Profile của Moore AISC
Ngày 21/11/2024, Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư & Thương mại Vũ Đăng (SVD) vừa công bố về việc ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ Tin học Moore AISC để thực hiện kiểm toán các báo cáo tài chính (BCTC) của công ty trong năm 2024, đồng thời thanh lý hợp đồng kiểm toán với Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY.
Theo giới thiệu, Moore AISC là một trong ba công ty kiểm toán đầu tiên được thành lập tại Việt Nam vào năm 1994, dưới sự quản lý của Sở Tài chính TP.HCM. Đến năm 2022, Công ty trở thành thành viên của Moore Global Network Limited, một mạng lưới kiểm toán và tư vấn toàn cầu có trụ sở chính tại London. Mạng lưới này được xếp hạng là một trong những hệ thống kiểm toán hàng đầu thế giới bởi International Accounting Bulletin.
Với hơn 200 nhân viên làm việc tại trụ sở chính, các chi nhánh và văn phòng đại diện trên toàn quốc, Moore AISC hiện cung cấp dịch vụ cho hơn 1.000 khách hàng, bao gồm nhiều doanh nghiệp niêm yết, ngân hàng, và tập đoàn lớn.
![]() |
Báo cáo minh bạch của Moore AISC năm 2023 |
Theo báo cáo minh bạch năm 2023, Moore AISC ghi nhận doanh thu 62,7 tỷ đồng. Trong đó, 12 tỷ đồng đến từ dịch vụ kiểm toán BCTC của các đơn vị có lợi ích công chúng, phần còn lại đến từ các dịch vụ kiểm toán và tư vấn khác. Tuy nhiên, chi phí hoạt động của công ty cũng rất lớn, lên tới 62,2 tỷ đồng, chủ yếu bao gồm lương thưởng cho nhân viên và các chi phí vận hành. Điều này khiến lợi nhuận sau thuế của Moore AISC chỉ đạt mức khiêm tốn 452 triệu đồng. Số dư Quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp của công ty hiện đạt hơn 6,6 tỷ đồng.
Trong năm 2024, Moore AISC tiếp tục được nhiều doanh nghiệp lớn lựa chọn, bao gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương và Công ty CP Chứng khoán VPS.
![]() |
Moore AISC được nhiều doanh nghiệp lớn lựa chọn, bao gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương, CTCP Chứng khoán VPS, CTCP Xây dựng số 5 hà Nội, CTCP Lizen,... |
Tuy nhiên, Công ty cũng phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến tư cách kiểm toán viên.
Mới đây, ngày 12/11/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 1226/QĐ-UBCK, đình chỉ tư cách kiểm toán viên đối với Kiểm toán viên Phan Đức Danh, thuộc Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ Tin học Moore AISC. Đây là quyết định liên quan đến việc kiểm toán cho các đơn vị có lợi ích công chúng trong lĩnh vực chứng khoán.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên Moore AISC vướng vào những rắc rối liên quan đến kiểm toán viên của mình. Trước đó, ngày 16/9/2024, UBCKNN đã ban hành Quyết định số 996/QĐ-UBCK, đình chỉ tư cách kiểm toán viên được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán đối với Kiểm toán viên Đỗ Thị Hằng và Kiểm toán viên Đoàn Nguyễn Minh Tâm, cũng thuộc Moore AISC. Thời hạn đình chỉ kéo dài từ ngày 16/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
KQKD của SVD cải thiện, cổ phiếu vẫn nằm trong diện kiểm soát
Về tình hình kinh doanh quý 3/2024, SVD ghi nhận doanh thu thuần đạt 102 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ (svck), tuy nhiên giá vốn hàng bán tương đối lớn, lên đến 95,6 tỷ đồng (tăng 18,1%). Điều này khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp dừng chân ở mức 6,18 tỷ đồng, nhưng vẫn cải thiện khá tốt so với con số âm của cùng kỳ.
Sau khi khấu trừ các loại chi phí khác, SVD mang về 2,28 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Lũy kế 9 tháng đầu năm, con số này là 3,24 tỷ đồng, tăng 112% svck, cải thiện đáng kể so với những quý âm kết quả kinh doanh trước đó. Tuy nhiên, cổ phiếu SVD vẫn đang trong diện cảnh báo và kiểm soát từ 10/4/2024, do kinh doanh thua lỗ liên tiếp trong hai năm 2022-2023.
![]() |
Công ty CP Đầu tư & Thương mại Vũ Đăng (SVD) mang về 2,28 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 3/2024 |
Theo tìm hiểu, hoạt động kinh doanh của Vũ Đăng khá đơn giản, tập trung chủ yếu vào việc vận hành một nhà máy sản xuất sợi đặt tại tỉnh Thái Bình với diện tích gần 20.000 m², ứng dụng công nghệ kéo sợi đóng mở hiện đại, với công suất đạt 7.721 tấn mỗi năm. Sản phẩm sợi của Vũ Đăng không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường quốc tế quan trọng như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Hàn Quốc.
Nguyên liệu đầu vào chính của công ty là bông nhập khẩu từ những thị trường lớn như Ấn Độ, Tây Phi, Mỹ và Brazil. Đáng chú ý, chi phí nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng rất lớn trong hoạt động sản xuất của công ty, với 77% giá vốn hàng bán và 75% tổng chi phí vận hành. Điều này cho thấy Vũ Đăng phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung nguyên liệu và việc quản lý chi phí này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp.
![]() |
Báo cáo kết quả kinh doanh của SVD 9 tháng đầu năm |
Về cấu trúc tài sản và nguồn vốn, tính đến thời điểm 30/9/2024, SVD ghi nhận tổng tài sản giảm nhẹ 1,5% so với thời điểm đầu năm còn mức 392 tỷ đồng, chủ yếu là do ghi nhận sụt giảm ở khoản mục tiền và tương đương tiền (giảm 91% còn 6,05 tỷ đồng), khoản mục phải thu ngắn hạn (giảm 22% còn 47,6 tỷ đồng). Ngược lại, doanh nghiệp ghi nhận hàng tồn kho tăng 28,1%, đạt 90,2 tỷ đồng và đầu tư tài chính dài hạn tăng từ 0 lên 58 tỷ đồng, nhờ việc nâng tỷ lệ sở hữu 29% tại Công ty CP M.A.P Global.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, có thể thấy rõ nguồn lực của doanh nghiệp chủ yếu được hình thành nhờ nguồn vốn chủ sở hữu (249 tỷ đồng) với vốn điều lệ 276 tỷ đồng (chiếm 70% tổng tài sản). Nợ phải trả trong 9 tháng đầu năm giảm nhẹ 6,2% còn mức 143 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 89% và nợ dài hạn chiếm 11%.
![]() | Phát Đạt (PDR) đón thêm tin tốt từ dự án tại Bình Định, tham vọng doanh thu 50.000 tỷ vào năm 2027 Phát Đạt hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho dự án Bắc Hà Thanh, Bình Định và sẵn sàng mở bán trong quý IV/2024. Công ... |
![]() | FPT đầu tư thêm nghìn tỷ vào Smart Cloud: Cuộc chơi lớn với AI và điện toán đám mây FPT tăng vốn cho FPT Smart Cloud từ 200 tỷ lên 1.000 tỷ đồng, đẩy mạnh phát triển AI và điện toán đám mây, phục ... |
![]() | UBCKNN sẽ đình chỉ kiểm toán viên ký báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính của Quốc Cường Gia Lai Các kiểm toán viên của Công ty TNHH Kiểm toán DFK Việt Nam, đơn vị thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2023 ... |
Tiến Nam