Quỹ ngoại Dragon Capital vừa có thông báo về việc thực hiện giao dịch bán ra cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG). Cụ thể, ngày 21/8, 4 trong số 8 thành viên của Dragon Capital đã bán tổng cộng 3 triệu cổ phiếu HSG, giảm lượng sở hữu xuống còn 41,26 triệu đơn vị, tương đương khoảng 6,7% vốn. Phiên này, cổ phiếu HSG được giao dịch tại mức giá 21.050 đồng/cổ phiếu - mức thấp nhất trong 3 tháng qua.
Tính đến hết phiên 26/8, cổ phiếu Tập đoàn Hoa Sen đã bị khối ngoại bán ròng 13 phiên liên tiếp, với tổng khối lượng bán ròng đạt 20 triệu đơn vị và giá trị bán ròng lên tới 500 tỷ đồng.
Diễn biến giao dịch của khối ngoại tại HSG thời gian gàn đây (biểu đồ: kinhtechungkhoan) |
Trên thực tế, xu hướng bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu HSG đã kéo dài từ nửa cuối tháng 6 đến nay, với tổng khối lượng bán ròng gần 40 triệu đơn vị.
Động thái bán ra của Dragon Capital diễn ra vào thời điểm cổ phiếu HSG đang kết thúc giai đoạn tăng trưởng từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 7/2024. Theo đó, cổ phiếu HSG đã giảm gần 18% từ mức cao nhất trong 28 tháng (25.350 đồng hồi đầu tháng 8).
Không chỉ cổ phiếu Hoa Sen, HPG của Tập đoàn Hòa Phát cũng đang chịu áp lực bán ròng mạnh mẽ. Từ đầu tháng 8, HPG đã bị bán ròng gần 1.900 tỷ đồng. Tính từ đầu quý 3, giá trị bán ròng của HPG lên tới 2.200 tỷ đồng, trong khi HSG là 925 tỷ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu HSG và HPG từ đầu năm 2024 đến nay |
Động thái đẩy mạnh bán ra cổ phiếu thép diễn ra sau loạt thông tin bất lợi liên quan đến giá thép và các biện pháp phòng vệ thương mại từ thị trường xuất khẩu, điều này được cho là đã tạo áp lực không nhỏ lên cả Hòa Phát và Hoa Sen.
Cụ thể, Ấn Độ đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Việt Nam, bao gồm thép không hợp kim và thép hợp kim. Quyết định này được đưa ra theo đề nghị của Hiệp hội Thép Ấn Độ, với cáo buộc thép Việt Nam được bán phá giá, gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa.
Việt Nam hiện nằm trong top 5 nước xuất khẩu thép lớn nhất vào Ấn Độ. Trong năm tài chính 2023-2024, kim ngạch nhập khẩu thép của Ấn Độ từ Việt Nam đạt 722 triệu USD. Đáng chú ý, lượng nhập khẩu HRC và thép tấm từ Việt Nam tăng 203%, từ 190.000 tấn lên 576.000 tấn trong giai đoạn từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024.
Bên cạnh Việt Nam, Trung Quốc cũng bị cáo buộc bán phá giá vào Ấn Độ. Mối lo ngại chính là Trung Quốc có thể đang sử dụng các quốc gia thứ ba để đưa sản phẩm giá thấp vào thị trường Ấn Độ.
Đáng chú ý, vào ngày 26/7/2024, Bộ Công Thương Việt Nam cũng ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc. Quyết định này dựa trên đơn kiến nghị của Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Số liệu cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, lượng HRC nhập khẩu vào Việt Nam đạt gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ 2023 và bằng 173% sản lượng sản xuất trong nước. Trong đó, Ấn Độ cùng Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản chiếm gần 1 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu thép của Việt Nam.
Các động thái điều tra lẫn nhau giữa Ấn Độ và Việt Nam phản ánh tình trạng cạnh tranh gay gắt trong ngành công nghiệp thép toàn cầu, đồng thời cho thấy thách thức trong việc cân bằng giữa bảo vệ sản xuất trong nước và duy trì quan hệ thương mại quốc tế.
Bức tranh lợi nhuận ngành thép phân hóa, cổ phiếu thép gây thất vọng? Tỷ suất lợi nhuận đầu tư của cổ phiếu ngành thép gây thất vọng khi lùi xa so với VN-Index và nhiều nhóm ngành khác... |
Cổ phiếu thép bật tăng giữa căng thẳng cuộc điều tra chống bán phá giá Bất chấp tình hình căng thẳng của cuộc điều tra chống bán phá giá phép, cổ phiếu ngành này đồng loạt bật tăng mạnh phiên ... |
Cổ phiếu của hai ông lớn ngành thép đã không còn hấp dẫn? Báo cáo mới nhất của VCBS chỉ ra rằng, ở thời điểm hiện tại, nhiều cổ phiếu thép đang thiếu tính hấp dẫn... |
Linh Đan