Tập đoàn Zhongzhi Enterprise được cho là đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng họ có thể không có khả năng trả các khoản nợ và tổng các khoản phải trả được tính toán vào khoảng 420 tỷ đến 460 tỷ Nhân dân tệ (59-65 tỷ USD). Tổ chức tài chính có trụ sở tại Bắc Kinh này có mối quan hệ rộng với các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc, và do đó, những vấp ngã của các công ty bất động sản đang làm dấy lên lo ngại về sự lây lan trong lĩnh vực này.
Reuters đã đưa tin, trong thư gửi các nhà đầu tư vào thứ Tư (22/11), tập đoàn tiết lộ có tài sản hữu hình trị giá khoảng 200 tỷ Nhân dân tệ (28 tỷ USD). Điều này có nghĩa là sự thiếu hụt tiềm ẩn giữa tổng tài sản có và tổng tài sản nợ lên tới 37 tỷ USD.
Zhongzhi đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Zhongzhi Enterprise Group là một tập đoàn tài chính trong lĩnh vực ngân hàng ngầm của Trung Quốc, hoạt động không theo các quy định chính thức áp dụng đối với các ngân hàng truyền thống. Các tổ chức tài chính này có xu hướng làm việc với các hộ gia đình và khách hàng doanh nghiệp giàu có bằng cách cung cấp các khoản vay và đầu tư vào bất động sản, hàng hóa và trái phiếu. Các ngân hàng ngầm mang lại lợi nhuận cao hơn các ngân hàng lớn được nhà nước hậu thuẫn - thường có lãi suất thấp.
Dấu hiệu rắc rối tại ngân hàng ngầm lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 8 khi các công ty liên kết không thanh toán được một số khoản đầu tư có lãi suất cao. Trong thư của mình, Zhongzhi được cho là đã đổ lỗi cho cái chết của người sáng lập Xie Zhikun vào năm 2021 và sự ra đi sau đó của các giám đốc điều hành cấp cao vì các vấn đề liên quan đến quản lý nội bộ của công ty.
Priyanka Kishore, nhà kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu Asia Decoded cho biết, khả năng Zhongzhi vỡ nợ không phải là điều đáng ngạc nhiên vì những rắc rối được báo cáo vào tháng 8. Tuy nhiên, điều quan trọng là đừng để bị “cuốn theo câu chuyện hạ cánh khó khăn,” bà nói.
Bà giải thích: “Với sự hỗ trợ của chính phủ, nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng hệ thống vẫn ở mức thấp miễn là những sự cố như vậy xảy ra ít và cách xa nhau”. “Khả năng tiềm ẩn xảy ra nhiều vụ vỡ nợ và mất khả năng thanh toán như vậy có thể đã ảnh hưởng đến quyết định của Bắc Kinh trong việc cung cấp hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho lĩnh vực bất động sản, bao gồm cả tài trợ cho một số nhà phát triển bất động sản.”
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 GDP cả nước và các nhà phân tích cảnh báo, những lo ngại về khu vực bất động sản đang góp phần gây ra cuộc khủng hoảng niềm tin của người tiêu dùng. Về phần mình, Bắc Kinh được cho là đang khám phá các biện pháp mới để vực dậy lĩnh vực bất động sản như đưa ra gói kích thích bổ sung ít nhất 140 tỷ USD và cho phép các ngân hàng cung cấp nguồn vốn ngắn hạn không có bảo đảm cho hoạt động hàng ngày của nhà phát triển bất động sản.
Theo Bloomberg, ngay cả khi đang xảy ra cuộc khủng hoảng bất động sản, Zhongzhi, thông qua các chi nhánh, đã cung cấp các khoản vay cho các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn và mua lại tài sản từ các công ty như công ty bất động sản Evergrande.
Cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc bắt đầu vào cuối năm 2021 khi China Evergrande Group, nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới, không trả được nợ bằng đồng đô la. Mối lo ngại về thanh khoản sau đó lan rộng khắp khu vực, khiến các nhà phát triển bất động sản khác cũng rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Các chủ nợ đã tịch thu hai tài sản ở Hồng Kông của Chủ tịch Evergrande Hui Ka Yan, trị giá hơn 192 triệu USD vào ngày 21/11. Nhà phát triển bất động sản này phải đối mặt với một phiên điều trần việc giải thể tại Hồng Kông vào ngày 4/12, điều này có thể khiến công ty có nguy cơ bị thanh lý.
Một nhà phát triển bất động sản lớn khác, Country Garden, lần đầu tiên vỡ nợ bằng đồng đô la vào tháng 10. Đây là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh thu, trước đây được các quan chức coi là hình mẫu.
Theo dữ liệu chính thức, giá nhà mới tại 70 thành phố của Trung Quốc đã giảm 0,4% trong tháng 10 so với tháng trước. Đây là mức giảm hàng tháng mạnh nhất trong 8 năm.
H.Y