Hợp tác phát triển ngành công nghiệp Halal - hàng Việt nhiều cơ hội đến với 1/4 dân số thế giới

10/08/2024 - 17:49
(Bankviet.com) Với vị trí chiến lược ở Đông Nam Á, Việt Nam có nhiều lợi thế trong phát triển ngành công nghiệp Halal, giúp hàng Việt tiếp cận với 1/4 dân số thế giới.
Nắm bắt cơ hội, mở cánh cửa cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Halal Tiêu chuẩn và chứng nhận: Chìa khóa để tham gia thị trường Halal Triển vọng thúc đẩy ngành Halal ở khu vực miền Trung Tây Nguyên Đề xuất xây dựng quy định về tiêu chuẩn áp dụng đối với sản phẩm, dịch vụ Halal

Cơ hội lớn cho thực phẩm Việt Nam

Halal là từ tiếng Ả Rập có nghĩa là “cho phép”, hàm ý chỉ những sản phẩm đáp ứng các quy định của đạo Hồi. Thông thường chứng nhận Halal thường được dùng để chỉ thực phẩm. Một trong những quy định cơ bản nhất trong tiêu chuẩn Halal là thành phần không có thịt heo hay rượu. Tuy nhiên, ngành công nghiệp Halal còn bao gồm các sản phẩm như dược phẩm, mỹ phẩm và thậm chí cả du lịch, dịch vụ tài chính...

Trên thế giới hiện có xấp xỉ 1,9 tỉ tín đồ đạo Hồi, chiếm khoảng 1/4 dân số toàn cầu. Do đó, tiềm năng của ngành công nghiệp Halal vô cùng lớn và nhu cầu về sản phẩm Halal tăng cao từng ngày.

Hợp tác phát triển ngành công nghiệp Halal - hàng Việt nhiều cơ hội đến với 1/4 dân số thế giới
Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato' Tan Yang Thai. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Đánh giá về tiềm năng và lợi thế của Việt Nam trong phát triển ngành công nghiệp Halal, Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato’ Tan Yang Thai cho biết, với vị trí chiến lược tại Đông Nam Á, gần các thị trường Hồi giáo lớn như Malaysia, Indonesia và Singapore, Việt Nam có nhiều cơ hội cho thương mại và xuất khẩu các mặt hàng Halal.

Bên cạnh đó, Việt Nam có nền nông nghiệp đa dạng và phát triển với nhiều loại cây trồng, vật nuôi, là nền tảng vững chắc cho ngành thực phẩm Halal. Nếu có được quy trình chứng nhận, các mặt hàng của Việt Nam sẽ phù hợp với thị trường Halal.

Thêm vào đó, ngành du lịch cũng mang đến cơ hội cho Việt Nam, trở thành điểm đến được nhiều du khách Hồi giáo ưa chuộng. Thông qua việc phát triển hơn nữa các dịch vụ và sản phẩm du lịch được chứng nhận Halal, Việt Nam có thể thu hút nhiều du khách hơn nữa từ thế giới Hồi giáo, thúc đẩy đáng kể doanh thu từ du lịch.

Ông Zafrul Abdul Aziz - Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia cũng nhấn mạnh, hai nước Việt Nam - Malaysia có nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực Halal.

“Hệ sinh thái Halal của Malaysia là một khuôn khổ toàn diện và mạnh mẽ bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như thực phẩm, tài chính, dược phẩm, mỹ phẩm, du lịch và logistics. Chứng nhận Halal của chúng tôi do JAKIM (Bộ Phát triển Hồi giáo Malaysia) giám sát, được công nhận trên toàn thế giới nhờ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt và quy trình kỹ lưỡng” - Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia thông tin và nhấn mạnh, Việt Nam - với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, lực lượng lao động năng động và vị trí chiến lược tại Đông Nam Á, đang có vị thế tốt để trở thành nhân tố quan trọng trên thị trường Halal toàn cầu.

Trong các chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Malaysia tới Việt Nam vào tháng 3/2022 và tháng 7/ 2023, lãnh đạo hai nước tập trung thảo luận về việc mở rộng hợp tác trong phát triển Halal, logistics, tài chính và ngân hàng Hồi giáo, du lịch và dịch vụ khách sạn thân thiện với người Hồi giáo, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và đồ uống Halal.

Malaysia có thể chia sẻ những kiến thức chuyên môn và các công ty Malaysia có thể cung cấp vốn, công nghệ, kỹ năng để đầu tư vào ngành công nghiệp Halal của Việt Nam. Ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam có thể khám phá các cơ hội tại Malaysia, đặc biệt là trong sản xuất thực phẩm Halal, mỹ phẩm và dược phẩm.

Hợp tác phát triển ngành công nghiệp Halal - hàng Việt nhiều cơ hội đến với 1/4 dân số thế giới
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Tengku Zafrul Aziz nhất trí, đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Halal

Vừa qua, tại Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp về Thương mại Việt Nam - Malaysia diễn ra hôm 9/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Tengku Zafrul Aziz nhất trí, đưa ra các giải pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước. Trong số các giải pháp đưa ra, hai Bộ trưởng cùng nhấn mạnh đến hợp tác phát triển ngành công nghiệp Halal trong đó có các khâu nâng cao năng lực chứng nhận Halal, đào tạo về quy trình Halal, khuyến khích doanh nghiệp Malaysia đầu tư vào Việt Nam sản xuất, chế biến sản phẩm Halal.

