Khi thu nhập không thể tăng nhanh, người trẻ nên làm gì để tài sản vẫn sinh lời?
Khi thu nhập tăng chậm hơn chi phí sống, đầu tư thông minh và quản lý tài chính cá nhân trở thành chìa khóa để duy trì và gia tăng giá trị tài sản.
Trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động, lạm phát tiềm ẩn và mức lương tăng chậm hơn chi phí sinh hoạt, việc gia tăng tài sản cá nhân không còn chỉ dựa vào thu nhập. Câu hỏi đặt ra là: Nếu thu nhập không thể tăng nhanh, người trẻ và người lao động nên làm gì để dòng tiền vẫn có thể sinh lời?
Trong bối cảnh kinh tế 2024-2025, thu nhập của người lao động Việt Nam tuy có cải thiện nhưng vẫn khó theo kịp tốc độ tăng chi phí sinh hoạt. Theo Cục Thống kê Quốc gia, thu nhập bình quân tháng năm 2024 đạt khoảng 8,2 triệu đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, mức tăng này gần như bị bào mòn bởi lạm phát, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 3,25%. Đáng chú ý, tại các đô thị lớn, chi phí sinh hoạt gia tăng nhanh chóng, vượt xa tốc độ điều chỉnh lương. Điều này cho thấy nếu không chủ động tái phân bổ dòng tiền và lựa chọn kênh đầu tư phù hợp, người lao động khó có thể gia tăng giá trị tài sản, thậm chí không giữ được sức mua thực tế.

5 chiến lược đầu tư giúp tài sản sinh lời dù thu nhập không tăng, cụ thể:
Thứ nhất, đầu tư định kỳ với dòng tiền nhỏ, lợi nhuận đều: Đầu tư định kỳ (Dollar-Cost Averaging - DCA) là phương pháp chia nhỏ dòng tiền đầu tư theo tháng. Với chỉ từ 1-2 triệu đồng, người lao động có thể mua chứng chỉ quỹ, ETF hoặc cổ phiếu bluechip mỗi tháng.
Theo Investopedia, phương pháp DCA giúp trung bình hóa giá mua, tránh rủi ro “bắt đỉnh”, đồng thời rèn luyện tính kỷ luật cho nhà đầu tư cá nhân.
Thứ hai, là phương pháp tái phân bổ tài sản giúp giảm rủi ro, tăng hiệu quả: Phân bổ tài sản giữa các kênh như: cổ phiếu, trái phiếu, vàng, tiết kiệm và fintech giúp kiểm soát rủi ro trong mọi giai đoạn kinh tế. Forbes khuyến nghị tái cân bằng danh mục mỗi 6-12 tháng để đảm bảo tỷ trọng đầu tư không lệch quá xa so với mục tiêu ban đầu.
Thứ ba, tận dụng các nền tảng fintech: Năm 2024, thị trường fintech Việt Nam đạt quy mô 16,9 tỷ USD, dự báo tăng lên 62,7 tỷ USD vào năm 2033 (theo IMARC Group). Các ứng dụng như MoMo, Finhay, Tikop, Fmarket… cho phép đầu tư bắt đầu từ vài trăm nghìn đồng.
Với hơn 31 triệu người dùng, MoMo là ví điện tử phổ biến tích hợp đầu tư tài chính, giúp người trẻ dễ dàng thiết lập kế hoạch đầu tư định kỳ, an toàn và tự động.
Thứ tư, kiểm soát chi tiêu, tăng dòng tiền đầu tư: Nhiều nghiên cứu cho thấy người Việt có thể tiết kiệm đến 20–30% thu nhập nếu kiểm soát được chi tiêu cá nhân. Các ứng dụng như Money Lover, Sổ MISA hỗ trợ người dùng theo dõi và cắt giảm những khoản chi “vô hình”.
Thay vì để dòng tiền rò rỉ qua những chi tiêu nhỏ lẻ, việc tái đầu tư số tiền tiết kiệm được sẽ tạo ra vòng quay tài chính tích cực hơn.
Thứ năm là tạo thêm nguồn thu nhập phụ: Nếu lương chính không tăng, hãy xây thêm “dòng tiền thứ hai”. Các lựa chọn phổ biến gồm: cho thuê tài sản nhàn rỗi, bán hàng online, làm nghề tay trái hoặc hợp tác đầu tư nhỏ.
Dù thu nhập bổ sung ban đầu không lớn, nhưng khi được duy trì ổn định, nó sẽ giúp tái đầu tư vào danh mục tài chính cá nhân.
Một nghiên cứu từ NerdWallet chỉ ra rằng: nhà đầu tư thu nhập trung bình nhưng đầu tư sớm và đều đặn sẽ có giá trị tài sản ròng cao hơn so với người thu nhập cao nhưng đầu tư muộn.
Ở Việt Nam, tư duy đầu tư đang ngày càng phổ biến, đặc biệt ở nhóm 25-35 tuổi, những người hiểu rằng “giữ tiền không bằng dùng tiền đúng cách”.
“Không cần bắt đầu với vốn lớn. Điều quan trọng là bắt đầu sớm, kiên trì và hiểu rõ mình đang làm gì”, chuyên gia tài chính Nguyễn Hoàng Dũng nhận định.
Thực tế cho thấy, lương có thể giới hạn, nhưng khả năng sinh lời của tài sản thì không, nếu bạn đầu tư đúng cách. Hành trình làm giàu không đến từ việc đợi lương tăng, mà từ việc biết khai thác tốt nhất những gì mình đang có: dòng tiền, thời gian và kiến thức.