Nhà đầu tư chứng khoán cần cảnh giác chiêu lợi nhuận “khủng” Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cảnh báo lừa đảo mạo danh quỹ đầu tư chứng khoán |
Mời gọi với kế hoạch lợi nhuận 368%/năm
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện thủ đoạn lừa đảo nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán bằng các chiêu thức rất tinh vi và bài bản.
Qua mạng xã hội, các đối tượng sử dụng tài khoản TikTok gửi tin nhắn để mời gọi mọi người tham gia học đầu tư chứng khoán. Thậm chí, nhiều đối tượng còn mạo danh là chuyên gia tư vấn tài chính của công ty chứng khoán để mở lớp online.
Tài khoản TikTok có tên V.A mời chào khách hàng: Ông V.V.L được Bộ Kế hoạch và Đầu tư mời. Ông V.V.L là chuyên gia tư vấn đầu tư tài chính cấp cao và chiến lược gia trưởng của Công ty Chứng khoán T. chính thức khai trương Học viện Kinh doanh để chia sẻ kinh nghiệm đầu tư với mọi người.
V.A cho biết, thầy V.V.L sẽ dạy cách tạo dựng và phân bổ vị trí, xây dựng mô hình phân tích cũng như hướng dẫn mọi người cách đầu tư vào thị trường cổ phiếu để tạo ra doanh thu. "Hiện tại có 500 học viên đang trong giai đoạn thử nghiệm các khóa học trực tuyến của Học viện Kinh doanh. Nếu bạn muốn tìm hiểu, vui lòng liên hệ với nhân viên của Học viện qua zalo: 0569501xxx", V.A chia sẻ.
Trong vai khách hàng có nhu cầu đầu tư, phóng viên đã kết bạn zalo với số 0569501xxx. Một tài khoản tên H.A.T đã tư vấn cho khách hàng rất nhiệt tình. Người này khẳng định, đây là lớp học đầu tư miễn phí của thầy Vũ Văn L. ở công ty chứng khoán T.
H.A.T đã xin họ tên và số điện thoại của khách hàng để đăng ký cho vào lớp học. Sau đó, người này gửi thư mời với nội dung rất chuyên nghiệp như: “Khóa học trực tuyến của Học viện kinh doanh T. chính thức khai giảng vào ngày 28/1. Khóa học sẽ mang lại lợi nhuận 368% cho nửa năm 2024. Đào tạo giao dịch chuyên nghiệp, thay đổi tư duy sai lầm, cập nhật giao dịch logic, trau dồi kỹ năng thực chiến, xây dựng mô hình phân tích và tạo hệ thống giao dịch”.
Thư mời tham gia khóa học online |
Đồng thời, người này có gửi khách hàng số tài khoản và mật khẩu truy cập vào website có tên miền “.cc”. Được biết, đuôi website “.cc” là tên miền Internet quốc gia (ccTLD) dành cho quần đảo Cocos và Keeling, lãnh thổ Úc.
Đều đặn gần 20h hàng ngày, H.A.T đều gửi lịch học cho học viên. Theo đó, buổi đầu thầy sẽ giảng về hướng đầu tư trong tương lai, buổi thứ hai chia sẻ về kế hoạch lợi nhuận 368% và buổi thứ ba chia sẻ về “kế hoạch đại bàng".
Trong các buổi học, hệ thống "chim mồi" sẽ liên tục bình luận khen ngợi thầy giảng hay để tạo "hiệu ứng đám đông", dẫn dụ khách hàng hành động theo lời thầy dạy.
Dụ dỗ vào học kế hoạch chia sẻ lợi nhuận 368% |
Vài ngày sau, nhân viên chăm sóc khách hàng tiếp tục chào mời: "Thầy sẽ đưa ra một mã cổ phiếu được bàn bạc kỹ lưỡng và mức độ rủi ro thấp”. Đồng thời, người này còn tạo sự khan hiếm: “Kế hoạch này chỉ áp dụng cho số ít. Chỉ những thành viên tham gia lớp học một thời gian mới được đăng ký”.
Dù khách hàng mới tham gia vài ngày nhưng khi nói có nhu cầu đầu tư thì người này nói sẽ hỗ trợ đăng ký và yêu cầu khách hàng gửi thông tin chi tiết: Họ tên, số điện thoại, giới tính, thời gian tham gia, số tiền tham gia…
Chiêu thức "vặt lông gà"
Theo tìm hiểu của phóng viên, các chiêu thức dụ nhà đầu tư vào livestream, các đối tượng sẽ tìm đủ mọi cách để "vặt lông gà".
Các đối tượng thường sử dụng chiêu thức chia sẻ những mã cổ phiếu vốn hóa nhỏ, ít thanh khoản để kéo giá. Các đối tượng có thể "mượn" dòng tiền số đông nhỏ lẻ bằng cách phím những mã này trong những phiên livestream, mục đích để đẩy giá cổ phiếu. Trong khi đó, những cổ phiếu này đã được một số "cá mập" mua trước đó. Trong quá trình giá lên, "đội lái" sẽ phân phối, chốt lời dần.
Bên cạnh đó, một số đối tượng còn tạo giả mạo website của doanh nghiệp. Sau đó, dụ dỗ khách hàng mua cổ phiếu thưởng của doanh nghiệp với giá thấp hơn thị trường rất nhiều. Nhiều trường hợp nộp tiền mua số cổ phiếu này thì không thể lấy lại được tiền nữa, các đối tượng cũng "lặn mất tăm".
Thậm chí các đối tượng còn dụ dỗ khách hàng tham lam và kém hiểu biết chuyển sang đầu tư vào các sàn Bitcoin. Theo đó, các đối tượng sẽ dụ dỗ người học nạp tiền vào tài khoản trên sàn ảo do chính họ tạo ra. Trong thời gian đầu, họ sẽ can thiệp để tài khoản khách hàng tăng mạnh, kích thích lòng tham và tiếp tục dụ dỗ khách hàng rót thêm tiền.
Kêu gọi vào livestream để học về chứng khoán nhưng "thầy" lại chuyển sang đào tạo về Bitcoin |
Khi khách hàng muốn rút tiền ra khỏi sàn thì các đối tượng yêu cầu phải nộp thêm tiền phụ phí. Tuy nhiên, khi khách hàng đóng tiền phí thì cũng không thể rút được. Đến khi khách hàng không nạp tiền vào nữa, các đối tượng sẽ cho tài khoản sụt giảm mạnh, dẫn đến "cháy" tài khoản. Khi thu xong "mẻ lưới", các đối tượng sẽ cho sập sàn giao dịch ảo và xóa dấu vết, tiếp tục đi lừa những trường hợp khác.
Thời gian qua, Báo Công Thương cũng đã đăng nhiều bài viết phản ánh về tình trạng nhiều người bị dụ dỗ tham gia các group, đầu tư theo chuyên gia online, nạp tiền vào sàn ảo dẫn đến mất tiền. Tuy nhiên, trình trạng này vẫn tiếp tục tồn tại và các hình thức "lùa gà" ngày càng tinh vi hơn.
Thế Hoàng