Tiêu chuẩn Halal - yếu tố then chốt

Trong năm 2024, ngành công nghiệp Halal được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh tại các thị trường châu Á, Trung Đông và châu Phi. Các xu hướng Halal năm 2024 sẽ góp phần định hình lại môi trường kinh doanh Halal toàn cầu tạo ra cơ hội mới song cũng đòi hỏi các doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng với bối cảnh mới.

Đại sứ Malaysia tại Việt Nam cho rằng, có thể thâm nhập thị trường Halal được hay không liên quan đến việc xây dựng lòng tin với người tiêu dùng Hồi giáo để bảo đảm rằng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn Halal. Được chứng nhận bởi các tổ chức trên toàn cầu, nổi tiếng với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Halal sẽ tăng cường lòng tin của người tiêu dùng.

Cùng nhấn mạnh đến tiêu chuẩn Halal, ông Đào Minh Chánh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) khẳng định, việc thiết lập các tiêu chuẩn Halal từ sản xuất đến phân phối đang trở thành xu hướng quan trọng, tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Hợp tác phát triển ngành công nghiệp Halal - hàng Việt nhiều cơ hội đến với 1/4 dân số thế giới
Điều kiện tiên quyết để có thể xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Malaysia đó là doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải có chứng nhận Halal. Ảnh minh họa

TS. Phú Văn Hẳn - Phó Viện trưởng Viện khoa học xã hội vùng Đông Nam Bộ cũng lưu ý, điều kiện tiên quyết để có thể xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Malaysia đó là doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải có chứng nhận Halal được xác thực bởi các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, hoạt động chứng thực này trên thế thế giới và cả tại Việt Nam đang gặp một số khó khăn, vướng mắc đáng kể.

Hiện nay, chưa có bộ tiêu chuẩn Halal thống nhất áp dụng với tất cả các nước trên toàn cầu. Tuy có nhiều tổ chức được phép cấp chứng nhận Halal, nhưng quy trình thủ tục cấp chứng nhận của các tổ chức không thống nhất. Việc nhiều tổ chức cấp chứng nhận với các yêu cầu khác nhau giữa các quốc gia, cùng nhiều tiêu chuẩn khác nhau cho từng sản phẩm đã làm tăng sự phức tạp và thách thức trong sản xuất, kinh doanh, gây trở ngại lớn đối với hoạt động xuất khẩu sản phẩm Halal của các doanh nghiệp Việt Nam.

Điều tiên quyết là doanh nghiệp cần hiểu rõ và nắm vững các tiêu chuẩn Halal do tổ chức chứng nhận mà doanh nghiệp lựa chọn. Tiêu chuẩn bao gồm các yêu cầu khắt khe về nguyên liệu, quy trình sản xuất, hệ thống quản lý và các khía cạnh khác liên quan đến sản phẩm và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp” - TS. Phú Văn Hẳn nhấn mạnh.

Đến nay, Việt Nam đã ban hành 4 tiêu chuẩn quốc gia TCVN lĩnh vực Halal (Thực phẩm Halal - Yêu cầu chung; Thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất Halal; Thức ăn chăn nuôi Halal; Thực phẩm Halal - Yêu cầu đối với giết mổ động vật). Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn Halal cho 2 tổ chức.

Liên quan đến thị trường này, ngày 14/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030". Đối với Việt Nam, tiềm năng, cơ hội của thị trường Halal toàn cầu còn rất lớn. Nhiều quốc gia là các thị trường tiêu dùng Hồi giáo hoặc xuất khẩu sản phẩm Halal lớn trên thế giới (như Hàn Quốc, Saudi Arabia, Indonesia, Malaysia…) bày tỏ quan tâm, mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong đầu tư, phát triển ngành Halal tại Việt Nam để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Là cơ quan đầu mối thực hiện Đề án này, Bộ Ngoại giao đã chủ động triển khai tích cực, đồng bộ ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do đó, thời gian qua, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho phát triển, Đề án đã được Bộ Ngoại giao chủ động triển khai tích cực, đồng bộ, thông qua việc lồng ghép nội dung phát triển ngành Halal Việt Nam trong hợp tác song phương với các đối tác; thúc đẩy ký kết các thỏa thuận nhằm tạo khuôn khổ pháp lý để tăng cường hợp tác quốc tế về Halal; đẩy mạnh nghiên cứu, cung cấp thông tin liên quan tới Halal, nhất là về chính sách thương mại, văn hóa Hồi giáo, chứng nhận Halal…; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư về sản phẩm, dịch vụ Halal; hỗ trợ, kết nối các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các thị trường Halal toàn cầu...

Có thể khẳng định, việc chủ động, tích cực triển khai Đề án và sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ban, ngành và cơ quan liên quan đã và đang góp phần xây dựng ngành Halal Việt Nam ngày càng bài bản, toàn diện và mạnh mẽ trong thời gian tới, đóng góp vào việc tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng mới cho sự phát triển kinh tế toàn diện, bền vững và góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác thực chất, hiệu quả giữa Việt Nam với các đối tác.

Hoàng Giang

Theo: Báo Công Thương