp sát” vùng đỉnh lịch sử xác lập hồi tháng 9/2023.
Cổ phiếu TSB cũng đang áp sát vùng đỉnh lịch sử |
Đáng chú ý, phiên giao dịch bùng nổ của DGC và TSB diễn ra trong bối cảnh Tập đoàn Hoá chất Đức Giang vừa hé lộ kế hoạch thương mại hoá pin lithium iron phosphate (LFP) - loại pin thế hệ mới và đóng vai trò then chốt trong việc phát triển các dòng xe điện hiện nay. Theo đó, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ bán được pin LFP kể từ năm 2025.
Thực hiện kế hoạch này, Hoá chất Đức Giang đã gửi mẫu sản phẩm đến các khách hàng tiềm năng tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)…
Các tổ chức tài chính đánh giá, pin LFP là động lực tăng trưởng chiến lược trong trung và dài hạn của Hoá chất Đức Giang khi doanh nghiệp có thể tận dụng được tối đa lợi thế về khả năng tự sản xuất các loại hóa chất, nguyên liệu gốc của loại pin này, đặc biệt là phốt pho vàng.
Cần biết, Hoá chất Đức Giang đã có kế hoạch nghiên cứu, sản xuất pin LFP từ cách đây 2 năm. Thời gian đầu, “đại gia” ngành hoá chất từng hợp tác với một doanh nghiệp đình đám khác là VinFast, tuy nhiên sau đó, do hãng xe điện này có ý định tự sản xuất, sự hợp tác giữa hai bên đã không còn.
Trong bối cảnh đó, để đẩy nhanh việc triển khai kế hoạch và củng cố, năm 2023, Hoá chất Đức Giang liên tục thực hiện hoạt động M&A, thâu tóm thành công Ắc quy Tia Sáng và Phốt pho 6. Cần biết, Ắc quy Tia Sáng là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong việc sản xuất các loại ắc quy công nghiệp phức tạp và xuất khẩu trực tiếp ắc quy các loại, phụ kiện, nguyên vật liệu và máy móc phục vụ sản xuất ắc quy sang Hàn Quốc, Thuỵ Điển, Anh… Trong khi đó, Phốt Pho 6 là sở hữu trung lò phốt pho vàng có công suất 9.800 tấn/năm.
Đầu tháng 2/2023, Ắc quy Tia Sáng chính thức “về tay” Hoá chất Đức Giang, sau khi “ông trùm” ngành hoá chất hoàn tất mua vào hơn 3,4 triệu cổ phiếu TSB, nâng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này từ 0% lên 51%. Đây được xem là một trong những thương vụ M&A “đình đám" nhất năm 2023 bởi những đường đi nước bước mà Hoá chất Đức Giang thực hiện.
Việc sản xuất thương mại thành công pin LFP được kỳ vọng sẽ mở ra “một chương mới” đối với sự phát triển của Hoá chất Đức Giang |
Còn nhớ, theo kế hoạch thoái vốn Nhà nước, tháng 12/2022, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã thông báo đấu giá toàn bộ hơn 3,4 triệu cổ phiếu TSB nắm giữ với giá khởi điểm là 39.200 đồng/cổ phiếu, cao gấp 4 lần thị giá trên sàn. Đầu tháng 1/2023, Vinachem bán hết số cổ phiếu nói trên cho hai cá nhân với mức giá bằng giá khởi điểm và thu về gần 135 tỷ đồng. Trong đó, bà Bùi Thị Hà Thu mua gần 3,1 triệu cổ phiếu, tương ứng 45,9% vốn điều lệ (trở thành cổ đông lớn nhất), còn bà Nguyễn Thị Thu Hà mua số còn lại, tương ứng 5,1% vốn điều lệ.
Đáng nói, bà Bùi Thị Hà Thu là vợ của ông Đào Hữu Duy Anh, Tổng Giám đốc Hoá chất Đức Giang và hai tháng sau đó, “ông trùm” ngành hoá chất đã mua lại toàn bộ số cổ phần của bà Hà Thu cùng bà Thu Hà với giá bằng giá đấu giá, hoàn tất việc “thâu tóm” Tibaco. Những diễn biến này khiến giới quan sát đặt ra giả thuyết rằng, Hoá chất Đức Giang đã chủ ý “mượn” người tham gia thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Tibaco.
Giả thuyết nói trên sau đó đã được chính Tập đoàn này xác nhận. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 tổ chức ngày 29/3, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT Hoá chất Đức Giang tiết lộ, doanh nghiệp này đã lên kế hoạch mua lại phần vốn của Vinachem tại Tibaco trong bí mật và dùng cách “đi đường vòng” vì sợ các đối thủ sẽ tham gia và đẩy giá mua lên cao.
