Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại hội nghị |
Tham dự hội nghị về phía Chi Hội thẻ có bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Chủ tịch Chi Hội thẻ Ngân hàng; Ông Tô Đình Tơn và Ông Nguyễn Minh Tâm - Phó Chủ tịch Chị Hội thẻ cùng các ông/bà lãnh đạo của 43/45 thành viên Chi Hội thẻ.
Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có: ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký.
Các khách mời tham dự Hội nghị có: ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Phụ Trách Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN); cùng đại diện Bộ Y tế, Bộ Công thương; Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và truyền thông; một số tổ chức thẻ quốc tế và công ty cung cấp dịch vụ, giải pháp như: VNPAY, Alliex, MK Group, Visa, Mastercard, Unionpay, JCB, One Mount Group, Onepay, VietCard, Ingenico.
Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế thương mại toàn cầu. Việt Nam đã và đang bắt nhịp theo xu hướng này và đạt những thành tựu đáng ghi nhận. TTKDTM đang trở thành một phương thức thanh toán chính yếu trong xã hội, đem lại nhiều lợi ích để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, sẽ tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu và giao dịch, giúp dòng chảy tiền tệ được lưu thông rõ ràng và trơn tru.
Thực hiện Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, NHNN đã ban hành Thông tư hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ ngân hàng bằng phương tiện điện tử: mở tài khoản, phát hành thẻ cùng các Thông tư quy định quản lý rủi ro hoạt động ngân hàng điện tử, tiêu chuẩn an toàn hệ thống công nghệ thông tin, quy định về bảo mật an toàn đối với hoạt động ngân hàng trên internet, các quy định về định danh, xác thực khách hàng… Trên cơ sở đó, các TCTD đã cung cấp cho khách hàng rất nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại trên nền tảng công nghệ 4.0, đặc biệt là các sản phẩm, dịch vụ thẻ.
Với chủ trương, định hướng rõ ràng từ Chính phủ và NHNN, sự vào cuộc tích cực của các tổ chức tín dụng (TCTD), TTKDTM đã tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, TTKDTM đã thực sự bùng nổ.
Số liệu hoạt động thẻ Chi Hội Thẻ cho thấy, doanh số thanh toán và sử dụng thẻ ngày càng tăng cao trong năm vừa qua, đặc biệt sau năm 2020, 2021 bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 thì 6 tháng đầu năm 2022, doanh số thanh toán lấy lại đà tăng mạnh trở lại ở mức tăng 35%, cao hơn mức tăng trung bình trước dịch đã góp phần thúc đẩy giao dịch TTKDTM tại Việt Nam tăng hơn 80% về số lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ 2021.
Theo số liệu khảo sát của Bộ Công thương về thương mại điện tử năm 2020 - 2021, xu hướng người dùng chuyển sang các hình thức thanh toán thẻ/ví điện tử tăng lên rõ rệt. Tỷ lệ người sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ để thanh toán tăng từ 20% lên 24%, tỷ lệ người sử dụng ví điện tử để thanh toán cũng tăng lên nhanh chóng từ 23% lên 37%. Trong khi đó, tỷ lệ người sử dụng lựa chọn hình thức trả tiền mặt khi nhận hàng giảm từ 78% năm 2020 xuống còn 73% năm 2021.
Với chủ đề “Thanh toán điện tử, thanh toán không tiếp xúc trong kỷ nguyên số”, Hội nghị thường niên năm 2022 của Chi Hội thẻ được tổ chức thành 2 phiên, trong đó:
Phiên 1: có chủ đề “Thanh toán điện tử, thanh toán không tiếp xúc trong kỷ nguyên số”. Nội dung tại phiên này sẽ đưa ra những đánh giá tổng quan về sự phát triển của thị trường thẻ và TTKDTM thời gian quan; đưa ra các giải pháp thúc đẩy thanh toán điện tử, thanh toán không tiếp xúc; cùng với đó là chia sẻ của cơ quan quản lý về định hướng phát triển thị trường TTKDTM, thanh toán không tiếp xúc tại Việt Nam trong thời gian tới…
Phiên 2: có chủ đề “Quản lý rủi ro trong hoạt động thanh toán”. Nội dung trong phiên này tập trung đến việc quản lý rủi ro trong hoạt động thẻ, hoạt động thanh toán; cũng như đưa ra các giải pháp nhằm quản lý rủi ro trong hoạt động thẻ, hoạt động thanh toán hiệu quả hơn…
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Chủ tịch Chi Hội thẻ phát biểu khai mạc hội nghị |
Theo bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Chủ tịch Chi Hội thẻ, để thúc đẩy thanh toán điện tử, thanh toán thẻ phát triển nhằm gia tăng trải nghiệm, tiện ích cho khách hàng, đặc biệt trong bối cảnh tác động đại dịch Covid-19 vừa qua, bản thân các ngân hàng đã rất nỗ lực để vừa tiết kiệm chi phí, vừa dành nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống, chuyển đổi thẻ chip tăng cường an toàn bảo mật trong sử dụng thẻ, đồng thời vừa thực hiện việc miễn giảm phí nhằm hỗ trợ, chia sẻ với khách hàng.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, sự phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử và thanh toán thẻ có sự đóng góp rất lớn của ngành Ngân hàng, trong đó có Chi Hội Thẻ và các hội viên Chi Hội Thẻ.
