Tài liệu đại hội cổ đông được công bố mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB – Mã chứng khoán: SHB) đã công bố danh sách các nhân sự được đề cử vào Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2022 - 2027 với sự góp mặt của một số gương mặt mới.
Cụ thể, danh sách nhân sự bầu vào HĐQT gồm có 7 người: ông Đỗ Quang Hiển, ông Võ Đức Tiến, ông Nguyễn Văn Lê, ông Thái Quốc Minh, ông Đỗ Quang Vinh, bà Nguyễn Thị Mai Sương và ông Đỗ Văn Sinh.
Danh sách bầu cử HĐQT và Ban kiểm soát mới của SHB nhiệm kỳ 2022 - 2027. (Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ SHB).
So với nhiệm kỳ cũ, có ba gương mặt mới được đề cử trong đại hội lần này gồm ông Đỗ Quang Vinh, bà Nguyễn Thị Mai Sương, ông Đỗ Văn Sinh.
Theo tìm hiểu, ông Đỗ Quang Vinh sinh năm 1989, là con trai ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển), có trình độ Thạc sỹ Tài chính - quản trị, đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Ông đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Đầu tư tài chính quốc tế tại CTCP Tập đoàn T&T từ tháng 12/2013 cho đến nay.
Ông Đỗ Quang Vinh - Phó Tổng Giám đốc SHB
Ông Vinh hiện cũng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại SHB như Phó Tổng Giám đốc SHB, Giám đốc Khối ngân hàng số kiêm Phó Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ SHB, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thành viên Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội.
Ông Vinh là thành viên trẻ tuổi nhất trong danh sách HĐQT của SHB và là một trong những lãnh đạo trẻ nhất ngành ngân hàng hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Mai Sương, sinh năm 1961, có bằng Thạc sỹ Tài chính – Ngân hàng, có gần 40 năm kinh nghiệm trong ngành. Bà từng đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo cấp cao tại Ngân hàng Nhà nước khu vực Ba Đình, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hà Nội, Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hà Nội,…
Ông Đỗ Văn Sinh, sinh năm 1961, là Tiến sỹ kinh tế, có 37 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tài chính. Ông Sinh từng đảm nhiệm các chức vụ quản lý, điều hành cấp cao như Trưởng Ban Kế hoạch tài chính/Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội Khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021 trúng cử tại Đơn vị bầu cử số 1 thuộc tỉnh Quảng Trị và giữ chức vụ Uỷ ban Thường trực – Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV (7/2016-7/2021).
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng dự kiến bầu ba thành viên Ban Kiểm soát gồm ông Phạm Hòa Bình, bà Lê Thanh Cẩm, ông Vũ Xuân Thủy Sơn. Trong đó, chỉ có bà Lê Thanh Cẩm là một trong các thành viên Ban Kiểm soát cũ.
Danh sách bầu Thành viên HĐQT tại Đại hội đồng cổ đông sẽ diễn ra vào ngày 20/4 tới đây xuất hiện cả ông Đỗ Quang Hiển và con trai cả của ông Hiển là ông Đỗ Quang Vinh, hiện đang giữ chức Phó Tổng Giám đốc SHB.
Việc ông Hiển có ở lại làm Chủ tịch HĐQT SHB nhiệm kỳ sắp tới hay không còn phụ thuộc vào lá phiếu của các cổ đông. Nhưng một điều chắc chắn ông Hiển sẽ phải lựa chọn một trong 2 chiếc ghế Chủ tịch, hoặc tại Tập đoàn T&T, hoặc tại Ngân hàng SHB.
Bởi theo luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc (giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Cũng tại kỳ đại hội lần này, ông Đỗ Quang Hiển sẽ phải đưa ra quyết định chọn “ghế” chủ tịch tại SHB hay Tập đoàn T&T (nếu tiếp tục được bầu làm Chủ tịch tại SHB) do Theo Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi 2017 thì Chủ tịch HĐQT của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc của doanh nghiệp khác.
Do trước thời điểm luật sửa đổi có hiệu lực, SHB đã bầu xong thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới, vì vậy, ông Hiển vẫn đang đương nhiệm cả chức Chủ tịch SHB lẫn Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn T&T cho đến hết nhiệm kỳ.
Kế hoạch đặt ra cho năm 2022, SHB dự kiến tổng tài sản tăng trưởng trên 12%; Vốn điều lệ tăng trưởng 36% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế dự kiến tối thiểu 11.686 tỷ đồng, tăng 87%; Dự kiến chia cổ tức năm 2022 từ 18%.
Mới đây SSI Research công bố dự báo lợi nhuận ngân hàng, trong đó đánh giá rất cao SHB. Trung tâm nghiên cứu thuộc Công ty chứng khoán SSI ước tính tốc độ tăng lợi nhuận của SHB đạt 92% để cán mốc lợi nhuận trong quý 1/2022 là 3.200 tỷ đồng. Kết quả này nhờ tăng trưởng tín dụng 5% và tăng trưởng tiền gửi 2,5% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,5% trong khi biên lãi ròng (NIM) ước tính ổn định.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên cuối tuần (15/4) giá cổ phiếu SHB ở mức 19.450 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ so với thời điểm đầu tháng.
Diễn biến giá cổ phiếu SHB
Quang Huy
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam