Nhiều điểm sáng về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2025
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Nghị quyết số 205/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Theo đó, mặc dù khối lượng công việc trong 6 tháng đầu năm 2025 rất lớn, phức tạp và chưa từng có tiền lệ nhưng các nhiệm vụ đã được Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương hoàn thành xuất sắc trong thời gian rất ngắn.

Những kết quả nổi bật
Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã bám sát chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; theo dõi sát, nắm chắc tình hình, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực; vừa tập trung xử lý những công việc thường xuyên ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao, vừa chú trọng giải quyết những vấn đề tồn đọng, kéo dài và ứng phó, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với những vấn đề cấp bách, đột xuất phát sinh; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 06 tháng đầu năm 2025 thuộc thẩm quyền được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, với khối lượng công việc rất lớn, phức tạp, chưa từng có tiền lệ trong thời gian rất ngắn, nhất là việc triển khai cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 203 văn bản quy phạm pháp luật, 3.440 văn bản chỉ đạo, điều hành; tổ chức 1.167 hội nghị, cuộc họp, làm việc và đi công tác địa phương, cơ sở; nhiều chính sách, giải pháp đã phát huy hiệu quả. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 06 tháng năm 2025 đạt nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, 6 tháng đầu năm nay cao hơn so với cùng kỳ năm trước, là điểm sáng nổi bật về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II ước đạt 7,96% so với cùng kỳ, 06 tháng đạt 7,52%, cơ bản đạt kịch bản tăng trưởng 7,6% nêu tại Nghị quyết số 154/NQ-CP, là mức cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2025, dự báo cao nhất ASEAN và thuộc nhóm dẫn đầu thế giới. Có 17/34 địa phương sau sáp nhập tăng trưởng trên 8%. Các địa phương đạt tốc độ tăng trưởng xấp xỉ hai con số trở lên như: Quảng Ngãi, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bắc Ninh, Phú Thọ, Đà Nẵng... Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 06 tháng tăng 3,27% so với cùng kỳ. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục xu hướng giảm.
Thu ngân sách Nhà nước 06 tháng bằng 67,7% dự toán, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất khoảng 107,7 nghìn tỷ đồng. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, đáp ứng nhiệm vụ chi phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, thực hiện các chế độ, chính sách, đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang khi sắp xếp bộ máy, thanh toán các khoản nợ đến hạn, các chính sách an sinh xã hội theo quy định. Bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát tốt.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tháng 6 tăng cao so với cùng kỳ, lần lượt đạt 18,1%, 16,3%, 20,2%; tính chung 06 tháng, xuất khẩu tăng 14,4%, xuất siêu ước đạt 7,63 tỷ đô la Mỹ (USD). Giải ngân vốn đầu tư công tăng tốc; ước giải ngân đến hết tháng 6 là 268,1 nghìn tỷ đồng, đạt 32,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với cùng kỳ 4,26% về tỷ lệ, khoảng 80 nghìn tỷ đồng về số tuyệt đối. Việc triển khai các dự án, công trình trọng điểm quốc gia tiếp tục được đẩy mạnh. Trong tháng 6 đã đưa vào khai thác thêm 06 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác của cả nước lên 2.268 km.
Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế tăng trưởng tích cực. Công nghiệp duy trì đà phát triển ổn định; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 6 tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 06 tháng tăng 9,2%, cao nhất từ năm 2020 đến nay; nhiều địa phương có chỉ số IIP tăng cao như Phú Thọ, Ninh Bình, Bắc Giang, Quảng Ngãi...; an ninh năng lượng được bảo đảm. Khu vực nông nghiệp phát triển tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, bảo đảm an ninh lương thực. Khu vực thương mại dịch vụ tăng trưởng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 tăng 8,3%, tính chung 06 tháng tăng 9,3% so với cùng kỳ. Trong tháng 6, có hơn 24,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 60,5% so với cùng kỳ; số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt gần 14,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 91,1%; tính chung 06 tháng, có hơn 152,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 26,5% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 06 tháng tăng 9,8%; tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt trên 21,5 tỷ USD, tăng 32,6%, vốn FDI thực hiện đạt trên 11,7 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ. Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và dự báo khả quan về tăng trưởng kinh tế của nước ta.
