Chiều 3/5 tại trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) tiếp tục diễn ra với chuyên đề trọng tâm "Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới".
Theo chương III dự thảo, việc phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới được quy định chi tiết với 5 điều (từ điều 23 đến điều 27).
Chiều 3/5 tại trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) tiếp tục diễn ra với chuyên đề trọng tâm "Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới" |
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung nhiều ý kiến tham gia đóng góp, hỏi và xây dựng các điểm được nêu trong 5 điều luật của bản dự thảo. Trong đó, vấn đề được quan tâm nhất là vấn đề điện gió ngoài khơi được quy định tại điều 26.
Theo dự thảo, Điều 26: "Các dự án trong lĩnh vực này bao gồm hai công trình chính: Nhà máy điện và Lưới điện. Trong đó định nghĩa về nhà máy điện ngoài khơi quy định là nhà máy điện gió có toàn bộ tuabin điện gió được xây dựng ngoài phạm vi vùng biển 6 hải lý và có độ sâu đáy biển lớn (được xác định cụ thể theo số liệu khảo sát thực tế do Chính phủ quy định).
Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi được thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư và khoản 2 Điều 92 của Luật này.
Tổ chức, cá nhân được giao làm chủ đầu tư không được chuyển nhượng quá 49% tổng mức đầu tư của dự án hoặc phần vốn góp. Cấp chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi có thẩm quyền quyết định chuyển nhượng phần vốn góp. Điều này nhằm đảm bảo rằng người chủ đầu tư giữ lại quyền kiểm soát đáng kể trong dự án và đảm bảo rằng họ có một cam kết mạnh mẽ đối với sự thành công của dự án".
Các đại biểu đến từ các Tập đoàn CPI, Công ty cổ phần APC... đã nêu ý kiến về quy định các nhà máy điện gió ngoài khơi phải xây dựng ngoài phạm vi 6 hải lý và có độ sâu đáy biển lớn.
Việc này theo các đơn vị là sẽ gây khó khăn khi xác định vị trí dự án.
Bà Nguyễn Thanh Trà - đại diện Tập đoàn CIP (Đan Mạch) cho rằng quan trọng nhất là khoảng cách 6 hải lý còn yêu cầu đảm bảo về độ sâu đáy biển sẽ rất khó để đo đạc, xác định là nhà máy điện gió ngoài khơi khi mà Việt Nam chưa có những đo đạc, số liệu cụ thể để xác định độ sâu đáy biển ở tất cả các địa hình của biển Việt Nam.
"Việc này ảnh hưởng đến việc coi dự án này là điện gió ngoài khơi hay không phải điện gió ngoài khơi. Vì thế chúng tôi đề xuất là chỉ nên quy định là xa bờ 6 hải lý là đủ vì vốn đầu tư, công nghệ đã rất là lớn rồi", bà Trà nói.
Ngoài ra, các đại biểu cũng ý kiến về điều 26 tại dự thảo quy định "Tổ chức, cá nhân được giao làm chủ đầu tư không được chuyển nhượng quá 49% tổng mức đầu tư của dự án hoặc phần vốn góp".
Về việc này các đơn vị cho rằng nên cho các nhà đầu tư thực hiện việc chuyển nhượng trong giai đoạn nhất định sau khi dự án đã đi vào vận hành chứ không hạn chế trong toàn bộ vòng đời của dự án.
Theo các đơn vị này, trong giai đoạn xây dựng và đầu tư dự án thì nhà đầu tư sẽ quyết tâm thực hiện dự án đến cùng và không thoái vốn. Tuy nhiên đến giai đoạn vận hành, nhà đầu tư phát triển dự án không phải là nhà đầu tư làm tốt nhất công việc vận hành. Việc vận hành đó có thể chuyển cho nhà đầu tư khác hoặc có thể nhà đầu tư khác có khả năng tốt hơn.
Ông Trần Việt Hoà - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực chủ trì hội nghị đã ghi nhận các ý kiến đóng góp của đại biểu. Ông cho rằng quy định về khoảng cách 6 hải lý để xác định nhà máy điện gió ngoài khơi là đã rõ.
Còn yêu cầu về độ sâu thì cần xem xét. Vì đặc điểm của vùng biển Việt Nam có sự chênh lệch về độ sâu đáy biển dẫn đến chi phí nghiên cứu, đầu tư, thi công xây dựng, vận hành bảo dưỡng khác nhau. Nên cần thiết phải có quy định về độ sâu đáy biển với dự án điện gió ngoài khơi.
Ông Trần Việt Hoà - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực phát biểu |
Liên quan đến quy định chuyển nhượng dự án, theo ông Hoà, việc này nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền lãnh hải. Việc xem xét thành phần tham gia của chủ đầu tư là vô cùng quan trọng.
"Quá trình chuyển nhượng về sau cần phải có sự xuyên suốt. Những nhà đầu tư nào được giao làm thành viên của tổ hợp nhà đầu tư thì cần phải có trách nhiệm cơ bản là cho đến hết dự án. Tránh việc chuyển nhượng gây đến việc chậm, hoặc không triển khai được dự án", ông Hoà nêu quan điểm.
Ngày mai hội thảo sẽ tiếp tục thảo luận về các chuyên đề giá điện, hợp đồng mua bán điện, vận hành hệ thống điện, quản lý nhu cầu điện, giấy phép hoạt động điện lực, an toàn điện, an toàn đập, hồ chứa thủy điện.