Chứng khoán châu Á biến động mạnh, đồng USD rớt đáy 10 năm

21/04/2025 - 13:32
(Bankviet.com) Chứng khoán châu Á mở đầu tuần giao dịch với diễn biến trái chiều. Một loạt số liệu kinh tế và chính sách thuế quan mới từ Trump đang tạo áp lực lên các thị trường khu vực, trong khi đồng USD suy yếu mạnh trên thị trường tiền tệ quốc tế.
Nhịp đập thị trường

Chứng khoán châu Á biến động mạnh, đồng USD rớt đáy 10 năm

Hoàng Thái 21/04/2025 13:14

Chứng khoán châu Á mở đầu tuần giao dịch với diễn biến trái chiều. Một loạt số liệu kinh tếchính sách thuế quan mới từ Trump đang tạo áp lực lên các thị trường khu vực, trong khi đồng USD suy yếu mạnh trên thị trường tiền tệ quốc tế.

Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tăng nhẹ 0,31% đạt 3.286,07 điểm, trong khi chỉ số CSI300 tăng 7,64 điểm (0,2%) đạt mức 3.780,17 điểm. Tại Hồng Kông, thị trường ghi nhận đà phục hồi mạnh với chỉ số Hang Seng tăng 338,16 điểm lên 21.395,14 điểm.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục nóng lên sau khi Bắc Kinh cáo buộc Washington lạm dụng các biện pháp thuế quan và cảnh báo các quốc gia khác không nên ký kết các thỏa thuận kinh tế sâu rộng với Hoa Kỳ gây bất lợi cho Trung Quốc.

chứng khoán châu á mới nhất
Chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên đầu tuần

Washington gần đây cũng tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế đà tiến của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là sản xuất chip bán dẫn tiên tiến – lĩnh vực mà Mỹ lo ngại có thể phục vụ mục đích quân sự. Tuần trước, chính quyền Tổng thống Trump đã áp đặt mức phí cảng đối với tàu thuyền đóng tại Trung Quốc, nhằm hạn chế vai trò thống trị của nước này trong ngành đóng tàu toàn cầu.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 mất 433 điểm (1,25%) xuống còn 34.290,46 điểm. Thủ tướng Shigeru Ishiba cho biết Tokyo sẽ nhấn mạnh yếu tố “công bằng” trong các cuộc đàm phán thương mại song phương với Hoa Kỳ, đặc biệt liên quan đến chính sách tỷ giá hối đoái.

Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi gần như đi ngang, giảm nhẹ 1,1 điểm xuống còn 2.482,33 điểm. Trong bối cảnh Mỹ gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại, cơ quan hải quan Hàn Quốc cho biết đã phát hiện tình trạng gia tăng các hành vi gian lận xuất xứ, chủ yếu từ Trung Quốc, nhằm ngụy trang hàng hóa thành sản phẩm Hàn Quốc để né thuế khi xuất khẩu sang Mỹ.

Theo cơ quan chức năng, trong quý I năm nay, Hàn Quốc đã phát hiện các vụ vi phạm xuất xứ trị giá 29,5 tỷ won (tương đương 20,81 triệu USD), trong đó hàng xuất khẩu sang Mỹ chiếm tới 97%. Con số này chỉ kém chút ít so với cả năm 2024, với tổng giá trị vi phạm đạt 34,8 tỷ won, trong đó tỷ lệ hàng xuất sang Mỹ là 62%.

Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Mỹ giảm mạnh 14,3%, trong khi sang Trung Quốc giảm 3,4%. Ngược lại, xuất khẩu sang Liên minh châu Âu tăng 13,8%.

Một số thị trường khác trong khu vực cũng biến động theo chiều hướng riêng. Tại Úc, chỉ số S&P/ASX 200 tăng 0,78% lên 7.819,10 điểm. Tại Đài Loan, chỉ số Taiex giảm 306,54 điểm (1,59%), xuống còn 19.086,17 điểm. Tại Ấn Độ, chỉ số Sensex tăng 0,96% đạt 79.305,46 điểm. Trong khi đó, thị trường Thái Lan ghi nhận chỉ số SET tăng 0,12% lên mức 607,19 điểm.

Trên thị trường ngoại hối, đồng USD giảm mạnh so với nhiều đồng tiền chủ chốt. Đáng chú ý, USD giảm hơn 1% so với franc Thụy Sĩ, xuống mức thấp nhất trong 10 năm là 0,80695. Đồng Euro tăng lên 1,153275 USD – mức cao nhất kể từ tháng 11/2021.

Đồng bạc xanh cũng giảm xuống 140,615 yên Nhật, ghi nhận mức thấp nhất trong bảy tháng. Theo dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC), vị thế mua ròng đối với đồng yên Nhật đã đạt mức cao kỷ lục trong tuần kết thúc ngày 15/4.

Đồng bảng Anh tăng hơn 0,5% lên 1,3385 USD, trong khi đồng đô la Úc đạt đỉnh bốn tháng ở mức 0,6427 USD. Chỉ số USD Index, đo sức mạnh đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chính, giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm, đạt 98,246 điểm.

Hoàng Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán