FTA Việt Nam- Israel: Mở thêm cánh cửa thị trường cho doanh nghiệp dệt may FTA Việt Nam - Israel: Mở rộng cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư |
Câu chuyện về một bản FTA của Việt Nam bắt đầu từ thủ đô Tel Aviv, Israel một ngày cuối năm 2015, ngày 2/12.
Một phái đoàn của Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải dẫn đầu đang có chuyến thăm chính thức Israel. Trong chương trình nghị sự “ken” khá nhiều cuộc tiếp xúc có chương trình tiếp xúc cấp cao với lãnh đạo Chính phủ nước bạn, Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Và tại buổi gặp này, Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đưa ra một tuyên bố quan trọng trong quan hệ giữa hai đất nước cách nhau 4 múi giờ: chính thức khởi động đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước.
Việc hai nhà lãnh đạo cấp cao của Chính phủ khởi động việc đàm phán bản FTA đã cho thấy tầm quan trọng cũng như những dấu ấn của các thoả ước kinh tế thương mại được ỳ vọng rồi đây sẽ là động lực cho quan hệ song phương.
Bản FTA mới này sẽ mang tên gọi VIFTA. VIFTA sẽ mang dấu ấn của một bản FTA thế hệ mới.
Phải đợi đến năm thứ 23 trong trang sử ngoại giao, Việt Nam và Israel mới đi đến thoả thuận quan trọng trên. Nhưng như một ngạn ngữ được ưa thích của người Israel, “hãy khôn ngoan trong hành động thay vì khôn ngoan trong ngôn từ” , các nhà đàm phán của hai nước đến từ nhiều bộ khác nhau mà với Việt Nam, đóng vai trò “chủ công” là Bộ Công Thương, đã kiên nhẫn ngồi với nhau qua nhiều vòng đàm phán suốt quãng thời gian 7 năm sau đó. Đây cũng lại là quãng thời gian mà Việt Nam liên tiếp tăng tốc để đúc kết nhiều bản FTA mà đa phần là các FTA thế hệ mới với nhiều nền kinh tế quan trọng của thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat ký tuyên bố chung kết thúc đàm phán VIFTA |
Những vòng đàm phán đó cho dẫu trong bối cảnh hai nền kinh tế tuy có chênh lệch nhau về trình độ phát triển nhưng lại mang tính bổ sung cho nhau, trong bối cảnh phức tạp của thời cuộc phả hơi nóng nơi Trung Đông, cuối cùng cũng đã đến đích. Mảnh đất Trung Đông khí hậu vốn khắc nghiệt hoá ra lại là nơi nảy mầm đậu trái cho những đường hướng, ý tưởng hợp tác giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Israel.
Ngày 3/4/2023, một phái đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu đã thăm Israel. Tại chuyến thăm này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat đã đặt bút ký tuyên bố kết thúc đàm phán VIFTA.
Tuyên bố chung nhìn nhận, hai Bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của hai đoàn đàm phán Việt Nam và Israel trong suốt 8 năm với 12 phiên đàm phán, vượt qua những khó khăn và thách thức trong thời gian diễn ra dịch COVID-19 để cuối cùng đạt được thỏa thuận phù hợp với mong muốn và lợi ích của cả 2 nước.
Với việc chính thức kết thúc đàm phán, hai nước sẽ sớm xúc tiến các công việc nội bộ và pháp lý cuối cùng, đi tới đồng thuận để chuẩn bị cho việc ký Hiệp định FTA Việt Nam-Israel dự kiến ngay trong năm 2023. Điểm không kém phần quan trọng nữa là Việt Nam trở thành một trong các nước châu Á đầu tiên ký FTA với Israel.
“Hiệp định thương mại tự do là một bước phát triển tự nhiên trong quan hệ kinh tế song phương ngày càng mạnh mẽ giữa Việt Nam và Israel. Hiệp định sẽ đóng vai trò là nền tảng quan trọng để tăng cường hơn nữa thương mại song phương và sự hợp tác trong tất cả các lĩnh vực thuộc diện điều chỉnh của Hiệp định”.
Những dòng này được trích từ Tuyên bố chung giữa Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Nir Barkat.
Đây là một minh chứng rõ ràng thêm nữa nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc cụ thể hoá đường lối, quan điểm đối ngoại rộng mở của Đảng và Nhà nước, theo đó không ngừng mở rộng việc đàm phán để đi đến ký kết các bản FTA mới, đồng thời tận dụng tối đa những cơ hội được mở ra từ các bản FTA ấy, đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam cũng như cả người dân và doanh nghiệp các nền kinh tế đối tác bạn.
Một bản FTA mới sẽ được ra đời, như một cây xương rồng trổ hoa trong gió cát thời cuộc, báo hiệu một thành quả rất ngoạn mục, rất tốt đẹp của quan hệ ngoại giao kinh tế giữa hai nước để chào mừng tròn 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.
Và cũng một tín hiệu tốt đẹp thêm nữa: hiệp định hợp tác lao động giữa hai nước dự kiến sẽ được hoàn thành ngay trong năm 2023.
Phân tích của Bộ Công Thương cho biết, Israel là một trong những đối tác hợp tác thương mại, đầu tư và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực. Đây còn là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á và được đánh giá là thị trường lớn, tiềm năng tại Tây Á.
Trong trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Israel, mặt hàng của hai nước thường không cạnh tranh mà bổ sung cho thị trường của nhau. Những mặt hàng Israel có nhu cầu nhập khẩu lớn cũng chính là những mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel đạt 2,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Israel đạt 785,7 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Israel đạt 1,4 tỷ USD.
