HPG, BMP, VLB… lọt tầm ngắm khi đầu tư công vào giai đoạn nước rút
Ngành vật liệu xây dựng Việt Nam đang chứng kiến sự phân hóa rõ nét trước tác động của thuế quan từ Mỹ. Trong khi thép, nhựa, đá xây dựng hưởng lợi từ đầu tư công và giá nguyên liệu thấp, thì ngành gỗ, đá xuất khẩu gặp khó. KBSV khuyến nghị chọn lọc HPG, BMP, VLB, DHA cho chiến lược trung – dài hạn.
Trong bối cảnh môi trường thương mại quốc tế tiềm ẩn nhiều biến động, đặc biệt là sau tuyên bố áp thuế đối ứng từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhóm ngành vật liệu xây dựng của Việt Nam đang chứng kiến sự phân hóa rõ nét về triển vọng tăng trưởng.
Theo đánh giá mới đây từ Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tác động từ các biện pháp thuế quan không đồng đều giữa các phân ngành, đồng thời tạo ra những cơ hội và thách thức riêng biệt cho từng doanh nghiệp.

Với ngành thép, dù vẫn giữ mức thuế nhập khẩu 25% theo Mục 232 thay vì tăng lên 46% như lo ngại trước đó, nhưng triển vọng xuất khẩu các sản phẩm tôn mạ chống gỉ sang Mỹ đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp vừa được công bố, có thể lên tới 59% và 46,73% tương ứng. Dù vậy, tiêu thụ nội địa lại là điểm sáng khi sản lượng trong hai tháng đầu năm 2025 ghi nhận mức tăng mạnh: thép xây dựng tăng 61%, HRC tăng 46%, và tôn mạ tăng 43% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ lực cầu từ thị trường bất động sản dân dụng và các dự án đầu tư công.
KBSV dự báo giá thép trung bình sẽ tăng nhẹ 1–2% trong năm 2025, trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào như quặng sắt và than cốc nhiều khả năng tiếp tục giảm do thị trường bất động sản Trung Quốc phục hồi chậm. Đây sẽ là yếu tố tích cực đối với biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép thượng nguồn như Hòa Phát (HPG).
Với ngành ống nhựa, KBSV cho rằng thuế đối ứng từ Mỹ không tác động đáng kể vì phần lớn sản lượng phục vụ thị trường nội địa. Ước tính sản lượng tiêu thụ toàn ngành sẽ tăng 6% trong năm 2025, nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản trong nước. Giá PVC resin tại Trung Quốc vẫn ở vùng thấp trong quý I và dự kiến chỉ phục hồi nhẹ trong nửa cuối năm. Nhờ chi phí đầu vào thấp, các doanh nghiệp sản xuất ống nhựa có thể duy trì biên lợi nhuận ở mức cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các cổ phiếu như BMP bứt phá.
Ở chiều ngược lại, lĩnh vực gỗ và đá chịu tác động mạnh từ thuế đối ứng 46%, trong đó thị trường Mỹ chiếm trung bình tới 50% – 80% doanh thu xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp trong ngành. Điều này khiến triển vọng tăng trưởng trở nên khó khăn và buộc doanh nghiệp phải nhanh chóng tái cấu trúc thị trường xuất khẩu hoặc chuyển hướng sang nội địa và các thị trường thay thế.
Triển vọng toàn ngành xây dựng được nâng đỡ mạnh mẽ bởi quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công trong năm cuối cùng của chu kỳ trung hạn 2021 – 2025, đặt nền móng cho chu kỳ mới 2026 – 2030. Theo Bộ Xây dựng, vật liệu xây dựng chiếm tới 60–70% tổng chi phí triển khai dự án đầu tư công, trong đó thép chiếm 25%, đá và cát xây dựng chiếm 20%, nhựa đường chiếm 15%. Đặc biệt, khu vực phía Nam hiện đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung cát và đá xây dựng, là cơ hội cho các doanh nghiệp sở hữu trữ lượng đá lớn như DHA và VLB bứt phá về lợi nhuận.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng, xi măng và đặc biệt là nhựa đường được kỳ vọng sẽ tiếp tục ấm lên nhờ vào hàng loạt dự án trọng điểm như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, đường vành đai 3 TP.HCM... chuẩn bị bước vào giai đoạn nước rút trong năm 2025 – 2026. Theo đó, các cổ phiếu như HPG, HT1 và PLC được KBSV đánh giá là những lựa chọn hàng đầu hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công.
Về định giá, ngoại trừ HPG hiện vẫn còn dư địa điều chỉnh nhẹ, mặt bằng định giá toàn ngành được đánh giá là phù hợp. Cụ thể, PBR hiện tại của HPG ở mức 1.4x (thấp hơn trung bình 5 năm khoảng 0.8), trong khi BMP giao dịch ở mức 3.5x (cao hơn 1.7 lần so với trung bình). KBSV nhấn mạnh, với triển vọng tiêu thụ nội địa hồi phục và chi phí đầu vào thuận lợi, nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ đợi điểm cân bằng, đồng thời tập trung vào những doanh nghiệp có vị thế đầu ngành, năng lực cốt lõi vững vàng và khả năng thích ứng với biến động bên ngoài.
Tựu trung, trong bối cảnh nhiều yếu tố rủi ro đang hiện hữu, nhóm vật liệu xây dựng vẫn sở hữu những điểm sáng rõ rệt nhờ vào chu kỳ đầu tư công, chi phí sản xuất thấp và sự dịch chuyển chiến lược của doanh nghiệp. Nhà đầu tư nên chọn lọc kỹ lưỡng và theo dõi sát diễn biến thị trường để nắm bắt các cơ hội từ những mã cổ phiếu dẫn đầu như HPG, BMP, VLB, DHA – những cái tên đang được KBSV đánh giá cao về cả triển vọng lợi nhuận lẫn định giá hợp lý.