Từ hoàn thiện thể chế
Trong 6 tháng đầu năm 2025, NHNN đã ban hành 2 kế hoạch thực hiện Đề án 06 (Quyết định số 1744/QĐ-NHNN ngày 11/4/2025 ban hành Kế hoạch năm 2025 của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 14/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2025 và những năm tiếp theo; Quyết định số 67/QĐ-NHNN ngày 6/1/2025 phê duyệt Đề án chuyển đổi số của NHNN triển khai tiện ích cốt lõi phát triển ngành Ngân hàng, bảo đảm kết nối với Đề án 06 năm 2025); 1 kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (Quyết định số 1746/QĐ-NHNN ngày 14/4/2025 ban hành Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2025 của NHNN Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26/3/2025 của Chính phủ); và ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện.
Trong việc rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để ứng dụng VNeID trong công tác chuyển đổi số, NHNN đã hoàn thành triển khai từ năm 2024. NHNN đã điều chỉnh quy trình, cho phép việc sử dụng các giấy tờ điện tử tích hợp trên tài khoản định danh điện tử (VNeID) tương đương với giấy tờ giấy đã được quy định tại một số Thông tư, cụ thể:
Thông tư số 15/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 quy định về cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; trong đó quy định giấy tờ tùy thân có bao gồm căn cước điện tử (đối với trường hợp khách hàng có tài khoản định danh điện tử mức độ 2) đối với cá nhân là công dân Việt Nam và danh tính điện tử (thông qua việc truy cập vào tài khoản định danh điện tử mức độ 2) đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam khi phải xuất trình giấy tờ tùy thân;
Thông tư số 17/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; trong đó quy định hồ sơ mở tài khoản thanh toán trong đó đối với tài liệu, thông tin, dữ liệu về giấy tờ tùy thân của khách hàng cá nhân có bao gồm căn cước điện tử (thông qua việc truy cập vào tài khoản định danh điện tử mức độ 2) đối với cá nhân là công dân Việt Nam và danh tính điện tử (thông qua việc truy cập vào tài khoản định danh điện tử mức độ 2);
Thông tư số 18/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng; trong đó quy định thủ tục phát hành thẻ chủ thẻ có thể cung cấp giấy tờ tùy thân để nhận biết khách hàng có bao gồm căn cước điện tử (thông qua việc truy cập vào tài khoản định danh điện tử mức độ 2);
Thông tư số 40/2024/TT-NHNN ngày 17/7/2024 quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; trong đó quy định hồ sơ mở ví điện tử trong đó đối với tài liệu, thông tin, dữ liệu về giấy tờ tùy thân của khách hàng cá nhân có bao gồm căn cước điện tử (thông qua việc truy cập vào tài khoản định danh điện tử mức độ 2) đối với cá nhân là công dân Việt Nam và danh tính điện tử (thông qua việc truy cập vào tài khoản định danh điện tử mức độ 2);
Thông tư số 50/2024/TT-NHNN ngày 31/10/2024 quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành Ngân hàng; trong đó cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD), trung gian thanh toán (TGTT) triển khai tích hợp VNeID để khách hàng đăng ký sử dụng truy cập phần mềm ứng dụng Online Banking.
… đến gia tăng tiện ích cho người dân, doanh nghiệp
Trong ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGvDC), căn cước công dân (CCCD), định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, theo báo cáo của NHNN: đến ngày 27/6/2025, ngành Ngân hàng đã có hơn 119 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân được đối chiếu sinh trắc học qua CCCD gắn chip, ứng dụng VNeID (đạt 100% tổng tài khoản cá nhân phát sinh giao dịch trên kênh số); hơn 1,1 triệu hồ sơ khách hàng tổ chức đã được đối chiếu thông tin sinh trắc học (đạt 100% tổng số lượng tài khoản thanh toán tổ chức phát sinh giao dịch trên kênh số). Đồng thời góp phần loại bỏ gần 86 triệu tài khoản “chết”. Sau một thời gian làm sạch cơ sở dữ liệu khách hàng, áp dụng giải pháp đối khớp thông tin sinh trắc học, so với cùng kỳ năm 2024, số lượng khách hàng cá nhân bị lừa đảo, mất tiền giảm 57%, số lượng tài khoản cá nhân nhận tiền lừa đảo giảm 47%.
Đến nay, 29 TCTD đã ký kết với C06 (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an) để triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng mở tài khoản thanh toán; 11 tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT đã ký kết với C06 để triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng mở tài khoản thanh toán; 57 TCTD và 39 tổ chức TGTT đã triển khai ứng dụng thẻ CCCD gắp chip qua ứng dụng điện thoại; 63 TCTD đã triển khai ứng dụng thẻ CCCD gắn chip qua thiết bị tại quầy; 32 TCTD và 15 TGTT đang triển khai ứng dụng VneID.