Israel chủ yếu nhập khẩu lương thực, thực phẩm, hàng nông sản, giày dép, may mặc, điện thoại di động, cà phê, hạt điều, tôm đông lạnh, cá ngừ, mực đông lạnh… từ Việt Nam.
Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Israel các nhóm hàng thiết bị máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, bo mạch, phân bón để phục vụ sản xuất ở trong nước.
Khác với nhiều quốc gia khác, các doanh nghiệp Israel được đánh giá là làm ăn khá nghiêm túc và có khả năng thanh toán cao. Đặc biệt một “hợp điểm” với Việt Nam là nhiều doanh nghiệp nước bạn xuất thân, đi lên từ đường băng khởi nghiệp và đây cũng là một hướng hợp tác rất lớn để thành công với doanh nghiệp Việt Nam. Không ít doanh nghiệp bạn chấp nhận thử - sai và có thể sẽ cung cấp những gợi ý, kinh nghiệm bổ ích với doanh nghiệp Việt Nam.
Không ít những câu chuyện cho thấy người dân Israel rất yêu mến Việt Nam trong khi người dân Việt Nam rất ngưỡng mộ dân tộc Do Thái với những thành tựu vượt bậc trong nghiên cứu khoa học, trong đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, coi đó là nguồn cổ vũ cho thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc sống, trở thành ưu tiên trong hợp tác song phương trong tương lai.
Cả Việt Nam và Israel đều đã vượt qua nhiều thách thức kinh tế và ngày nay đã trở thành những nền kinh tế vững mạnh. Trong khi Việt Nam được biết đến với tốc độ tăng trưởng nhanh và có lĩnh vực công nghiệp mạnh, thì Israel nổi tiếng với nền công nghiệp công nghệ cao, sáng tạo và các công ty khởi nghiệp. Những ngành công nghiệp này bổ sung cho nhau và đang hợp tác chặt chẽ.
Mục tiêu của VIFTA là nhằm khuyến khích hơn nữa sự hợp tác này.
Không những vậy, một mục tiêu lớn của VIFTA là đưa kim ngạch song phương sớm đạt khoảng 3 tỷ USD trong thời gian sớm nhất, trên cơ sở nền tảng trao đổi thương mại giữa hai bên ngày càng tích cực, với tốc độ tăng trưởng kim ngạch song phương khoảng 30% năm.
Israel dù không phải là thị trường lớn nhưng việc quyết tâm đàm phán FTA và đem lại cái kết có hậu trong đàm phán đã thể hiện sự quyết tâm của Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành hữu quan khác trong mở rộng quy mô thương mại, đầu tư với tất cả các nền kinh tế, kể cả các nền kinh tế nhỏ.
Và tới đây, câu chuyện VIFTA cũng sẽ tương tự các bản FTA khác. Đó là để tận dụng tối đa các cơ hội được mở ra, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ về thị trường; đồng thời, sản phẩm của doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn, kỹ thuật. Hiện nay, nhiều FTA đòi hỏi các tiêu chuẩn về môi trường, lao động, sử dụng nguồn nhân lực…, song tất cả những điều đó, doanh nghiệp Việt còn cần rất nhiều nỗ lực.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ để nắm được nội dung của các FTA. Đồng thời, tận dụng tốt các hỗ trợ của nhà nước để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành… Doanh nghiệp cũng cần nỗ lực nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; tìm hiểu về các ưu đãi về chứng nhận xuất xứ hàng hóa để tận dụng hiệu quả FTA.
Và khi VIFTA chính thức đậu trái thì một FTA khác đã nảy mầm. Tiếp ngay sau chuyến thăm Israel, trong lần trở lại Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Cơ sở hạ tầng UAE Suhail bin Mohammed Al Mazroue đã có những thảo luận quan trọng để có thể đi đến khởi động đàm phán FTA giữa hai nước.
Xét dưới góc độ địa chính trị, có thể xem UAE hứa hẹn trở thành địa bàn trung chuyển quan trọng để Việt Nam tăng cường kết nối giao thương với các đối tác FTA của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, UAE sẽ có cơ hội khai thác được tiềm năng lớn trong quan hệ kinh tế đa phương khu vực và toàn cầu.
Những đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trong chuyến thăm tới UAE đã nhận được những phản hồi rất tích cực từ nước bạn. Bộ trưởng Suhail bin Mohammed Al Mazroue thông báo UAE đã và đang nghiên cứu, đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác quan trọng như Việt Nam.
“Mong muốn của Chính phủ UAE là hai nước có thể ký FTA trong năm nay. Bên cạnh đó, phía UAE cho biết có nhu cầu hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực như truyền tải điện, phát điện, an ninh lương thực, y tế, hạ tầng, xây dựng, quản lý cảng biển”, Bộ trưởng Suhail bin Mohammed Al Mazroue nói.
Và điểm nhấn quan trọng đã diễn ra ngay trong khuôn khổ chuyến thắm của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tới UAE là Bộ trưởng và ngài Thani bin Ahmed Al Zeyoudi - Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại quốc tế, Bộ Ngoại thương UAE ngày 6/4/2023 chính thức đặt bút đã ký Tuyên bố cấp Bộ trưởng về việc khởi động đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và UAE (CEPA) ngay sau khi Việt Nam hoàn tất thủ tục trong nước.
Trung Đông và Tây Á nay đã sáng lên những chân trời mới cho hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác. Chặng đường trước mắt cho dẫu không tránh khỏi những tác động của thời cuộc. Nhưng chúng ta tự tin đủ kiên nghị để đi tới với những quyết tâm cao trong hành động. Nhất là cùng các nền kinh tế đối tác đã và sẽ mở ra bằng tinh thần win - win.
Quang Lộc