KBSV khuyến nghị mua MWG với giá mục tiêu 84.912 đồng/CP

29/08/2022 - 14:03
(Bankviet.com) Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vừa đưa ra báo cáo phân tích cho cổ phiếu MWG của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động. Kết hợp hai phương pháp định giá DCF và so sánh P/E - P/S với tỷ lệ 50% cho mỗi phương pháp, KBSV khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu MWG, mức giá mục tiêu 84.912 đồng/cp, upside 27,1%.

Kết quả kinh doanh 7 tháng năm 2022 của MWG

Kết thúc quý 2/2022, MWG đã hoàn thành 51% kế hoạch doanh thu và 41% kế hoạch lợi nhuận năm. Doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2022 đạt 70.804 tỷ đồng, tăng trưởng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. LNST đi ngang, chỉ tăng trưởng 1% so với 6 tháng đầu năm 2021, đạt 2.576 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty đã hoàn thành được 49% và 40% mục tiêu doanh thu và lợi nhuận KBSV kỳ vọng.

Trong tháng 7, doanh thu thuần của MWG đạt 8.400 tỷ đồng tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Chuỗi Thế giới di động (TGDĐ)/Điện máy xanh (ĐMX) ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 63% từ nền thấp của tháng 7 năm ngoái (đóng 70% các cửa hàng do dịch bệnh), nhưng chuỗi bách hóa xanh (BHX) lại sụt giảm 45% về doanh thu so với cùng kỳ - là thời điểm mà BHX ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục khi nhu cầu tích trữ hàng thiết yếu tăng đột biến.

Biên lợi nhuận gộp (BLNG) 6 tháng đầu năm 2022 đạt 21,8%, thấp hơn 0,9% so với cùng kỳ. Cơ cấu doanh thu có sự thay đổi đáng kể khi tỷ trọng đóng góp của TGDĐ/ĐMX tăng từ mức 78,3% (6T2021) lên mức 80,5% (6T2022). Trong khi đó, doanh số của BHX giảm 4% so với cùng kỳ khi không còn được hưởng lợi từ dịch Covid-19 dẫn tới tỷ trọng doanh thu của chuỗi này đóng góp vào MWG giảm về 18,1% cuối quý 2/2022. Doanh thu khác tăng lên 1,4% nhờ đóng góp từ các chuỗi mới như An Khang, AVA…

Ảnh: Báo cáo KBSV
Ảnh: Báo cáo KBSV

TGDĐ/ĐMX tăng trưởng tích cực, song một số mảng chưa đạt được kỳ vọng

Tổng doanh thu của hai chuỗi TGDĐ (bao gồm Topzone) và ĐMX trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 57.000 tỷ đồng (tăng 17% s với cùng kỳ 2021). Đáng chú ý trong tháng 7/2022, hai chuỗi này có doanh thu tăng trưởng 63% so với mức nền thấp cùng kỳ do tháng 7/2021 là thời điểm dịch bùng phát, phải đóng cửa hơn 70% số cửa hàng. Luỹ kế 7 tháng đầu năm 2022, TGDĐ/ĐMX đóng góp 65,300 tỷ đồng cho MWG (tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái).

BLNG của mảng ICT&CE đã giảm về mức 21% tính đến cuối quý 2/2022 do Công ty thực hiện các chương trình khuyến mãi giá bán và thanh lý hàng tồn kho. Trên BCTC, khoản mục hàng tồn kho đã giảm trong 2 quý gần đây so với cuối năm 2021. Bên cạnh đó, theo MWG, cùng với sự mở rộng của chuỗi Topzone nhóm sản phẩm iPhone liên tục gia tăng tỷ trọng đóng góp trong tổng doanh thu của công ty. Sản phẩm của Apple tiêu thụ tốt hơn nhưng lại có biên lợi nhuận thấp hơn so với các sản phẩm khác.

Hầu hết các ngành hàng như điện thoại, laptop, tablet đều ghi nhận tăng trưởng dương, ngoại trừ điện tử đang có sự sụt giảm sản lượng tiêu thụ. Sau mùa cao điểm Tết Nguyên Đán, kết quả kinh doanh mảng điện máy chưa thực sự đạt kỳ vọng của MWG. Dù vậy, KBSV kỳ vọng doanh thu mảng điện máy sẽ quay trở lại đà tăng vào cuối năm do mùa World Cup chuẩn bị diễn ra (21/11-18/12/2022) và Tết Nguyên Đán cũng đến sớm hơn trong năm nay (tháng 1/2023).