Ngoài ra, trong phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và chuyển đổi số, NHNN không ngừng hoàn thiện quy định pháp luật, ban hành chính sách thúc đẩy TTKDTM, chuyển đổi số phù hợp với tình hình thực tiễn. Ngành Ngân hàng chú trọng đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật và công nghệ phục vụ TTKDTM; phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của người sử dụng dịch vụ thanh toán cũng như yêu cầu của nền kinh tế; tăng cường công tác bảo mật, an ninh thông tin trong thanh toán điện tử; xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung trong ngành Ngân hàng về các tài khoản có dấu hiệu nghi ngờ gian lận, lừa đảo.
Đến nay, hầu hết dịch vụ ngân hàng cơ bản đã được thực hiện trên kênh số, nhiều ngân hàng đạt tỷ lệ khoảng 95% giao dịch thực hiện trên kênh số. Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác trong nền kinh tế để cung ứng trải nghiệm liền mạch cho khách hàng. Các dịch vụ trên Cổng dịch vụ công Quốc gia (Cổng DVCQG), dịch vụ dân sinh như thanh toán điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục, hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, dịch vụ gọi xe, đặt nhà hàng, tour du lịch trên các nền tảng số... đều đã được đưa lên hoặc kết nối với ứng dụng di động của các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán. Hơn 87% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng; 5 tháng đầu năm 2025, các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là giao dịch qua mã QR tăng tới 78,09% về số lượng và 216,24% về giá trị.
Bên cạnh những kết quả nêu trên, thực tiễn công tác triển khai Đề án 06 cũng như quá trình số hóa ngân hàng còn phải đối mặt với một số thách thức, đặc biệt liên quan đến công tác bảo đảm an ninh mạng, an toàn, bảo mật hệ thống, khi ngày càng xuất hiện những thủ đoạn giả mạo tinh vi, khó lường của tội phạm. Thực tế, nhiều người vẫn chưa sử dụng VNeID thành thạo và thường xuyên, đặc biệt là nhóm người dùng cao tuổi, người ít sử dụng điện thoại thông minh. Chưa kể, thông tin, dữ liệu về tài khoản thanh toán của người nộp thuế là các thông tin nhạy cảm, đòi hỏi việc xử lý, tổng hợp cẩn thận, đáp ứng quy định về bảo vệ bí mật thông tin khách hàng và bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Hướng tới chuyển đổi số quốc gia
Thời gian tới, ngành Ngân hàng tiếp tục bám sát các nhiệm vụ của Đề án 06 giai đoạn 2025 - 2030, đảm bảo phù hợp với mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung cập nhật Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
NHNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai Kế hoạch số 01/KHPH-BCA-NHNNVN. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các TCTD, tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT: đẩy nhanh tiến độ triển khai tích hợp ứng dụng VNeID để tạo sự tiện lợi cho khách hàng trong quá trình cung ứng dịch vụ; đẩy mạnh làm sạch, xác thực kết nối dữ liệu chuyên ngành với CSDLQGvDC, giảm thiểu tài khoản rác, ví điện tử rác; tiến tới ứng dụng dữ liệu từ CSDLQGvDC trong đánh giá khách hàng vay của TCTD (xây dựng, hoàn thiện giải pháp chấm điểm khả tín); kết nối, cung cấp dữ liệu với cơ quan thuế, tiếp tục nâng cao hiệu quả chống thất thu thuế, nhất là với hoạt động thương mại điện tử...
Đồng thời, xây dựng chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đồng bộ với chiến lược xây dựng ứng dụng triển khai Trung tâm dữ liệu quốc gia; chỉ đạo các đơn vị cung ứng dịch vụ tích cực triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Bộ, ngành liên quan cần đẩy nhanh việc làm sạch và đồng bộ thông tin chủ thuê bao với CSDLQGvDC theo đúng lộ trình của Đề án 06 để ngành Ngân hàng có cơ sở cần thiết thực hiện đối khớp thông tin chủ thuê bao với chủ tài khoản thanh toán, góp phần đấu tranh hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Ở tầm vĩ mô, Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên đầu tư cho các dự án hạ tầng kết nối dữ liệu liên ngành, kết nối đồng bộ CSDL dân cư, tài chính – ngân hàng – bảo hiểm, thuế, hải quan… nhằm đẩy nhanh việc cung cấp dịch vụ công và dịch vụ tài chính thông minh.
Chí Anh