Việc điều chỉnh dự báo được đưa ra sau chuyến thăm Trung Quốc của đoàn công tác IMF để đánh giá thường kỳ.
IMF cũng dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,5% trong năm 2025, điều chỉnh cao hơn dự báo trước đó là 4,1%.
Tuy nhiên, đến năm 2029, IMF dự đoán tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 3,3% do tình trạng dân số già hóa và tăng trưởng năng suất chậm lại. Con số này thấp hơn so với mức tăng trưởng dự báo trước đó của IMF là 3,5% trong trung hạn.
Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng tốt hơn dự kiến là 5,3% trong quý I, nhờ xuất khẩu mạnh mẽ. Dữ liệu của tháng 4 cho thấy chi tiêu tiêu dùng vẫn trì trệ, trong khi hoạt động công nghiệp có dấu hiệu phục hồi.
Cách đây khoảng hai tuần, giới chức Trung Quốc đã công bố các biện pháp sâu rộng để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn, trong đó có việc xóa bỏ mức sàn lãi suất vay thế chấp. Bà Gita Gopinath, Phó Tổng Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, cho biết các động thái về chính sách này được dư luận hoan nghênh, nhưng cần có hành động toàn diện hơn.
Trong đó, theo bà, ưu tiên hàng đầu nên là huy động nguồn lực của chính phủ trung ương để bảo vệ người mua nhà chưa được bàn giao và đẩy nhanh việc hoàn thành xây dựng các căn nhà đã được bán trước, mở đường cho việc giải quyết các nhà phát triển bất động sản mất khả năng thanh toán. Bên cạnh đó, quan chức này cho rằng các chính sách kinh tế vĩ mô ngắn hạn nên hướng tới việc hỗ trợ nhu cầu nội địa và giảm nhẹ các rủi ro đối với tăng trưởng.
Theo truyền thông nhà nước, trong cuộc họp mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện các chính sách hỗ trợ việc làm cho cho sinh viên tốt nghiệp đại học và những đối tượng trẻ tuổi khác.
Minh Anh