Tối ngày 30/1/2024, ngay trước hạn chót, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 với kết quả kinh doanh rực rỡ.
Hoàng Anh Gia Lai lập kỷ lục kinh doanh sau màn xoá nợ kinh điển |
Cụ thể, doanh thu thuần quý cuối năm tăng 16% so với cùng kỳ, lên 1.898 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ sau quý II/2016. Trong đó, trái cây là mảng đóng góp nhiều nhất vào cơ cấu doanh thu, đồng thời cũng là mảng tăng trưởng mạnh mẽ nhất khi mang về 903 tỷ đồng, tương ứng tăng gần 68% so với cùng kỳ. Theo sau là doanh thu bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ với 540 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, doanh thu bán heo giảm 34%, xuống còn 465 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giá vốn hàng bán quý IV/2023 tăng tới 39%, nhanh hơn đà tăng của doanh thu, đã khiến lợi nhuận gộp giảm gần một nửa, xuống còn 217 tỷ đồng.
Đáng chú ý, phần sụt giảm được bù đắp hoàn toàn bởi khoản doanh thu tài chính lên tới 295 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ. Hoàng Anh Gia Lai cho hay, nguyên nhân chủ yếu là do trong quý IV, Tập đoàn đã thực hiện thanh lý một số khoản đầu tư, qua đó mang về 240 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 không ghi nhận khoản mục này.
Doanh thu tài chính của Hoàng Anh Gia Lai tăng đột biến nhờ thanh lý một số khoản đầu tư |
Chưa kể, nhờ Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) miễn giảm hơn 1.424 tỷ đồng lãi vay, doanh nghiệp của bầu Đức còn được hoàn nhập 996 tỷ đồng chi phí tài chính, trong khi cùng kỳ năm ngoái phải chịu hơn 421 tỷ đồng.
Mặc dù chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng khá mạnh và phải ghi nhận thêm 254 tỷ đồng tiền lỗ khác, Hoàng Anh Gia Lai vẫn lãi sau thuế 1.107 tỷ đồng, tăng gấp 4,76 lần với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.
Luỹ kế năm 2023, doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai tăng 36%, đạt 6.932 tỷ đồng, thiết lập kỷ kinh doanh mới. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.805 tỷ đồng, tăng gần 76% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 1.817 tỷ đồng, tăng gần 62%. Đây là mức lãi cao thứ hai trong lịch sử hoạt động của Hoàng Anh Gia Lai, chỉ sau khoản lợi nhuận 2.081 tỷ đồng đạt được năm 2010.
Cách đây không lâu, tại buổi gặp gỡ cổ đông chiều ngày 15/12/2023, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai tỏ ra khá lạc quan về kết quả kinh doanh năm 2023: “Lợi nhuận quý 4/2023 chắc chắn sẽ không thua kém quý 3/2023. Năm nay (2023) dự kiến có những thu nhập bất thường, nên tổng lợi nhuận ước tính là 2.150 tỷ đồng, vượt gấp đôi kế hoạch đã đề ra đầu năm".
Đối chiếu với số liệu ghi nhận tại báo cáo hợp nhất quý IV/2023, mặc dù kết quả kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai có phần thấp hơn tuyên bố của bầu Đức, nhưng nếu so kế hoạch trước đó là mang về 5.120 tỷ đồng doanh thu và 1.130 tỷ đồng lợi nhuận, doanh nghiệp này đã vượt 35% chỉ tiêu doanh thu và 61% chỉ tiêu lợi nhuận.
Nhờ khoản lợi nhuận đột biến này, lỗ lũy kế của Hoàng Anh Gia Lai đã giảm hơn 50% so với đầu kỳ, xuống còn 1.633 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của “đại gia phố núi” đạt xấp xỉ 21.528 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cuối năm 2022. Về cơ cấu tài sản, khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất là các khoản phải thu ngắn hạn với 8.370 tỷ đồng, tăng 24%. Ở chiều ngược lại, hàng tồn kho giảm gần 20%, xuống còn 921 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp trích lập hơn 2 tỷ đồng dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Phía bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả cuối năm 2023 ghi nhận ở mức 14.802 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ tài chính dừng ở mức 7.910 tỷ đồng, giảm 255 tỷ đồng so với mức 8.165 hồi cuối năm 2022. Tuy nhiên, so với khoản nợ “khổng lồ” 27.098 tỷ đồng ghi nhận vào cuối năm 2015, “gánh nặng” nợ vay của Hoàng Anh Gia Lai đã vơi đi 70%.
Đáng chú ý, tại thời điểm cuối năm 2023, doanh nghiệp của bầu Đức không còn ghi nhận nợ vay tại Eximbank nhưng phát sinh khoản vay ngắn hạn trị giá 750 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, HOSE: LPB). Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tại ngân hàng ghi nhận ở mức 2.746 tỷ đồng. Ngoài LPBank, các chủ nợ của Hoàng Anh Gia Lai gồm có: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HOSE: TPB), Ngân hàng Liên doanh Lào Việt.
Hoàng Anh Gia Lai không còn ghi nhận nợ vay tại Eximbank |
Bên cạnh đó, Hoàng Anh Gia Lai còn có 4.948 tỷ đồng dư nợ trái phiếu tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HOSE: BID) và công ty chứng khoán của ngân hàng này. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có gần 211 tỷ đồng nợ vay dài hạn tổ chức, cá nhân khác.
Tính riêng các khoản dư nợ phải trả trong vòng một năm (bao gồm cả trái phiếu, vay dài hạn ngân hàng và vay dài hạn tổ chức, cá nhân khác), dự kiến, trong năm 2024, Hoàng Anh Gia Lai sẽ phải trả hơn 2.475 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 30/1/2024, cổ phiếu HAG đóng cửa tại mức 14.950 đồng/cp, cao nhất 2 năm trở lại đây. Nếu vượt ngưỡng 16.000 đồng, mã này sẽ lập đỉnh 9 năm.
Cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai (HAG) tím kịch trần và chính thức phá đỉnh một năm Diễn biến phiên 11/12, dòng tiền cá mập thể hiện rõ tâm lý giằng co khi lực mua và lực bán liên tục bị đẩy ... |
Hoàng Anh Gia Lai (HAG) “xoá sổ” khoản nợ 750 tỷ đồng tại Eximbank Hoàng Anh Gia Lai đã thanh toán đủ tiền nợ gốc và một phần lãi quá hạn cho Eximbank, hưởng lợi 1.425 tỷ đồng nhờ ... |
Danh sách nhà đầu tư tham gia đợt huy động 1.300 tỷ của Hoàng Anh Gia Lai (HAG) lại thay đổi Cá nhân duy nhất tham gia đợt phát hành cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai là ông Nguyễn Đức Quân Tùng - Quyền Tổng ... |
Thái Hà