Đây là quan điểm của các chuyên gia kinh tế tài chính đến từ UOB Group - UOB Việt Nam khi nhìn nhận về triển vọng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2024 và câu chuyện tăng cường hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Với kết quả nửa đầu năm 2024 đạt mức tích cực, ông Suan Teck Kin - Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB - nhận định triển vọng cho năm 2024 vẫn tươi sáng.
Các động lực cho sự tăng trưởng đến từ sự phục hồi của chu kỳ bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực cũng như khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn sẽ hỗ trợ cho triển vọng của Việt Nam.
“Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,0% cho năm 2024, với mục tiêu tăng trưởng chính thức là 6,0-6,5% có khả năng đạt được”, ông Suan Teck Kin nhận định.
Hiện tượng thời tiết dự báo tiếp tục gây bất lợi cho nguồn cung gạo, lúa mì, dầu cọ và các nông sản khác ở một số nền nông nghiệp hàng đầu thế giới dẫn đến cú sốc nguồn cung và lạm phát lương thực trong 2024. Tại Việt Nam, lạm phát từ chi phí lương thực thực phẩm là yếu tố cần theo dõi, theo UOB.
Bên cạnh những thuận lợi, chuyên gia UOB cũng đưa ra cảnh báo về khả năng nửa cuối năm 2024 có thể sẽ chứng kiến kết quả trầm lắng hơn. Điều này là do nền cơ sở cao trong cùng kỳ năm 2023 dẫn đến sẽ thách thức hơn để duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay. Ngoài ra, các rủi ro vẫn còn hiện hữu và có thể có tác động đáng kể nếu tình hình xấu đi, bao gồm xung đột giữa Nga và Ukraine cũng như ở Trung Đông giữa Israel và Hamas, có thể làm gián đoạn thị trường thương mại, vận chuyển và năng lượng/hàng hóa toàn cầu.
Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, theo UOB, các nhà đầu tư nước ngoài phần lớn nhìn nhận tích cực về triển vọng của Việt Nam trong những năm tới, vượt qua những thay đổi về chính trị trong nước trong đầu năm 2024. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đăng ký đã tăng 13,1% so với cùng kỳ lên 15,2 tỷ USD trong tháng 6 kể từ đầu năm, sau mức tăng 13,4% trong quý I/2024.
Dòng vốn FDI thực hiện (hoặc giải ngân) vào Việt Nam đạt 10,8 tỷ USD trong tháng 6 so với đầu năm, tăng hơn gấp đôi so với dòng vốn 4,6 tỷ USD trong quý I/2024. Lưu ý rằng dòng vốn FDI thực hiện vào Việt Nam đã đạt mức cao kỷ lục 23,2 tỷ USD vào năm 2023, vượt qua kỷ lục trước đó là 22,4 tỷ USD vào năm 2022.
“Chúng tôi vẫn lạc quan trong nửa cuối năm vì những dữ liệu FDI này cho thấy: i) các doanh nghiệp đã bỏ qua sự bất ổn chính trị vào đầu năm 2024 và tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng trong trung và dài hạn, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang diễn ra sự tái cấu trúc chuỗi cung ứng; ii) sự gia tăng cả dòng vốn FDI thực hiện và đăng ký sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động trong nước trong các quý tới, bao gồm cả xây dựng và việc làm; và iii) sự khẳng định niềm tin và cam kết của các doanh nghiệp nước ngoài đối với đất nước trong làn sóng phi toàn cầu hóa, giảm rủi ro và chuyển dịch chuỗi cung ứng hiện nay”, ông Suan Teck Kin nhận định.
Với đánh giá kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2024 đã có những kết quả tích cực phản ánh sự phục hồi của các nhà máy sản xuất, nhờ trợ lực của nhu cầu thị trường quốc tế và trong nước, các chuyên gia cho rằng với tăng trưởng 6,42% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2024 tại cuối tháng 6/2024, ghi nhận sự vượt xa mức 3,84% trong nửa đầu năm 2023. Kết quả khả quan này mở ra tín hiệu tích cực cho thời gian còn lại của năm nay sau một năm 2023 đầy thử thách.
Ông Suan Teck Kin - Tập đoàn UOB - dù vậy nhấn mạnh, nửa cuối 2024, Việt Nam cần cẩn trọng với lạm phát, hay nói cách khác, lạm phát là yếu tố cần theo dõi.
Lạm phát đã tăng lên trong những tháng gần đây và hướng tới mức trần mục tiêu của NHNN. Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tỷ lệ lạm phát trong 2 năm qua là chi phí thực phẩm, nhà ở, giáo dục và y tế tăng cao. Điều này rất quan trọng cần theo dõi vì mức tăng giá thực tế của những mặt hàng này mà người tiêu dùng phải đối mặt có thể nhanh hơn và lớn hơn mức được biểu thị bằng CPI. Với việc tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7, áp lực tăng lương sẽ còn lớn hơn nữa.
