Hỏi đáp Giao dịch Hàng hóa (Số 72): Các chiến lược trong giao dịch Hợp đồng quyền chọn (Phần 7)

12/09/2024 - 12:55
(Bankviet.com) Báo Công Thương sẽ giới thiệu đến bạn đọc một chiến lược giúp nhà đầu tư tối ưu hóa lợi nhuận trong trường hợp giá thị trường của tài sản cơ sở sẽ ít biến động.
Hỏi đáp Giao dịch Hàng hóa (Số 70): Các chiến lược trong giao dịch Hợp đồng quyền chọn (Phần 5) Hỏi đáp Giao dịch Hàng hóa (Số 71): Các chiến lược trong giao dịch Hợp đồng quyền chọn (Phần 6)

Tiếp nối số hỏi đáp trước, trong số lần này Báo Công Thương sẽ tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc thêm một chiến lược giúp nhà đầu tư tối ưu hóa lợi nhuận trong trường hợp giá thị trường của tài sản cơ sở sẽ ít biến động. Đó chính là chiến lược số 7 - chiến lược Short Straddle.

Chiến lược Short Straddle

Chiến lược Short Straddle được thực hiện bằng cách bán đồng thời quyền chọn mua và quyền chọn bán một tài sản cơ sở với cùng giá thực hiện (strike price) và ngày đáo hạn. Chiến lược này có mức lợi nhuận bị giới hạn và mức thua lỗ không giới hạn tùy theo mức độ biến động giá thị trường của tài sản cơ sở. Do vậy, đây là một chiến lược có mức độ rủi ro cao.

Hỏi đáp Giao dịch Hàng hóa (Số 72): Các chiến lược trong giao dịch Hợp đồng quyền chọn (Phần 7)
Các chiến lược trong giao dịch Hợp đồng quyền chọn (Phần 7). Ảnh MXV

Tại ngày đáo hạn, nếu giá của tài sản cơ sở không khác biệt quá nhiều so với giá thực hiện của quyền chọn thì nhà đầu sẽ có mức lợi nhuận tốt. Ngược lại, nếu mức chênh lệch này đáng kể thì nhà đầu tư có khả năng phải chịu khoản thua lỗ lớn. Chiến lược Short Straddle thường được sử dụng khi nhà đầu tư cho rằng giá thị trường của tài sản cơ sở sẽ ít biến động so với giá thực hiện của quyền chọn.

Ví dụ: Một nhà đầu tư thực hiện chiến lược Short Straddle bằng việc đồng thời bán một quyền chọn mua hợp đồng Lúa mỳ tháng 12/2024 có giá thực hiện là 720 cent/giạ với phí quyền chọn 64 cent/giạ và bán một quyền chọn bán có giá thực hiện là 720 cent/giạ với phí quyền chọn 60 cent/giạ.

Lợi nhuận từ chiến lược Short Straddle phụ thuộc vào giá của hợp đồng Lúa mỳ tháng 12/2024 (ZWAZ24) trong tương lai. Các kịch bản sau đây có thể xảy ra:

Trường hợp 1: Giá hợp đồng ZWAZ24 cao hơn 720 cent/giạ

Nếu giá hợp đồng ZWAZ24 cao hơn 720 cent/giạ, giả sử là 790 cent/giạ, quyền chọn mua sẽ được thực hiện. Lúc này, nhà đầu tư phải mua 1 hợp đồng ZWAZ24 tại giá 790 cent/giạ để hoàn thành nghĩa vụ bán hợp đồng này tại 720 cent/giạ. Như vậy, nhà đầu tư nhận được khoản lợi nhuận (64 + 60) - (790 – 720) = 54 cent/giạ.

Trường hợp 2: Giá hợp đồng ZWAZ24 đúng bằng 720 cent/giạ

Nhà đầu tư không thực hiện quyền chọn nào. Nhà đầu tư nhận được khoản lợi nhuận chính bằng tổng phí 2 quyền chọn, tức là (64 + 60) = 124 cent/giạ.

Trường hợp 3: Giá hợp đồng ZWAZ24 giảm xuống dưới 720 cent/giạ

Nếu giá hợp đồng ZWAZ24 thấp hơn 720 cent/giạ, giả sử là 550 cent/giạ, quyền chọn bán sẽ thực hiện. Lúc này, nhà đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ mua vào 1 hợp đồng ZWAZ24 tại mức giá 720 cent/giạ và bán hợp đồng này tại giá 550 cent/giạ. Như vậy, nhà đầu tư chịu khoản lỗ (720 – 550) - (64 + 60) = 46 cent/giạ.

Như vậy, chiến lược Short Straddle là một chiến lược rủi ro khi giới hạn lợi nhuận của nhà đầu tư ở một mức nhất định nhưng lại khiến cho nhà đầu tư đối mặt với khoản lỗ không giới hạn.

Bạn đọc có câu hỏi liên quan đến vấn đề giao dịch hàng hóa vui lòng gửi về email: [email protected] hoặc [email protected].

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Theo: Báo Công Thương