Khối ngoại bán ròng mạnh trong tuần đầu tiên của năm mới 2025
Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 30/12/2024 đến 3/1/2025, VN-Index giảm 20,55 điểm (1,61%) xuống còn 1.254,59 điểm. Chỉ số từng chạm ngưỡng kháng cự 1.280 điểm nhờ hiệu ứng chốt NAV cuối năm 2024, nhưng áp lực bán gia tăng khiến thị trường điều chỉnh sâu trong những phiên đầu năm mới. Thanh khoản tăng vào phiên cuối tuần, phản ánh sự điều chỉnh mạnh mẽ ở nhiều nhóm cổ phiếu, đặc biệt là nhóm vốn hóa lớn.
Khối ngoại trong tuần tiếp tục là tác nhân tạo áp lực khi quay đầu bán ròng mạnh. Sau khi mua ròng trong phiên đầu tuần, dòng vốn ngoại nhanh chóng đảo chiều với ba phiên bán ròng liên tiếp, tổng cộng bán ròng 767 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Áp lực từ khối ngoại khiến thị trường giảm sâu, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu bluechip |
Trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng 774 tỷ đồng, tương ứng hơn 31,58 triệu cổ phiếu. Mặc dù mua vào 138 triệu đơn vị với giá trị 4.676 tỷ đồng, nhưng khối này bán ra tới 170 triệu cổ phiếu, giá trị 5.450 tỷ đồng, giảm mạnh cả về khối lượng và giá trị so với tuần trước.
Sàn HNX ghi nhận tình trạng tương tự với hai phiên mua ròng và hai phiên bán ròng. Tính chung cả tuần, khối ngoại bán ròng 1,2 triệu cổ phiếu, giá trị bán ròng 6,4 tỷ đồng. Tại đây, khối ngoại mua vào gần 5 triệu đơn vị với giá trị 126 tỷ đồng nhưng bán ra hơn 6,2 triệu đơn vị, đạt giá trị 133 tỷ đồng.
Trên thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng nhẹ 72.620 cổ phiếu nhưng giá trị vẫn mua ròng 4,3 tỷ đồng. Tổng lượng mua vào đạt 2,6 triệu đơn vị với giá trị 176 tỷ đồng, trong khi bán ra 2,6 triệu đơn vị với giá trị 172 tỷ đồng.
Xét theo từng mã chứng khoán, cổ phiếu FPT dẫn đầu danh sách bán ròng với giá trị lên tới 484 tỷ đồng. Các mã bluechip khác như VCB, TCB, ACV, VND cũng chịu áp lực bán lớn với giá trị lần lượt là 175 tỷ, 134 tỷ, 97 tỷ và 61 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cổ phiếu như EIB, BID, VNM tiếp tục bị khối ngoại "xả" mạnh.
Ngược lại, dòng vốn ngoại bất ngờ rót vào cổ phiếu FRT, dẫn đầu danh sách mua ròng với 116 tỷ đồng. MCH và VGC lần lượt được mua ròng 110 tỷ và 101 tỷ đồng, trong khi KDH, STB, PDR, LPB, MSN cũng ghi nhận lực mua tích cực từ khối ngoại.
Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam, đà giảm mạnh của VN-Index trong tuần qua chịu ảnh hưởng lớn từ nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là nhóm ngân hàng, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong rổ chỉ số. Áp lực bán từ khối ngoại, nhất là các quỹ đầu tư sau giai đoạn kéo NAV cuối năm, đã khiến thị trường "trả điểm" nhanh chóng.
Ngoài ra, chỉ số USD Index tăng vọt lên 109 điểm – mức cao nhất kể từ tháng 10/2022 cùng với căng thẳng tỷ giá USD/VND đã tác động lớn đến tâm lý nhà đầu tư. Việc Ngân hàng Nhà nước bán USD để ổn định thị trường càng làm gia tăng áp lực ngắn hạn.