Hiệp hội Ngân hàng đánh giá cao kết quả hoạt động của Chi Hội Thẻ thời gian qua, với những nỗ lực nhằm phát triển thị trường như: tập hợp các hội viên cùng thống nhất định hướng hoạt động, nghiêm túc thực hiện các quy định của NHNN; tích cực đóng góp xây dựng hành lang pháp lý liên quan đến hoạt động thẻ; chuyển đổi thẻ chip tăng cường an toàn bảo mật trong sử dụng thẻ; xây dựng Bộ quy định chuyển đổi trách nhiệm đối với cho thẻ chip VCCS nội địa; tích cực bảo vệ quyền lợi của các hội viên (như kiến nghị điều chỉnh giảm giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ tài chính ngân hàng và kiến nghị các tổ chức thẻ quốc tế miễn giảm phí dịch vụ cho các ngân hàng tại Việt Nam); làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền, A05 Bộ Công an để nắm tình hình rủi ro thẻ trên các địa bàn, chia sẻ và cảnh báo kịp thời tình hình rủi ro phát sinh tới các ngân hàng thành viên để có biện pháp phòng tránh…
Hơn nữa, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, để chia sẻ khó khăn với khách hàng, các ngân hàng đã nhiều lần thực hiện miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán, trong đó có dịch vụ thẻ.
“Đồng hành cùng với các ngân hàng hội viên, Chi Hội thẻ, thời gian qua, Hiệp hội Ngân hàng đã có nhiều ý kiến góp ý rất xác đáng đối với các cơ quan soạn thảo, các cơ quan có thẩm quyền về các cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng, trong đó có hoạt động thanh toán, cụ thể gần đây nhất, Hiệp hội Ngân hàng đã có ý kiến góp đối với dự án Luật Giao dịch điện tử, Nghị định định danh và xác thực điện tử được các Uỷ ban Quốc hội và các Bộ ngành ghi nhận, tiếp thu, điều chỉnh”, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.
Quang cảnh hội nghị |
Đánh giá cao các kết quả Chi Hội thẻ đạt được, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, đây mới chỉ là bước đầu, hoạt động của các ngân hàng thời gian tới sẽ đối mặt với nhiều thách thức trước bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, rủi ro hoạt động có xu hướng tăng cao.
Do đó, để hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ phát triển an toàn, hiệu quả, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đề nghị, Chi Hội thẻ triển khai một số giải pháp, như: tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt còn đang phổ biến, đảm bảo an toàn thông tin cá nhân của chủ thẻ; tổ chức các buổi tọa đàm chia sẻ về định hướng, kinh nghiệm triển khai của thị trường tài chính ngân hàng trong và ngoài nước; tăng cường phòng chống tội phạm công nghệ cao nói chung và tội phạm gian lận thẻ nói riêng; cập nhật xu hướng công nghệ mới đối với việc phòng chống tội phạm và phòng ngừa rủi ro thanh toán thẻ; đẩy mạnh công tác truyền thông để khuyến khích người dân sử dụng thẻ, ngân hàng điện tử trong các giao dịch thanh toán….; đối với các bộ, ngành và tổ chức thẻ quốc tế, đề nghị xem xét giải quyết các khó khăn vướng mắc, các đề xuất kiến nghị của Chi Hội thẻ, để từ đó thúc đẩy hoạt động TTKDTM đạt được các mục tiêu đặt ra tại Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Hội nghị đã thông qua Nghị quyết Hội nghị thường niên 2022, đồng thời thông qua: Báo cáo kết quả hoạt động thẻ năm 2021, Báo cáo tài chính và Kế hoạch thu chi và các nội dung khác…
Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm |
Trong khuôn khổ hội nghị, Chi Hội thẻ đã tổ chức Lễ kết nạp thêm 3 thành viên mới, gồm: HomeCredit, FECredit, VietCredit.
Như vậy, sau khi kết nạp, tổng số hội viên của Chi Hội thẻ tăng lên thành 45 đơn vị. Nhân dịp này, Chi Hội thẻ đã tổ chức chức sinh nhật Tiểu ban Quản lý Rủi ro – đơn vị thành viên của Chi hội.
Đặc biệt, với những đóng góp tích cực cho sự phát triển hoạt động thẻ trong suốt 10 năm qua, Tiểu ban Quản lý Rủi ro đã được Bộ Công an trao tặng bằng khen. Tại buổi lễ, Trung tá Nguyễn Thành Chung, Phó Trưởng phòng Phòng 4, A05, Bộ Công an đã đại diện trao tặng bằng khen của Bộ. Đồng thời, 5 ngân hàng thành viên Tiểu ban Quản lý Rủi ro (VietinBank, Vietcombank, BIDV, ACB, Sacombank) cũng nhận được giấy khen từ Hiệp hội Ngân hàng vì những đóng góp tích cực trong suốt những năm qua.
|
Ngô Hải