Sự kiện do Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ phối hợp với Tỉnh ủy Hòa Bình tổ chức cho lãnh đạo, cán bộ tại 14 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ và lãnh đạo, phóng viên một số cơ quan báo chí Trung ương.
Các đại biểu tham dự hội nghị - Ảnh: Thu Hường |
Hội nghị dưới sự chủ trì của Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại tỉnh Hòa Bình Bùi Đức Hinh và Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền.
Phát biểu chào mừng hội nghị, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình Bùi Đức Hinh cho biết: Hòa Bình là tỉnh miền núi cửa ngõ vùng Tây Bắc, có vị trí chiến lược quan trọng, là cầu nối giữa vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Những năm qua, với sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và với phương châm “chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả”. Các hoạt động thông tin đối ngoại luôn bám sát định hướng chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước, bám sát chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu sai trái của các thế lực cơ hội, thù địch, góp phần tích cực trong thu hút đầu tư, vận động tài trợ, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn ổn định an ninh chính trị, an toàn xã hội của tỉnh và của đất nước trong tình hình mới…
Ông Bùi Đức Hinh (trái) đại diện Ban Lãnh đạo Tỉnh ủy Hòa Bình lên nhận bức hình Chủ tịch Hồ Chí Minh do đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban trao - Ảnh: Thu Hường |
Ban Chỉ đạo nhân quyền tỉnh đã chủ động trong công tác tham mưu cho chính quyền các cấp triển khai các chính sách, pháp luật về bảo đảm, thúc đẩy quyền con người; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông đối nội và đối ngoại, phủ xanh thông tin tích cực về thành tựu bảo đảm quyền con người. Đặc biệt tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các nền tảng mảng xã hội, chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, nâng cao cảnh giác, phát hiện âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền trên địa bàn tỉnh; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như quyền của đồng bào dân tộc được bảo đảm và quan tâm…
Tại Hội nghị, Đại diện Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ đã trình bày các báo cáo, tham luận chuyên đề về việc triển khai nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 15/4/2024 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị gắn với đặc thù của 14 tỉnh, thành phố khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ; những nội dung cốt lõi, trọng tâm trong Kết luận số 71-KL/TW ngày 16/2/2024 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ, giải pháp lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được nghe chuyên đề về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề quyền con người; thành tự bảo đảm quyền con người ở Việt Nam; ứng xử của Việt Nam đối với vấn đề nhân quyền tại các diễn đàn đa phương, định hướng công tác nhân quyền trong thời gian tới, nhấn mạnh trọng tâm công tác thông tin đối ngoại về nhân quyền.
Ông Đinh Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Thu Hường |
Phát biểu tại hội nghị, Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, sau một năm triển khai Kết luận số 57-KL/TW về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới, vừa qua, tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương đã đánh giá cao Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố đã nghiêm túc quán triệt, nghiên cứu, cụ thể hoá, tham mưu ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện một cách đồng bộ các nội dung của Kết luận, đặc biệt là 05 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm theo đúng phương châm “Chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả”.
Bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao chia sẻ thông tin tại Hội nghị - Ảnh: Thu Hường |
Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, thông qua các báo cáo và khuyến nghị, đề xuất của các tỉnh, thành phố, công tác thông tin đối ngoại nói chung và hoạt động của các Ban Chỉ đạo nói riêng còn một số hạn chế, cần khắc phục trong thời gian tới.
“Chúng ta đang ở giai đoạn quan trọng chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng cùng với việc đảm nhiệm trọng trách trên bình diện quốc tế. Đặc biệt là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2023-2025) và tái ứng cử nhiệm kỳ 2026-2028, thời cơ, thuận lợi đan xen mới những thách mới, trong đó sẽ có những luồng thông tin trái chiều, xuyên tạc tình hình trong nước”- lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đó, Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các đồng chí lãnh đạo Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Kết luận số 57-KL/TW. Quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại, bảo đảm và thúc đẩy nhân quyền, đẩy mạnh thông tin đối ngoại về tình hình nhân quyền Việt Nam nhằm nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước. Đồng thời, rà soát, kiện toàn và nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại từ Trung ương đến cơ sở; tiếp tục chú trọng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại.
Bên cạnh đó, chủ động tận dụng hiệu quả các điều kiện thuận lợi từ bối cảnh trong nước và quốc tế để tăng cường đổi mới tư duy và phương thức triển khai công tác thông tin đối ngoại. Trong đó, 14 địa phương khu vực Trung du và miền núi phía Bắc cần tập trung thông tin, tuyên truyền mạnh mẽ về bề dày lịch sử, di sản văn hóa đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số, về truyền thống cách mạng vẻ vang; được ví như là “cội nguồn dân tộc”; “cái nôi của cách mạng Việt Nam”, là “phên dậu” và “lá phổi” của tổ quốc, là “cửa ngõ” phía Tây và phía Bắc của quốc gia; thông tin về những nỗ lực, thành tựu của các địa phương trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm, thúc đẩy các quyền con người nói chung và quyền bình đẳng của đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời, đổi mới phương thức, sáng tạo trong nội dung thông tin trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Huy động mọi nguồn lực trên cả ba phương diện nhân lực, vật lực và tài lực, cả trong nước và nước ngoài để phục vụ hiệu quả nhiệm vụ thông tin đối ngoại, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển vùng, phát triển đất nước mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.