Ông Minh nhận định, dù VN-Index đã thủng mốc tâm lý quan trọng 1.260 điểm, nhưng diễn biến này chưa phải là quá tiêu cực. Thị trường vẫn đang dao động trong biên độ rộng từ 1.250 đến 1.280 điểm. Tuy nhiên, nếu chỉ số USD Index tiếp tục vượt 110 điểm, VN-Index có thể điều chỉnh sâu hơn, lùi về vùng hỗ trợ 1.238 điểm.
VN-Index tăng 12% trong năm 2024 bất chấp khối ngoại bán ròng kỷ lục
Năm 2024 khép lại với chỉ số VN-Index đạt 1.266,78 điểm, tăng khoảng 12% so với đầu năm. Mặc dù có những thời điểm chỉ số vượt mốc 1.300 điểm, nhưng thị trường đã không thể duy trì đà tăng để đạt đến mốc 1.400 điểm như kỳ vọng ban đầu, nhất là trong nửa cuối năm khi chịu áp lực từ làn sóng bán ròng của khối ngoại và thanh khoản sụt giảm.
Theo thống kê, năm 2024 khối ngoại đã bán ròng gần 94.450 tỷ đồng (khoảng 3,7 tỷ USD), vượt qua mức bán ròng kỷ lục ghi nhận vào năm 2021 (trên 58.000 tỷ đồng). Đây là con số bán ròng cao nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.
VHM dẫn đầu danh sách bán ròng
Dẫn đầu danh sách các cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất là cổ phiếu VHM của Vinhomes với giá trị hơn 19.100 tỷ đồng. Trong năm 2024, cổ phiếu VHM trải qua nhiều đợt rung lắc mạnh, đóng cửa năm ở mức 40.000 đồng/cổ phiếu, giảm 7% so với đầu năm.
Xếp thứ hai trong danh sách bán ròng là VIB với giá trị 8.260 tỷ đồng, tiếp theo là chứng chỉ quỹ FUEVFVND (hơn 7.200 tỷ đồng). Đáng chú ý, Quỹ Diamond của Dragon Capital đã rút ròng gần 12.700 tỷ đồng trong năm qua.
Các mã blue-chip như FPT (6.400 tỷ đồng), MSN (6.050 tỷ đồng), VRE (5.900 tỷ đồng) và HPG (4.940 tỷ đồng) cũng nằm trong danh sách những cổ phiếu bị khối ngoại bán mạnh.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu BHI của Tổng Công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội dẫn đầu danh sách mua ròng của khối ngoại với giá trị 1.628 tỷ đồng. Theo sau là AIC với giá trị 1.262 tỷ đồng và IDC (hơn 1.034 tỷ đồng).
Ông Michael Kokalari - Giám đốc Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital nhận định, sự tăng trưởng của VN-Index trong năm 2024 bất chấp áp lực bán ròng từ khối ngoại là dấu hiệu tích cực. Ông chỉ ra rằng, việc đồng VND mất giá gần 5% so với USD đã góp phần làm giảm sức hút của cổ phiếu Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, ông Kokalari nhấn mạnh: "Sự kiên cường của thị trường chứng khoán Việt Nam, cùng với mức định giá hấp dẫn (P/E dự phóng 12x) so với mức tăng trưởng lợi nhuận kỳ vọng khoảng 17% cho thấy VN-Index không cần những cú hích lớn để tiếp tục tăng trưởng trong năm tới".
Khối ngoại bán ròng 759 tỷ đồng phiên 3/1, tập trung vào CTG cùng FPT Khối ngoại bán ròng 759 tỷ đồng phiên 3/1, gia tăng áp lực so với 118 tỷ đồng hôm qua. FPT và CTG bị xả ... |
Xu hướng đầu tư chứng khoán 2025 dưới góc nhìn chuyên gia Năm 2025, chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư chứng khoán duy trì danh mục dưới 50% trong nửa đầu năm, tập trung vào ngân ... |
ABS Research: Chứng khoán Việt dự kiến thu hút 1,4 tỷ USD từ các quỹ ETF nếu được nâng hạng Chứng khoán An Bình (ABS) nhận định, Việt Nam đang ở ngưỡng cửa lịch sử trong hành trình nâng hạng thị trường chứng khoán lên ... |
Đức Anh