Công tác bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch. Tính chung 06 tháng Chính phủ đã hỗ trợ hơn 10,3 nghìn tấn gạo cho người dân dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt; các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ vay vốn cho trên 1,3 triệu đối tượng. Các cấp, các ngành, các địa phương đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát với số lượng 263.843 căn nhà, đạt 94,7% kế hoạch, trong đó khánh thành 224.854 căn, đang xây dựng 37.989 căn. Đời sống của nhân dân tiếp tục được nâng lên, tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập trong tháng không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ năm trước là 96,6%, tăng 1% so với cùng kỳ.
Công tác sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được triển khai quyết liệt, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, chuyển đổi số quốc gia được thúc đẩy mạnh mẽ.
Công tác ứng phó với điều chỉnh chính sách thuế quan, thương mại của Hoa Kỳ được triển khai khẩn trương, hiệu quả và đạt được bước tiến quan trọng; hai đoàn đàm phán của hai nước đã thống nhất Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ về khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng.
Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu của cả năm
Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, tạo áp lực lên chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng, tập trung quán triệt, triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả hơn nữa các Nghị quyết, Kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư và Lãnh đạo chủ chốt, của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tận dụng thời cơ, thuận lợi, nhất là hiệu quả của chính sách, giải pháp mới ban hành và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, khai thác không gian phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng ngay trong quý III và năm 2025; nỗ lực cao nhất, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, nhất là tốc độ tăng trưởng cả năm đạt 8% trở lên.
Trong đó chú trọng một số nội dung như tổ chức triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật; hội nhập quốc tế; phát triển kinh tế tư nhân. Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp tình hình triển khai Nghị quyết số 68-NQ/TW của các bộ, ngành, địa phương, đề xuất các giải pháp, kiến nghị cụ thể với Ban Chỉ đạo quốc gia để thúc đẩy hiệu quả hơn việc triển khai Nghị quyết này.
Tích cực, khẩn trương, chủ động, tập trung nguồn lực hoàn thiện thể chế, pháp luật gắn với sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm thông suốt, hiệu quả. Bộ Tài chính bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn kinh phí chi trả chế độ, chính sách theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP, Nghị định số 67/2025/NĐ-CP của Chính phủ; tổng hợp báo cáo cấp thẩm quyền bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước cho các bộ, cơ quan Trung ương, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các địa phương thiếu nguồn.
Thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chủ động, khẩn trương phối hợp với các cơ quan, địa phương và Hội đồng Tư vấn chính sách, trên cơ sở dự báo bối cảnh tình hình thế giới, trong nước, kinh nghiệm 4 năm vừa qua, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp điều hành trọng tâm quý III và quý IV năm 2025, trong đó xác định rõ dư địa của các động lực tăng trưởng, điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 của các địa phương theo đơn vị hành chính mới, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8% trở lên.
Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá cả, thường xuyên cập nhật kịch bản lạm phát để có giải pháp điều hành giá phù hợp. Tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý thuế, mở rộng cơ sở thu; quyết liệt thực hiện phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh tế số, kinh doanh xuyên biên giới, dịch vụ ăn uống, thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản, thu từ hộ, cá nhân kinh doanh... phấn đấu thu ngân sách Nhà nước năm 2025 tăng 20% so với dự toán.
Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tăng cường xúc tiến thương mại, bảo đảm cân đối cung cầu trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Quyết liệt triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” và chính sách đối với người có công, nâng cao đời sống của Nhân dân.
Cùng với đó là chú trọng các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, lao động, việc làm; chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là trong mùa mưa, bão. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số quốc gia; xử lý hiệu quả các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng; quyết liệt thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Tiếp tục củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; triển khai thực chất, hiệu quả công tác đối ngoại. Tăng cường thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, tạo đồng thuận xã hội.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh, từng bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, phân công nhiệm vụ với tinh thần “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả.