Theo báo cáo vĩ mô và thị trường tháng 11 của Công ty chứng khoán BIDV – BSC, tâm lý tiêu cực tiếp tục kéo dài đến giữa tháng khiến VN-Index mất mốc 900 điểm và tiến đến sát ngưỡng 870. Tuy nhiên dòng tiền mạnh mẽ đến từ khối ngoại, nhất là các ETF giúp tâm lý tích cực chiếm ưu thế, chỉ số bứt phá ấn tượng khi kết thúc tháng và chính chức tiệm cận ngưỡng 1.050 điểm.
BSC cho rằng, VN-Index sẽ quay trở lại vùng 1.180 – 1.200 điểm.Hình minh họa |
VN-Index tăng 1,99% trong khi HNX-Index giảm 0,78% so với tháng 10. Kết thúc tháng 11, VN-Index đã thiết lập vùng đáy mới trong năm tại 873,78 điểm, tương đương với thời điểm trước khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra vào tháng 3/2020.
P/E VN-Index kết thúc tháng 11 ở mức 10,99 lần, tăng 2,18% so với tháng 10, mặc dù có sự cải thiện, đây vẫn là mức định giá thấp tương đương giai đoạn tháng 3/2020. P/E VN-Index xếp thứ 4 của châu Á, trong khi P/E HNX-Index ở mức 13,34 lần - đứng thứ 8 khu vực.
Giá trị giao dịch bình quân tháng 11 đạt 517,8 triệu USD/phiên. Khởi đầu tháng 12, thanh khoản cũng có sự cải thiện rõ nét khi phiên 1/12 ghi nhận thanh khoản khớp lệnh vượt 24.000 tỷ đồng/phiên trên 3 sàn. Thanh khoản dự báo dao động ở mức 0,6 - 0,7 tỷ USD/phiên khi VN-Index hướng đến vùng 1.180 – 1.200 điểm.
Đà giảm điểm trên diện rộng và nhịp hồi phục mãnh mẽ từ giữa tháng đã giúp 4/11 nhóm ngành cấp 1 tăng điểm trong tháng 11. Tâm lý tích cực lan tỏa khi khối ngoại giải ngân mạnh mẽ đã giúp diễn biến các nhóm ngành bớt phần tiêu cực hơn so tháng trước.
Nhóm ngân hàng, hàng tiêu dùng, dược phẩm và y tế là 3 nhóm ngành tăng điểm tốt nhất với mức tăng lần lượt 5,63%, 2,65% và 0,91%. Nhóm ngành viễn thông, dịch vụ tiêu dùng và dầu khí là 3 nhóm ngành có mức giảm mạnh nhất với tỷ lệ mất giá lần lượt là 12,92%, 9,32% và 6,34%.
Có 3/11 nhóm ngành có P/E dưới mức P/E thị trường gồm dầu khí, nguyên vật liệu, ngân hàng và 4/11 ngành có P/B cao hơn so với tháng 10 gồm công nghiệp, hàng tiêu dùng, dược phẩm và y tế, ngân hàng.
Vốn hóa toàn thị trường tháng 11 tăng nhẹ 0,8% so với T10, ghi nhận sự hồi phục sau 2 tháng giảm liên tiếp trước đó. Tuy nhiên giá trị vốn hóa vẫn giảm trên 30% so với thời điểm 31/12/2021 do thị trường vẫn đang trong xu hướng giảm.
Thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức khả quan mặc dù có sự giảm nhẹ so với T10. Thanh khoản tăng tốt vào giai đoạn cuối tháng, đặc biệt ngày 29/11 ghi nhận GTGD khớp lệnh trên HSX vượt mốc 18 nghìn tỷ/phiên – điều này được ủng hộ phần lớn đến từ dòng tiền nước ngoài.
Thị trường ghi nhận chuỗi 05 phiên tăng điểm liên tiếp kèm thanh khoản tốt (từ ngày 24/11 đến ngày 30/11) – động lực quan trọng để chỉ số hướng đến những vùng cao hơn.
Giá trị giao dịch bình quân tháng 11 đạt 517,8 triệu USD/phiên. Khởi đầu tháng 12, thanh khoản cũng đã có sự cải thiện rõ nét khi phiên 01/12 ghi nhận giá trị giao dịch khớp lệnh vượt 24 nghìn tỷ/phiên trên 3 sàn. Theo đó, BSC dự báo thanh khoản dao động ở mức 0,6-0,7 tỷ USD/phiên khi VN-Index hướng đến vùng 1.180 – 1.200 điểm.
Về khối ngoại, trái ngược với 2 tháng bán ròng trước đó khối ngoại đã quay trở lại mạnh mẽ trong tháng 11. Thị trường chứng kiến đà mua ròng miệt mài của khối này khi chỉ số giảm sâu điều này góp phần tạo đà tâm lý tích cực cho thị trường trong nửa cuối tháng 11.
Trong tháng 11, khối ngoại mua ròng 15.975 tỷ đồng và ghi nhận sự mua ròng 11.339 tỷ đồng trong 12 tháng gần nhất. VHM, STB và KDH là 3 mã được khối ngoại tập trung mua ròng nhiều nhất lần lượt 1.726, 1.320 và 1.170 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại HPX, NVL và DXG là 03 mã bán ròng với giá trị lớn nhất lần lượt là 326.141 và 137 tỷ đồng.
Các ETF ngoại và nội như Fubon, Diamond, VNM, FTSE, E1… mua ròng mạnh mẽ trong khi NĐT cá nhân trong nước bán ròng. Thông tin quỹ ngoại ETF Fubon được chấp thuận tăng quy mô thêm 160 triệu USD và bắt đầu giải ngân từ cuối tháng 11 - đây sẽ là động lực để khối ngoại có thể tiếp tục duy trì đà mua ròng khi FED đã phát tín hiệu sẽ bắt đầu giảm nhịp độ tăng lãi suất từ tháng 12/2022.
Nhận định về diễn biến thị trường tháng 12, BSC đưa ra 2 kịch bản cho VN-Index:
Với kịch bản 1, dòng tiền khối ngoại tiếp tục duy trì đà mua ròng mạnh mẽ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực lan tỏa trên thị trường. Thông điệp giảm nhịp độ tăng lãi suất của Fed kể từ tháng 12/2022 sau dữ liệu lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu tạo đỉnh và các động thái từng bước gỡ bỏ các biện pháp chống dịch COVID-19 tại Trung Quốc sẽ tạo tiền đề thuận lợi để chính phủ thực thi các biện pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong nước.
Giải ngân vốn đầu tư công được khẩn trương triển khai trong tháng cuối cùng bên cạnh những tín hiệu lạc quan về thị trường trái phiếu sẽ tạo động lực để VN-Index quay trở lại vùng 1.180 – 1.200 điểm.
Kịch bản 2, diễn biến trên thị trường trái phiếu chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc rõ nét, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và giải ngân đầu tư công chưa được như kỳ vọng.
Mặt khác đà tăng ròng của khối ngoại chậm lại bên cạnh tâm lý chốt lời lấn át sự hồi phục tích cực trước đó sẽ khiến VN-Index có thể quay trở lại kiểm tra ngưỡng 1.000 điểm. Nếu xuất hiện những thông tin và diễn biến bất lợi trong nước cũng như trên thế giới, VN-Index có thể lui về các vùng điểm thấp hơn đã thiết lập trước đó.
Hồng Quân