Khánh Hòa: Tái hiện di sản văn hóa Chăm trong đêm nghệ thuật

28/12/2023 - 18:06
(Bankviet.com) Đêm tham quan ‘Trăng soi dáng tháp’ tại di tích Tháp Bà Ponagar đưa du khách hòa mình trong những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của người Chăm.
Người dân nô nức về dự lễ hội Tháp Bà Ponagar Những người phụ nữ lan tỏa văn hóa Chăm

Chương trình nghệ thuật sân khấu bán thực cảnh "Trăng soi bóng tháp" do Trung tâm Bảo tồn di tích (Sở Văn hóa Thể thao Khánh Hòa) tổ chức vào tối 27/12 (nhằm ngày 15/11 âm lịch), tại Tháp Bà Ponagar Nha Trang.

Khánh Hòa: Tái hiện di sản văn hóa Chăm trong đêm nghệ thuật
Tại khu vực Mandapa của Tháp Bà Ponagar, ban tổ chức đã tái hiện toàn bộ quá trình chuẩn bị lễ vật và hành lễ để du khách được tận mắt chứng kiến các nghi thức nghi lễ tại di tích Tháp Bà.

Tại chương trình, người dân và du khách được nghe thuyết minh, giới thiệu về khu đền tháp với những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, điêu khắc… và hòa mình trong những những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, được thưởng thức những loại hình nghệ thuật đặc sắc, hay trải nghiệm với nghề thủ công truyền thống của người Chăm.

Du khách không tham quan tự do mà theo lộ trình nhất định do ban tổ chức xây dựng, ấn định thành mạch chuyện xuyên suốt, vừa thuận tiện cho việc giới thiệu, vừa dễ dàng trong công tác quản lý, an ninh trật tự trong không gian ban đêm; giúp cho du khách dễ dàng cảm nhận được giá trị Tháp Bà Ponagar.

Khánh Hòa: Tái hiện di sản văn hóa Chăm trong đêm nghệ thuật
Khu vực Mandapa là kiến trúc không có tường bao hiện còn bốn hàng cột hình bát giác được xây bằng gạch nung. Kiến trúc này có niên đại khoảng thế kỷ XI với chức năng là nơi các tín đồ chuẩn bị các lễ vật và tịnh tâm trước khi lên các đền tháp phía trên để hành lễ.
Khánh Hòa: Tái hiện di sản văn hóa Chăm trong đêm nghệ thuật
Người dân, du khách dâng lễ, di chuyển lên khu vực đền Tháp bằng con đường hơn 100 bậc tam cấp lớn nhỏ, được xây bằng đá.

Phần biểu diễn sân khấu bán thực cảnh “Trăng soi dáng Tháp” chia thành 5 tiết mục, trong đó phần múa Apsara diễn ra tại sân trước Tháp Đông Nam; ở sân sau Tháp Đông Nam sẽ là tiết mục múa Huyền thoại Ponagar, hoà tấu nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm, múa truyền thống dân gian Chăm và cuối cùng là múa Bến nước tình yêu.

Trong đó, phần múa Apsara do 13 diễn viên múa thể hiện, là vũ điệu độc đáo nhất của nghệ thuật múa Chăm, được lấy cảm hứng từ truyền thuyết các tiên nữ Apsara hóa thân từ đá chuyên múa hát múa cho các vị thần.

Khánh Hòa: Tái hiện di sản văn hóa Chăm trong đêm nghệ thuật
Tại khu vực đền Tháp, đội múa Apsara chuẩn bị sẵn tiết mục biểu diễn. Phục trang diễn viên múa Apsara là mũ mão, áo ngắn che phần ngực và khố, tất cả đều được dát vàng lấp lánh.
Khánh Hòa: Tái hiện di sản văn hóa Chăm trong đêm nghệ thuật
Người dân, du khách ghi lại những tiết mục nghệ thuật đặc sắc.
Khánh Hòa: Tái hiện di sản văn hóa Chăm trong đêm nghệ thuật
Apsara cũng là tên gọi của điệu múa được phục vụ nơi chốn hoàng cung, với động tác chẫm rãi theo niêm luật âm duơng, thượng hạ, sấp ngửa, vay trả được quy định nghiêm ngặt trong từng động tác.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích – cho biết chương trình nhằm nâng cao đời sống tinh thần, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân dịp Tết Dương lịch năm 2024.

Cùng với đó, tạo sân chơi lành mạnh để người dân và du khách có những trải nghiệm thực tế về văn hoá, nghệ thuật dân gian truyền thống, tham gia trực tiếp vào công tác tuyên truyền, quảng bá để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa bằng những hoạt động thực tiễn.

Theo ông Nguyễn Văn Nhuận - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Khánh Hòa, đây là bước thử nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật gắn với đề án phát triển kinh tế ban đêm của tỉnh Khánh Hòa. "Sau khi thử nghiệm, đơn vị tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm, hoàn chỉnh kế hoạch tổ chức, tiến tới xây dựng thành chương trình định kỳ hằng tháng với các chủ đề khác nhau trong năm" - ông Nhuận nói.

Khánh Hòa: Tái hiện di sản văn hóa Chăm trong đêm nghệ thuật
Người dân Nha Trang và du khách hào hứng, thích thú với các tiết mục trình diễn.
Khánh Hòa: Tái hiện di sản văn hóa Chăm trong đêm nghệ thuật
Trên không gian khu đền Tháp này, người dân và du khách cũng được chứng kiến nghệ nhân Chăm đến từ làng nghề dệt Mỹ Nghiệp (thuộc huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) đang dệt vải thổ cẩm.
Khánh Hòa: Tái hiện di sản văn hóa Chăm trong đêm nghệ thuật
Nghề dệt ở làng Mỹ Nghiệp còn tan tỏa được đến thế hệ sau nhờ phong tục mẹ truyền con nối. Ngày xưa người Chăm ở đây coi việc biết dệt vải là tiêu chuẩn đánh giá sự khéo tay, đảm đang của người phụ nữ.
Khánh Hòa: Tái hiện di sản văn hóa Chăm trong đêm nghệ thuật
Phần trình diễn hát múa 'Bà về ngự chốn non tiên' ở phía sau Tháp Nam.
Khánh Hòa: Tái hiện di sản văn hóa Chăm trong đêm nghệ thuật
Nghệ sĩ Chăm biểu diễn múa truyền thống quạt và múa đội nước - những điệu múa khởi nguồn gốc từ đời sống sinh hoạt hàng ngày người Chăm.
Khánh Hòa: Tái hiện di sản văn hóa Chăm trong đêm nghệ thuật
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (bìa trái) giao lưu, trải nghiệm nghệ thuật múa dân gian Chăm.
Khánh Hòa: Tái hiện di sản văn hóa Chăm trong đêm nghệ thuật
Tháp Bà Ponagar về đêm thêm phần lung linh.

Đức Thảo

Theo: Báo Công Thương