Thất bại của liên minh cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử hôm Chủ nhật tuần trước đã khiến một số người tin rằng chính quyền của Thủ tướng Shigeru Ishiba sẽ mở rộng chi tiêu tài chính và thúc đẩy cắt giảm thuế để hỗ trợ các hộ gia đình đang quay cuồng vì chi phí sinh hoạt cao hơn.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với báo chí hôm thứ Sáu vừa rồi, ông Srinivasan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bắt tay vào “giai đoạn củng cố tài chính”, trích dẫn số liệu nợ công “rất cao” của Nhật Bản, hiện ở mức hơn 250% GDP.
Quan chức hàng đầu của IMF kêu gọi Nhật Bản “có một khuôn khổ tài chính trung hạn đáng tin cậy và hoàn thiện”, đồng thời lưu ý rằng “các bộ đệm” cũng cần được xây dựng “để giải quyết các rủi ro ngắn hạn và thách thức dài hạn”.
Về chính sách tiền tệ của BOJ, ông Srinivasan nhắc lại quan điểm của mình rằng ngân hàng trung ương nên tập trung vào việc ổn định lạm phát ở mục tiêu 2% nhưng nói rằng bất kỳ đợt tăng lãi suất nào cũng phải “từ từ” và “dựa trên dữ liệu”. Ông lưu ý, lạm phát có cả “rủi ro tăng và giảm”.
Vụ trưởng Vụ châu Á – Thái Bình Dương IMF cho rằng, sự biến động gần đây của đồng Yên so với đồng đô la "phần lớn phản ánh các nguyên tắc kinh tế cơ bản", nhưng nói thêm rằng những sự chưa chắc chắn về con đường chính sách trong tương lai ở cả Mỹ và Nhật Bản có thể làm tăng thêm sự biến động.
Về triển vọng kinh tế toàn cầu, ông Srinivasan nhấn mạnh, rủi ro suy thoái đang gia tăng do sự phân mảnh địa kinh tế và sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc, đồng thời cảnh báo rằng việc gia tăng các hạn chế thương mại có thể làm suy yếu tăng trưởng kinh tế ở châu Á với định hướng xuất khẩu.
Ông Srinivasan nói: “Bất kỳ hình thức hỗ trợ nào cung cấp đều phải có mục tiêu rõ ràng hơn và bất kỳ loại sáng kiến mới nào cũng phải được rót tài chính trong phạm vi ngân sách hiện có”. “Không nên tăng thêm nợ để cung cấp cho bất kỳ sáng kiến mới nào”, Vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương IMF khuyến nghị.
V.A