Hoàn thành 52% tổng số dự án sử dụng vốn NSTW trong giai đoạn 2021-2025

24/10/2023 - 14:45
(Bankviet.com) Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đạt khoảng 90% tổng mức vốn được Quốc hội cho phép phân bổ (2,72 triệu tỷ đồng).

Chiều 23/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Một số kết quả chủ yếu được Bộ trưởng đề cập là trên cơ sở tổng mức vốn 2,87 triệu tỷ đồng và các nguyên tắc, tiêu chí được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đạt khoảng 90% tổng mức vốn được Quốc hội cho phép phân bổ (2,72 triệu tỷ đồng).

Quốc hội  nghe các báo cáo về đầu tư công, chiều 23/10 - Ảnh: Duy Linh.
Quốc hội nghe các báo cáo về đầu tư công, chiều 23/10 - Ảnh: Duy Linh.

Số vốn còn lại là 190.049,202 tỷ đồng, trong đó vốn NSTW là 53.749,202 tỷ đồng đã chuyển về dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn và Quốc hội cho phép Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục hoàn thiện thủ tục, phê duyệt chủ trương đầu tư; vốn ngân sách địa phương là 137.000 tỷ đồng.

Tổng kế hoạch đầu tư công hằng năm (từ năm 2021 đến năm 2023) được Quốc hội quyết nghị đạt 59% tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, số vốn NSTW đạt 52,2% kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tạo áp lực rất lớn trong cân đối ngân sách năm 2024, 2025. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi NSNN trong 3 năm 2021-2023 chiếm 28,4%; tỷ trọng vốn đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội trung bình 2 năm 2021, 2022 đạt 16,4%.

Hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế tăng lên, việc sử dụng vốn đầu tư xã hội nói chung, và vốn đầu tư công nói riêng được cải thiện. Tỷ lệ các dự án sử dụng vốn NSTW đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng đạt 52% tổng số dự án trong giai đoạn 2021-2025. Hệ số ICOR năm 2022 giảm mạnh so với năm 2021 (từ 15,57 năm 2021 xuống còn 5,13 năm 2022), xấp xỉ bằng các năm 2018, 2019 trước khi đại dịch xảy ra, Bộ trưởng báo cáo Quốc hội.

Về hạn chế, Chính phủ đánh giá, việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công hằng năm cho các nhiệm vụ, dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có nơi còn chậm và thực hiện nhiều lần trong năm. Hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không phân bổ hết kế hoạch theo đúng thời gian quy định và không phân bổ hết kế hoạch được giao. Tình trạng đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch có xu hướng tăng so với năm 2020, 2021, nhất là vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Với dự kiến kế hoạch 2024 là 225.000 tỷ đồng, lũy kế bố trí 4 năm từ năm 2021 đến 2024 đạt 61,7% tổng kế hoạch đầu tư vốn NSTW được Quốc hội cho phép phân bổ. Như vậy, dự kiến có khoảng 376 dự án của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được bố trí vốn hằng năm sẽ chuyển tiếp thực hiện và hoàn thành trong giai đoạn 2026-2030, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Thẩm tra, Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cho rằng, số vốn chưa được giao kế hoạch đến nay còn khá lớn (190.049,202 tỷ đồng), việc phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án còn chậm, không đảm bảo thời hạn Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nêu rõ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực, tỷ lệ giải ngân năm 2023 ước đạt cao so cùng kỳ năm 2021, 2022.

Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn về số liệu này, trong đó, cần tính toán tỷ lệ giải ngân thực tế (bao gồm cả số kế hoạch địa phương giao tăng thêm và số chuyển nguồn từ năm trước sang) để phản ánh đúng thực chất về số liệu giải ngân của các năm.

Bên cạnh đó, vẫn còn 42 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước, dự kiến giải ngân năm 2023 không đạt dự toán được giao; tiến độ giải ngân vốn của các Chương trình Mục tiêu quốc gia trong 3 năm 2021-2023 còn chậm, do quá trình phân bổ, giao vốn còn chậm trễ, chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, dẫn đến các địa phương còn lúng túng trong công tác triển khai.

Ông Mạnh cũng cho biết, theo Nghị quyết số 29/2021/QH15, tổng số vốn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn NSTW giai đoạn 2021-2025 là 150.000 tỷ đồng. Theo Nghị quyết số 93/2023/QH15, số vốn NSTW (53.749,202 tỷ đồng) đã chuyển về dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Qua thực tế 3 năm 2021-2023 cho thấy, số vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã giao còn lại trong 2 năm là khá lớn. Đồng thời, số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội cũng sẽ phải tập trung giải ngân trong thời gian tới. Sẽ đặt ra áp lực lớn trong cân đối nguồn vốn và tổ chức thực hiện giải ngân vốn. Mặt khác, tình hình thu NSTW trong năm 2023 và khả năng trong năm 2024 dự kiến còn nhiều khó khăn.

Vì vậy, Ủy ban của Quốc hội cho rằng, thời điểm này, Quốc hội chưa xem xét việc sử dụng vốn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (150.000 tỷ đồng), đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ khả năng giải ngân số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được giao và khả năng hoàn thành thu NSNN trong giai đoạn 2021-2025, báo cáo Quốc hội xem xét khi cân đối được nguồn vốn theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công.

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán