Tổng Công ty CP Xây dựng Điện Việt Nam (VNECO, HOSE: VNE) đang gặp nhiều thách thức khi kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng và bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục. Doanh thu của VNECO trong kỳ kế toán kết thúc ngày 30/6/2024 giảm 34,4% so với cùng kỳ năm trước, lỗ gần 71 tỷ đồng. Trong đó, khoản lỗ phân bổ cho Công ty mẹ lên đến 67,5 tỷ đồng. Đồng thời, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của VNECO âm 28,8 tỷ đồng.
VNECO thừa nhận rằng hoạt động của công ty phụ thuộc vào khả năng thu hồi các khoản phải thu, gia hạn các khoản vay từ ngân hàng, cũng như việc quản lý các khoản nợ phải trả. Những yếu tố này góp phần tạo ra sự không chắc chắn về khả năng duy trì hoạt động trong tương lai.
Lãnh đạo VNECO đã đưa ra nhiều lý do giải thích cho tình hình hiện tại của công ty, trong đó có các tác động từ rủi ro bất khả kháng:
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19: Từ năm 2020-2022, đại dịch kéo dài khiến hoạt động thi công của VNECO bị ngưng trệ, làm tăng chi phí quản lý, lãi vay và chi phí nhân công do lạm phát. Trong khi giá đấu thầu công trình với các chủ đầu tư là giá cố định dẫn tới các công trình sau thời gian thi công tới giai đoạn quyết toán bị giảm lợi nhuận hoặc lỗ.
Siết chặt tín dụng từ các ngân hàng: Năm 2022-2023, các ngân hàng siết chặt room tín dụng khiến việc vay vốn gặp khó khăn. Điều này dẫn đến nhu cầu vốn lưu động tăng cao, kéo dài thời gian thi công và làm giảm lợi nhuận dòng tiền của VNECO.
Khó khăn về pháp lý trong dự án năng lượng: Dự án Nhà máy điện gió Thuận Nhiên Phong, do VNECO sở hữu 100% vốn, đồng thời là nhà thầu EPC đã thi công hoàn tất 8 tuabin từ năm 2021. Trong đó, 5 tuabin đủ điều kiện vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021 để được hưởng giá fix ưu đãi trong 20 năm. Tuy nhiên, 3 tuabin chưa đủ điều kiện vận hành thương mại, và hiện tại vẫn chưa thể bán điện do những rào cản về chính sách và cơ chế giá điện.
Ban lãnh đạo VNECO cho biết, đã và sẽ tiếp tục nỗ lực để tháo gỡ dần những điểm còn thiếu hụt về pháp lý dự án để hoàn thiện dự án, tăng nguồn thu và đồng thời tập trung cơ cấu tái cấu trúc lại các tài sản không sinh lợi hoặc chậm luân chuyển tăng tính thanh khoản cho Tổng Công ty.
Hiện nay, việc triển khai cơ cấu các bất động sản chậm và gặp trở ngại khi tiếp cận nhà đầu tư từ ngày 1/8/2024, Luật đất đai mới có hiệu lực nhưng bảng giá đất mới chưa được ban hành ảnh hưởng tới việc thực hiện giao dịch tính thuế chuyển nhượng bất động sản, cho thuê.
VNECO giải trình vấn đề cần nhấn mạnh của kiểm toán độc lập trên BCTC tại đây.
Ở một diễn biến khác, mới đây ngày 23/9, VNECO đã chốt danh sách cổ đông tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024. Thời gian và địa điểm sẽ được Công ty thông báo sau.
VNECO tiền thân là Công ty Xây lắp Điện 3, thành lập năm 1988 trên cơ sở hợp nhất hai công ty là Công ty Xây lắp đường dây và Trạm 3 và Công ty Xây lắp đường dây và Trạm 5 và cổ phần hóa vào năm 2005. Công ty hoạt động trong các lĩnh vực kỹ thuật, xây lắp, cung cấp thiết bị, chuyển giao công nghệ và đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo. Cổ phiếu của VNECO chính thức niêm yết trên HOSE vào năm 2007.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VNE đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/9 giảm 1,6%, xuống còn 4.300 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu VNE |
Vận đen bám đuổi với Xây dựng Điện Việt Nam (VNECO) Ngày 16/7/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 751/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh ... |
Dính án phạt chưa lâu, VNECO (VNE) bị một doanh nghiệp họ Sông Đà yêu cầu mở thủ tục phá sản Do VNECO chưa thanh toán kịp công nợ nên Công ty CP sông Đà 11 đã có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản ... |
Lộ trình khắc phục cổ phiếu bị kiểm soát và cảnh báo của VNECO (VNE) Cổ phiếu VNE của VNECO vào diện kiểm soát do chậm nộp BCTC kiểm toán trong 2 năm liên tiếp, đồng thời bị đưa vào ... |
Đức Anh