Khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu dần lộ diện

22/11/2022 - 00:09
(Bankviet.com) Kể từ đầu quý III/2022, hoạt động xuất nhập khẩu giảm tốc, cho thấy những khó khăn được lường trước đã dần lộ diện.

Khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu dần lộ diện - Nguồn: Internet

Nhận định trên vừa được Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB Research) đưa ra trong báo cáo Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần vừa công bố. Dẫn số liệu xuất nhập khẩu cả nước kỳ 1 tháng 11/2022 từ Tổng cục Hải quan, báo cáo cho biết, kim ngạch xuất khẩu từ ngày 1-15/11 đạt 13,63 tỷ USD, trong khi nhập khẩu đạt 14,78 tỷ.

Như vậy, kỳ 1 tháng 11, cán cân thương mại hàng hóa đã thâm hụt 1,15 tỷ USD, trái với mức thặng dư 2,39 tỷ của kỳ 2 tháng 10.

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/11, kim ngạch xuất khẩu đạt 326,67 tỷ USD, nhập khẩu đạt 318,02 tỷ USD. Như vậy, cán cân thương mại thặng dư 8,65 tỷ USD.

Tổng giá trị xuất nhập khẩu lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/11 đạt 644,69 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 11/2022 đạt 28,41 tỷ USD, giảm 6,27% so với kỳ 2 tháng 10.

Nhìn lại từ tháng 10/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 10/2022 đạt 27,75 tỷ USD, giảm 12,6% so với kỳ 2 tháng 9/2022; xuất nhập khẩu hàng hóa cả tháng 10 cũng chỉ xấp xỉ mức của tháng 9 và giảm khoảng 11,5% so với tháng 8. Có thể thấy, càng về thời điểm cuối năm, dấu hiệu xuất nhập khẩu giảm tốc càng rõ rệt hơn.

Như vậy, những nhận định của giới chuyên gia về việc xuất khẩu những tháng cuối năm còn nhiều thách thức đã có những dấu hiệu xác thực. Đó là, vì nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguồn và giá nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu của thế giới, quy mô nền kinh tế khiêm tốn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.

Trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nguy cơ lạm phát, tỷ giá đồng USD tăng cao, đồng thời lạm phát và suy thoái kinh tế đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt từ tháng 9 trở đi, gây ra nhiều tác động làm nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm, gây bất lợi đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Đặc biệt, tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Mỹ, EU, lạm phát cao, người tiêu dùng tập trung nhu cầu chi tiêu cho lương thực, thực phẩm và những đồ dùng thiết yếu, do đó những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như đồ gỗ, da giày, dệt may không được coi là đồ dùng thiết yếu nên bị cắt giảm chi tiêu mua vào thời điểm này khiến lượng đơn hàng giảm, khách hàng trì hoãn nhận hàng.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng chủ yếu của Việt Nam cho biết, thị trường xuất khẩu của họ đang giảm tốc từ 20 - 30% dù đang vào mùa cao điểm; từ nay đến cuối năm và thậm chí sang đến quý I/2023 sau cũng chưa có nhiều tín hiệu lạc quan.

Bộ Công Thương cho biết, số lượng đơn đặt hàng trong quý IV/2022 thấp hơn 25-50% so với quý II/2022, tương đương với mức giảm doanh thu 15-20% so với cùng kỳ theo ước tính, do lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu hiện ở mức cao.

Bên cạnh đó, sự biến động của tỷ giá đồng USD cũng là một trở ngại đối với các giao dịch quốc tế; đồng nội tệ của nhiều nước đang mất giá so với đồng USD, khiến giá hàng xuất khẩu của Việt Nam càng thêm khó cạnh tranh.

Ngoài ra, bất ổn của kinh tế thế giới làm cho xăng dầu, gas tăng giá ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển; giá cước tàu 1 tháng có thể tăng tới 50%. Xu hướng bảo hộ thương mại khi nguồn cung hàng hoá đứt gãy, chuỗi cung ứng vẫn nguy cơ gián đoạn, đặc biệt cung ứng nguyên nhiên vật liệu khiến các nước phải có biện pháp để ổn định hàng hoá trong nước.

Ở trong nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh tuy đã phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn chủ yếu do giá xăng dầu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao; tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở một số địa phương là trung tâm công nghiệp của cả nước và một số ngành, lĩnh vực như dệt may, lắp rắp linh kiện điện tử, chế biến gỗ...

Mặc dù xác định nhiều khó khăn như vậy, với tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu như hiện nay, việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức 700 tỷ USD vào cuối năm 2022 là hoàn toàn khả thi.

Bộ Công Thương đánh giá, đây sẽ là một kỷ lục mới, một dấu mốc mới trong hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam. Dự kiến đây sẽ là năm thứ 7 Việt Nam xuất siêu.

Để đạt được chỉ tiêu xuất khẩu cả năm, Bộ Công Thương cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải có những giải pháp sau:

Thứ nhất, cần cập nhật tình hình đối tác, nước nhập khẩu, nhu cầu tiêu dùng của các nước có quan hệ với Việt Nam để có đối sách phù hợp;

Thứ hai, không nên chỉ dựa vào các thị trường truyền thống và có kim ngạch nhập khẩu hàng hoá lớn từ Việt Nam như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, mà có thể chuyển hướng sang thị trường Nga và một số nước khác để bù đắp kim ngạch xuất khẩu truyền thống bị giảm sút;

Thứ ba, cần đa dạng hoá mặt hàng, linh hoạt trong phương thức thanh toán, chủ động về nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất xuất khẩu, đa dạng hoá các phương tiện vận chuyển để giảm chi phí xuất khẩu đi các nước…

Ngoài ra, doanh nghiệp cần cập nhật tiêu chuẩn quốc gia, nhãn hàng và nhu cầu thị trường. Đặc biệt, tính đến đầu tư vào những mặt hàng có ưu thế xuất khẩu và nâng chất, xây dựng thương hiệu quốc tế.

Về phía cơ quan quản lý, các bộ, ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, nối lại nguồn cung và tăng năng suất lao động, đầu tư hạ tầng nhằm cắt giảm chi phí hậu cần, logistics… Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường vai trò, sự hiện diện của mình để các tham tán thương mại ở các nền kinh tế đóng vai trò tích cực hơn trong việc giới thiệu khách hàng tiềm năng; chủ động đa dạng hoá các thị trường tránh tập trung vào một vài thị trường, nhất là những thị trường mà có những cảnh báo rủi ro hoặc xác suất suy thoái cao; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các Hiêp định thương mại tự do FTA đã ký kết để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu…

Thanh Hải

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