Giải mã những ẩn số và hai kịch bản cho thị trường chứng khoán quý 3
Trong bối cảnh chính sách tiền tệ nới lỏng, đầu tư công được đẩy mạnh và kỳ vọng nâng hạng thị trường vẫn hiện hữu, chứng khoán quý 3 được đánh giá còn nhiều cơ hội. Tuy nhiên, thị trường vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro, đặc biệt là các yếu tố liên quan đến thuế quan, có thể tạo áp lực không nhỏ lên diễn biến của VN-Index.
Thị trường chứng khoán quý 3 đối diện hai kịch bản chính xoay quanh kết quả đàm phán thuế quan với Mỹ. Bên cạnh rủi ro bên ngoài, kỳ vọng vào tăng trưởng nội địa, chính sách tài khóa mở rộng và đầu tư công tiếp tục là điểm tựa. Nhà đầu tư nên tập trung vào nhóm ngân hàng, chứng khoán, đầu tư công và công nghệ – những lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng từ thuế và có định giá hấp dẫn.

VN-Index có thể lùi về vùng hỗ trợ 1.240 điểm
Thị trường chứng khoán quý 3 bước vào giai đoạn nhiều ẩn số sau khi VN-Index kết thúc quý 2 với những biến động mạnh. Cú sụt gần 200 điểm đầu tháng 4 do lo ngại thuế quan từ Mỹ, rồi lập kỷ lục tăng điểm lịch sử khi thông tin tạm hoãn thuế 90 ngày, đã khiến nhà đầu tư thận trọng hơn nhưng cũng nuôi kỳ vọng về dư địa phục hồi.
Theo ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Yuanta Việt Nam, ba yếu tố chính sẽ chi phối thị trường trong quý này gồm: chính sách thuế quan từ Mỹ, lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed và khả năng nâng hạng thị trường. Trong đó, thuế quan là ẩn số lớn nhất, có thể ảnh hưởng đến lạm phát và quyết định lãi suất. Trường hợp Fed chưa cắt giảm như kỳ vọng vì áp lực lạm phát tăng, thị trường có thể chịu tác động tiêu cực.
Dưới góc độ kỹ thuật và tâm lý, ông Minh dự báo hai kịch bản cho thị trường:
Kịch bản tích cực: Nếu đàm phán thuế quan có tiến triển tốt, VN-Index có thể hướng tới mốc 1.400 điểm, duy trì tâm lý kỳ vọng tích cực và dòng tiền ổn định.
Kịch bản trung tính hoặc tiêu cực: Nếu mức thuế áp dụng cao hơn mặt bằng khu vực, VN-Index có thể rơi xuống vùng 1.300 điểm hoặc thấp hơn, khi nhà đầu tư lo ngại mất lợi thế cạnh tranh xuất khẩu.
Trong khi đó, Mirae Asset nhận định, yếu tố nội tại như tăng trưởng GDP, đầu tư công, tiêu dùng nội địa và chính sách tài khóa tiếp tục là điểm tựa. Tuy nhiên, nếu đàm phán thuế quan không đạt kết quả tích cực, VN-Index có thể lùi về vùng hỗ trợ quanh 1.240 điểm trong quý 3, nhất là khi dòng vốn FDI dài hạn vẫn phụ thuộc vào triển vọng thương mại Việt – Mỹ.
Ngành ngân hàng, chứng khoán, đầu tư công và công nghệ dẫn dắt thị trường
Bước sang quý 3, chuyên gia Yuanta cho rằng, bốn nhóm ngành tiềm năng sẽ tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt: ngân hàng – chứng khoán – bất động sản – công nghệ.
Ngân hàng: Định giá P/B hấp dẫn dưới 1,5, biên lãi ròng cải thiện và lãi suất thấp là nền tảng hỗ trợ. Một số mã đáng chú ý: TCB, MBB, CTG.
Chứng khoán: Định giá thấp, giao dịch đi ngang tạo dư địa tăng. Việc nâng hạng thị trường và khả năng hồi phục mảng môi giới, tự doanh là động lực chính.
Bất động sản: 2025 được xem là năm bản lề khi thanh khoản và huy động vốn cải thiện. Tuy nhiên, thị trường cần giải bài toán cầu – người mua sẽ chỉ trở lại nếu giá bán điều chỉnh hợp lý.
Công nghệ và bán lẻ: Là nhóm ít chịu ảnh hưởng từ thuế quan. Dù cổ phiếu công nghệ từng tăng mạnh, định giá hiện tại đã điều chỉnh hợp lý. Khi thị trường công nghệ Mỹ hồi phục, nhóm này tại Việt Nam cũng được kỳ vọng khởi sắc.
Đặc biệt, nhóm đầu tư công có nhiều lợi thế khi Chính phủ đẩy mạnh giải ngân vốn sau giai đoạn đầu năm chậm. Mặt bằng lãi suất thấp giúp giảm chi phí tài chính, trong khi giá nguyên vật liệu vẫn ở vùng thấp, là điều kiện thuận lợi cho biên lợi nhuận doanh nghiệp xây lắp, hạ tầng.
Công ty Chứng khoán Vietcap cũng đưa ra chiến lược đầu tư nửa cuối năm, ưu tiên cổ phiếu trong nhóm:
Ngân hàng: MBB, TCB, STB, CTG, VCB, VPB
Công nghệ – tiêu dùng: FPT, FRT, MWG, PNJ, MSN
Hạ tầng – bất động sản – khu công nghiệp: HPG, KDH, NLG, IDC, KBC
Dầu khí – điện – vật liệu: PVD, PVS, HDG, BMP, QTP, TLG
Nhìn chung, trong bối cảnh chính sách tiền tệ được nới lỏng, đầu tư công được ưu tiên và kỳ vọng nâng hạng thị trường tiếp tục hiện hữu, thị trường chứng khoán quý 3 vẫn có nhiều cơ hội dù cần linh hoạt theo từng kịch bản chính sách và dòng tiền.