Mặc dù lựa chọn “đi đường vòng” nhưng thương vụ M&A của Hoá chất Đức Giang lại diễn ra trong thời gian khá ngắn, chỉ vỏn vẹn 3 tháng, cho thấy sự nhạy bén của doanh nghiệp này trong “cuộc chơi" thoái vốn Nhà nước. Đối với Hoá chất Đức Giang, việc sở hữu Ắc quy Tia Sáng sẽ giúp Tập đoàn này mở rộng phát triển sản xuất pin lithium phosphate - một sản phẩm quan trọng của ngành công nghiệp xe điện, vốn được đánh giá có nhiều tiềm năng trong tương lai. Về phía Ắc quy Tia Sáng, việc “về chung nhà” với chất Đức Giang cũng mở ra cơ hội tận dụng các lợi thế về công nghệ, quản trị và vốn của tập đoàn này để gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường ắc quy.
Đến tháng 7/2023, cũng chỉ sau 3 tháng sau khi thông báo sẽ mua lại Phốt Pho 6, Hoá chất Đức Giang đã chi 635 tỷ đồng, gần gấp đôi so với vốn điều lệ của Phốt Pho 6, thâu tóm thành công doanh nghiệp này. Như đã nói ở trên, lò phốt pho vàng với công suất 9.800 tấn/năm của Phốt Pho 6 đã đi vào hoạt động từ năm 2014 là trung tâm phốt pho vàng duy nhất của Việt Nam hiện đã không còn phê duyệt các dự án phốt pho vàng mới.
Thời điểm đó, Hóa chất Đức Giang cho biết, thương vụ này nằm mục đích tạo chuỗi sản phẩm chế biến sâu cho các sản phẩm H3PO4, Sodium Tripoly Phosphate – STPP (Na5P3O10)…, ổn định thị trường xuất khẩu phốt pho và tăng doanh thu và lợi nhuận cho Tập đoàn. Bên cạnh đó, giới quan sát cho rằng, việc thâu tóm Phốt Pho 6 còn giúp Hoá chất Đức Giang thực hiện được một mục tiêu chiến lược là loại bớt sự cạnh tranh trên thị trường trong bối cảnh nhu cầu phốt pho vàng đang ở mức yếu; cũng cố vững chắc vị thế đầu ngành nhờ gia tăng cách biệt công suất đáng kể với các đối thủ đang bám đuổi, nhất là khi ngành hoá chất là ngành có rào cản gia nhập lớn.
Ông Đào Hữu Huyền cũng từng cho biết Hoá chất Đức Giang đang “nuôi quân” hơn 200 người tại mảng này để nghiên cứu, phát triển mảng pin LFP. Theo đánh giá của Chủ tịch Hoá chất Đức Giang, thị trường pin LFP đang rất tiềm năng trong bối cảnh 90% công suất sản xuất pin LFP toàn cầu đang nằm tại Trung Quốc nhưng các tập đoàn đa quốc gia lại đang muốn đa dạng hoá nhà cung cấp thay vì phụ thuộc vào Trung Quốc.
Do đó, việc sản xuất thương mại thành công pin LFP được kỳ vọng sẽ mở ra “một chương mới” đối với sự phát triển của Hoá chất Đức Giang.
Chia sẻ thêm thông tin về việc phát triển mảng phốt pho vàng - nguyên liệu cốt lõi cho pin LFP, đại diện Hoá chất Đức Giang cho biết công ty đang tìm kiếm thêm các thương vụ M&A tiềm năng để nâng cao năng lực sản xuất phốt pho vàng. Đồng thời, tập đoàn đang xin sửa đổi giấy phép khai thác mỏ và gia hạn thêm 05 năm kể từ bây giờ do trữ lượng lớn hơn dự kiến.
Năm 2024, Ắc quy Tia Sáng đặt mục tiêu doanh thu đạt 200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 8 tỷ đồng, đồng thời ... |
Hoá chất Đức Giang (DGC) sẽ khởi công Tổ hợp Xút chất dẻo tại Nghi Sơn vào tháng 6 Hiện tại, dự án Tổ hợp Xút chất dẻo tại Nghi Sơn giai đoạn 1 đã được tiến hành thuê tư vấn thiết kế cơ ... |
Điều gì đang giúp cổ phiếu DGC tìm về đỉnh cũ? Trái với xu hướng đi ngang nửa cuối năm 2023, đầu năm 2024, cổ phiếu DGC có dấu hiệu bùng nổ, trở thành một trong ... |
Hà Lê