Trong báo cáo “Vietnam at a glance – Nâng cấp lực lượng lao động” vừa công bố, các chuyên gia của HSBC viết, sau khi Việt Nam mở cửa trở lại từ tháng 3/2022, thị trường lao động đã phục hồi mạnh mẽ. Tỷ lệ thất nghiệp quý III/2022 ở mức 2,28%, tỷ lệ thấp chưa từng thấy kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra.
Lực lượng lao động đạt 51,9 triệu người và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đạt 68,7% tính đến cuối quý III2022, tiếp nối đà tăng trưởng kể từ thời điểm giãn cách xã hội trong quý III/2021.
Các hoạt động kinh tế phục hồi trên diện rộng ở Việt Nam đã góp phần cải thiện tình hình thị trường lao động và cho thấy dấu hiệu nền kinh tế trong nước đang trên đà lấy lại phong độ toàn diện.
Cụ thể, nhu cầu sử dụng lao động trong các ngành liên quan đến dịch vụ đã hồi sinh đáng kể. Tổng cục Thống kê ghi nhận khu vực này đã tiếp nhận lượng lao động bình quân mới cao nhất. Nhu cầu lao động tăng cao cũng được phản ánh trong dữ liệu về thu nhập, trong đó, thu nhập bình quân tháng tiếp tục tăng.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, lao động đang chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp trở lại với các công việc phi nông nghiệp và từ việc làm phi chính thức sang chính thức khi các hoạt động ở thành thị sôi động trở lại.
Vậy tình hình sắp tới thế nào?. Trả lời câu hỏi này, HSBC cho biết, kinh tế Việt Nam tiếp tục chứng kiến một sự chuyển dịch ngoạn mục. Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài để thay đổi cơ cấu thị trường lao động, chuyển lao động tham gia ngành nông nghiệp sang ngành sản xuất giá trị gia tăng cao hơn và khu vực dịch vụ. Thị trường lao động cũng hưởng lợi nhờ “dân số vàng”, với tỷ lệ dân số phụ thuộc luôn dưới 50% kể từ năm 2006.
Trong ngành sản xuất, Việt Nam chủ yếu thu hút các công việc thủ công như lắp ráp linh kiện, xuất phát từ việc tận dụng lợi thế cạnh tranh về lương. Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Japan External Trade Organization - JETRO), lương công nhân sản xuất do các công ty Nhật Bản trả ở Việt Nam chỉ bằng hơn một nửa so với Malaysia và Thái Lan. Một yếu tố khác là mức độ phổ cập giáo dục phổ thông cho người dân Việt Nam ở mức cao nhờ những cải cách giáo dục thành công của chính phủ trong giai đoạn những năm 2000 và những năm 2010.
Để Việt Nam duy trì đà tăng trưởng, HSBC khuyến nghị: “phát triển thêm lợi thế cạnh tranh cho lực lượng lao động là một việc quan trọng”.
Thực tế cho thấy, cải thiện giáo dục và đầu tư thêm cho nguồn nhân lực đã được nhấn mạnh là một trong những trụ cột trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ cho giai đoạn 2021-2030.
Sau khi Việt Nam vượt qua đại dịch COVID-19, Chính phủ có thể đánh giá lại những nỗ lực nhằm đầu tư cho nguồn nhân lực để cải thiện năng suất lao động vốn là vấn đề mang tính cơ bản, đặc biệt trong bối cảnh dân số bắt đầu già đi.
“Mặc dù đã đạt được tỷ lệ phổ cập giáo dục cơ sở, Việt Nam vẫn có thể làm nhiều hơn nữa để tăng tỷ lệ phổ cập giáo dục phổ thông trung học”, báo có của HSBC viết.
Trong số các quốc gia thuộc nhóm ASEAN-6, tỷ lệ đã qua đào tạo đại học ở Việt Nam (cử nhân và sau đại học) trong độ tuổi từ 25 trở lên ước tính ở mức 10% vào năm 2019, thấp hơn so với mức 12% của Malaysia và 16% của Thái Lan.
Theo HSBC, một trong những nguyên nhân có thể kể tới là số lượng tốt nghiệp cấp ba. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng các công việc đòi hỏi tay nghề cao tương ứng cũng còn thiếu tại thị trường Việt Nam, dẫn tới vòng lặp tay nghề thấp và lợi ích liên quan tới lương tương ứng từ giáo dục cấp ba.
Ngay thời điểm hiện tại, các công việc không đòi hỏi tay nghề đang chiếm một phần tư lực lượng lao động của Việt Nam. Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) đã ước tính rằng chỉ 9% nghề nghiệp ở Việt Nam có thể được xếp vào dạng tay nghề cao trong năm 2021, so với 65% ở Singapore. Vì vậy, giảm chi phí cơ hội cao của giáo dục phổ thông trung học có thể là một cân nhắc hiệu quả cho chính phủ nhằm đưa ra hành động.
Khi xem xét kỹ hơn nguồn cung của giáo dục, Ngân hàng Thế giới ước tính chi phí giáo dục công chiếm trung bình 5% GDP trong giai đoạn 2004-2019. Nếu chỉ tính riêng giáo dục phổ thông trung học, chi tiêu cho giáo dục phổ thông trung học ở mức 0,6% GDP năm 2019, thấp hơn mức 0,8% ở Malaysia năm 2020. Trong bối cảnh chi tiêu cho giáo dục phổ thông trung học ở Việt Nam chủ yếu là từ ngân sách nhà nước, chiếm khoảng 80%, việc tăng nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này là một bước đi tích cực nhằm nâng cấp lực lượng lao động.
Bên cạnh tăng vốn đầu tư, HSBC cho rằng, cơ cấu đào tạo nghề cũng còn nhiều không gian để cải thiện. Những thông tin về mở rộng sản xuất giá trị gia tăng cao hơn vẽ nên một bức tranh tích cực nhưng các doanh nghiệp hiện tại lại gặp khó khăn trong tuyển dụng do kỹ năng không phù hợp.
Một khảo sát dành cho doanh nghiệp do Ngân hàng Thế giới tiến hành trong năm 2019 phát hiện rằng 68% doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động với những kỹ năng chuyên môn đòi hỏi tương ứng với công việc. Nhận thức được trở ngại này, các cơ quan chức năng đã chủ động triển khai nhiều biện pháp, ví như: Hà Nội đặt mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nghề bằng cách hiện đại hóa chương trình và thiết bị giảng dạy, phấn đấu đến năm 2025 có 80% lao động đào tạo nghề thông thạo các kỹ năng công nghệ thông tin.
Tựu chung lại, những bước phát triển của thị trường lao động Việt Nam tiếp tục duy trì tích cực. Sự hỗ trợ, phục hồi và cải thiệt của thị trường lao động rất đáng khích lệ nhưng những kết quả này có được chủ yếu là do phục hồi kinh tế sau đại dịch. Về lâu dài, trọng tâm cần đặt vào những biện pháp khác nhằm nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động Việt Nam nhằm thúc đẩy năng suất và duy trì đà tăng trưởng.
Thanh Hải