Đáng chú ý nhất, chuyên gia nhấn mạnh rằng, ở Việt Nam, mặt hàng trong rổ CPI có tác động lớn nhất đến chỉ số lạm phát vẫn là thực phẩm. Nó cho thấy rằng, rất cần lưu ý đến những yếu tố tưởng chẳng liên quan đến lạm phát như yếu tố thời tiết, biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino khô hạn trong 2024..., tác động đến giá cả hàng hóa thực phẩm và tạo nên lạm phát giá lương thực, là rủi ro không mong đợi.
Để giải quyết vấn đề lạm phát, theo ông Suan Teck Kin, “Điều quan trọng là chính phủ phải tăng chi tiêu để giúp tăng nguồn cung ở những khu vực như thực phẩm, giáo dục, y tế… trong thời gian dài, chẳng hạn như bằng cách nâng cao năng suất trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong ngắn hạn, tăng nguồn cung, ví dụ: đối với thực phẩm, bằng cách cho phép nhập khẩu nhiều hơn từ nhiều quốc gia sẽ là một giải pháp khác”.
Về yếu tố rủi ro lạm phát giá lương thực thực phẩm, tuy vậy, nhiều chuyên gia của các tổ chức khác cũng từng có nhận định cho rằng khả năng xảy ra không quá cao do Việt Nam là nước chủ động về nguồn lương thực, là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, lương thực thực phẩm thiết yếu lại không chỉ có gạo. Chưa kể, giá cả các mặt hàng nhiên liệu sinh học, hay hàng hóa đầu vào phục vụ chăn nuôi, dầu cọ, để cho ra các thực phẩm thiết yếu... một khi thế giới có rủi ro khan hiếm và tăng giá hàng hóa, cũng đều sẽ tác động đến giá hàng hóa và lạm phát ở Việt Nam.
Ở một khía cạnh khác, nhìn từ kết quả Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp năm 2024 của UOB vừa công bố, với tỷ lệ cứ 10 doanh nghiệp thì có 9 doanh chủ cho rằng lạm phát cao đã tác động đến hoạt động kinh doanh của họ trong năm 2023, và sẽ là nỗi lo thường trực ở 2024; Qua đó, lãnh đạo UOB lý giải: "Lạm phát đã ăn sâu vào các ngóc ngách hoạt động của doanh nghiệp ở Việt Nam và bất kỳ biến động tăng cao nào đều trở nên là tác động mà họ không mong muốn".
Theo ông Suan Teck Kin, sự suy yếu gần đây của đồng Việt Nam (VND) trước sự mạnh lên của USD và sự gia tăng tỷ lệ lạm phát trong nước có thể khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiến hành thận trọng trong mọi thay đổi về lãi suất chính sách. Lưu ý rằng đà tăng trưởng đó có thể sẽ kém hiệu quả hơn trong nửa cuối năm 2024, UOB tin rằng NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,50% trong thời điểm hiện tại.
Nhận xét về tăng trưởng tín dụng của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, ông Suan Teck Kin đánh giá nhu cầu tín dụng một phần liên quan đến mức độ tự tin của các doanh nghiệp khi đánh giá triển vọng mở rộng hoạt động kinh doanh trong tương lai và mức độ của các đơn đặt hàng thực tế mà doanh nghiệp nhận được, cùng nhiều yếu tố khác. Sau mức tăng trưởng GDP yếu và thương mại quốc tế sụt giảm đáng kể vào năm 2023, không có gì ngạc nhiên khi các doanh nghiệp và thậm chí cả người tiêu dùng có thể ngần ngại vay vốn để đầu tư và chi tiêu do triển vọng không chắc chắn.
“Khi dữ liệu được cải thiện đáng kể trong 6 tháng đầu năm 2024 và kỳ vọng về những mức tăng tiếp theo, niềm tin có thể sẽ quay trở lại. Điều này có thể dẫn đến việc sẵn sàng đi vay nhiều hơn trong nửa cuối năm, mặc dù mức độ sẽ phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh mạnh mẽ như thế nào”, ông Suan Teck Kin nhận định
Về phía Nhà nước, Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm khuyến khích vay để đầu tư và mở rộng, mặc dù NHNN và các ngân hàng cần đảm bảo chất lượng tín dụng không bị ảnh hưởng. Đồng thời, Chính phủ nên tăng cường triển khai các công cụ tài chính để giúp nâng cao niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, bằng cách tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các khoản đầu tư dài hạn khác như giáo dục, chăm sóc sức khỏe... trên toàn quốc để có thể nâng cao khả năng cạnh tranh và năng suất của đất nước, doanh nghiệp và người dân.
“Các biện pháp phi lãi suất hỗ trợ kinh tế rất đa dạng, có thể kể đến các biện pháp giảm thuế, phí, các biện pháp kích cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, những cải cách hành chính, pháp luật. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các biện pháp tập trung nâng cao năng suất lao động có thể mang tính cốt lõi và bền vững để hỗ trợ nền kinh tế” – ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh Tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam chia sẻ thêm.
Lê Mỹ