Với 926 điểm bán, chuỗi DMS ghi nhận doanh thu gấp 1,8 lần so với cùng kỳ và gia tăng tỷ trọng đóng góp trong cơ cấu doanh thu của MWG từ 7% trong quý 2/2021 lên 10% trong quý 2/2022. Doanh thu mỗi cửa hàng duy trì ổn định 1 tỷ đồng mỗi tháng, 6T2022 DMS mang về cho MWG 5.300 tỷ đồng. MWG kỳ vọng DMS sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho KQKD cả năm nay với doanh thu mục tiêu cho chuỗi này là 10.000 tỷ đồng.

Hiện MWG đang có 50 cửa hàng Topzone, đóng góp 2% doanh thu của hai chuỗi TGDĐ/ĐMX. Doanh số trung bình mỗi cửa hàng trong quý 2 khoảng 4-5 tỷ/ tháng, thấp hơn so với mức 6-8 tỷ/ tháng trong quý 1. Sự sụt giảm doanh thu mỗi cửa hàng này đến từ việc các sản phẩm mới ra mắt từ năm ngoài đã giảm dần độ hot trong khi chưa đến mùa ra mắt sản phẩm mới trong năm nay, và trong quý 2 MWG mở thêm 20 cửa hàng Topzone sang các thị trường tỉnh, doanh số mỗi cửa hàng ở thị trường này không cao bằng các cửa hàng ở thành phố lớn.

Chia sẻ của ban lãnh đạo trong buổi họp với các chuyên viên phân tích vừa qua, 6T2022, doanh thu của các sản phẩm Apple mà MWG cung cấp cho thị trường đã đạt 325 triệu đô. Kế hoạch trong năm nay, doanh thu đối với các sản phẩm này là 750 triệu đô, tăng trưởng 67% từ mức 450 triệu đô của năm 2021.

Ảnh: Báo cáo KBSV
Ảnh: Báo cáo KBSV

Quá trình tái cấu trúc BHX dần hoàn thiện với những tín hiệu tích cực

Doanh thu 7T2022 của BHX đạt 15.200 tỷ đồng (giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó mức giảm ghi nhận riêng trong quý 2 năm nay là 8% so với quý 2/2021 và đặc biệt doanh thu trong tháng 7 giảm 45% so với mức đỉnh của tháng 7/2021. Thời điểm tháng 7 của năm ngoái nhu cầu tích trữ hàng hoá thiết yếu tăng mạnh đột biến khi nhiều tỉnh thành bị phong toả bởi dịch bệnh, điều này đã khiến BHX ghi nhận những mốc kỷ lục kể từ khi thành lập. Do vậy, doanh thu của BHX trong quý 2 và tháng 7/2022 ghi nhận mức giảm đáng kể so với nền cao của cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên nếu tính từ đầu năm 2022, chuỗi này vẫn đang có mức tăng trưởng dương.

Từ tháng 4/2022, MWG đã bắt đầu triển khai kế hoạch thay đổi layout các cửa hàng BHX, đồng thời cắt bỏ những cửa hàng không hiệu quả. Tính đến cuối tháng 7/2022, BHX đã đóng cửa tổng cộng khoảng 400 cửa hàng so với đầu năm và hoàn tất việc thay đổi layout mới cho gần như toàn bộ các cửa hàng hiện hữu. Trong tháng 8 này, Công ty đang tiến hàng rà soát 20 cửa hàng còn lại để hoàn tất quá trình thay đổi. Các chi phí đóng cửa hàng phát sinh một lần sẽ được hạch toán trong quý 3.

Chiến lược đổi mới BHX bước đầu đã cho thấy những tín hiệu tích cực. Theo MWG, trong quý 2/2022, sản lượng hàng hoá bán ra tại chuỗi BHX đã tăng 15-20% và lượng khách đến mua sắm đã tăng 20-25% so với quý 1/2021. Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đạt 1,1 tỷ đồng mỗi tháng trong quý 2/2022, riêng trong tháng 7, con số này đạt 1,3 tỷ đồng. Như vậy, so với đầu năm, bình quân doanh thu mỗi tháng của các cửa hàng BHX đã tăng 30%. Từ nay đến cuối năm, MWG sẽ tập trung vận hành các cửa hàng có mô hình thử nghiệm mới để chuẩn bị mở rộng sang các tỉnh thành khác trong năm 2023 và 2024.

BLĐ cũng tiết lộ rằng MWG đang lên kế hoạch để chuẩn bị cho thương vụ bán vốn và IPO chuỗi BHX. Công ty đã chọn được cố vấn để chuẩn bị tài liệu, dự kiến trong quý 1/2023 sẽ hoàn tất giao dịch bán tối đa 20% cổ phần của BHX. Kế hoạch IPO chuỗi BHX cùng sẽ được thực hiện trong năm sau.

Tốc độ mở mới của chuỗi An Khang vượt kỳ vọng ban đầu

Gia nhập thị trường muộn hơn các đối thủ, MWG đã tập trung mở rộng chuỗi An Khang mạnh mẽ hơn trong năm 2022. Trong 6 tháng đầu năm nay, chuỗi An Khang có 365 nhà thuốc trên khắp các tỉnh thành. Đến ngày 15/7 vừa qua, số nhà thuốc đã tăng lên hơn 500 cửa hàng, vượt xa mục cán mốc 400 cửa hàng trước quý 3/2022.

BLNG của chuỗi An Khang trong 2 quý đầu năm tương đối ổn định, trên 20%. Đối với chuỗi nhà thuốc, chi phí thuê mặt bằng và quản lý cũng thấp hơn so với các chuỗi bách hoá hay điện máy do quy mô trung bình của mỗi nhà thuốc chỉ khoảng 30-40 m2. Do vậy, BLĐ của MWG kỳ vọng có thể nâng doanh thu trung bình mỗi cửa hàng lên 500 triệu đồng/tháng và nếu thực hiện được thì chuỗi An Khang sẽ hoà vốn trong quý 4 năm nay.

Dự phóng kết quả kinh doanh, định giá và khuyến nghị

Trong năm 2022, KBSV dự phóng kết quả hoạt động kinh doanh của MWG với doanh thu thuần đạt 145.184 tỷ đồng – tương đương mức tăng trưởng 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận thuần đạt 6.377 tỷ đồng, ứng với mức tăng 30% so với cùng kỳ.

KBSV đánh giá cao triển vọng kinh doanh của MWG trong trung và dài hạn dựa trên kỳ vọng: hai chuỗi TGDĐ/ĐMX đóng vai trò trụ cột sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số dù ngành đã bão hoà; Mô hình mới của BHX sau khi tái cơ cấu sẽ hoạt động hiệu quả, giúp chuỗi này có lãi và nhân rộng mô hình này sang nhiều tỉnh thành; Thương vụ bán vốn và IPO BHX sẽ diễn ra trong năm 2023; An Khang mở rộng quy mô với số lượng cửa hàng tăng nhanh chóng giúp MWG gia tăng thị phần trong thị trường bán lẻ dược phẩm tiềm năng.

KBSV kết hợp hai phương pháp định giá DCF và so sánh P/E - P/S (tỉ trọng 50-50) để định giá cổ phiếu MWG. Với phương pháp P/E-P/S, KBSV giữ định giá mục tiêu cho chuỗi ICT&CE ở mức 11,5 lần và P/S mục tiêu cho BHX là 1,0 lần. Bên cạnh đó, KBSV cũng bổ sung chuỗi nhà thuốc An Khang vào mô hình định giá với P/S kỳ vọng là 0,5 lần.

KBSV khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu MWG, mức giá mục tiêu 84.912 đồng/cp, cao hơn 27,1% giá đóng cửa ngày 24/8/2022.

Kết hợp hai phương pháp định giá DCF và so sánh P/E - P/S với tỷ lệ 50% cho mỗi phương pháp, KBSV khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu MWG, mức giá mục tiêu 84.912 đồng/cp, upside 27,1%.

Nguyễn Đăng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán