Nỗ lực cân bằng cán cân thương mại
Chiều 1/4/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược. Ngay trong buổi chiều cùng ngày, bản dự thảo đã được công bố rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương và Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến góp ý của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
![]() |
Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương cho biết, xuất nhập khẩu đã và đang là điểm sáng của nền kinh tế nước ta khi dần tiệm cận mức 800 tỷ USD. Theo Cục Thống kê – Bộ Tài chính, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá 2 tháng đầu năm 2025 đạt 127,07 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu tăng 8,4%; nhập khẩu tăng 15,9%, đây là những kết quả rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, xuất nhập khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với những rủi ro lớn như tình hình thâm hụt thương mại với một số thị trường trọng điểm của Việt Nam. Điều này khiến cho hoạt động xuất nhập khẩu còn tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững cũng như đặt hàng hoá xuất khẩu trước những rủi ro không đáng có về rào cản phòng vệ thương mại của nước sở tại.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công Thương đã triển khai rất nhiều giải pháp nhằm từng bước tiến tới cân bằng cán cân thương mại với các thị trường.
Đơn cử, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/NĐ-CP ngày 31/3/2025 sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi; Danh mục hàng hoá và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Trong đó, đã đưa thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng về mức 0 – 5%, trong đó có nhiều mặt hàng như gỗ, bột đậu tương, khí tự nhiên…
![]() |
Bộ Công Thương luôn nỗ lực triển khai các giải pháp cân bằng cán cân thương mại (Ảnh minh họa: Cấn Dũng) |
Bên cạnh đó, vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết với đối tác Hoa Kỳ các hợp đồng, thỏa thuận sẽ triển khai từ năm 2025 với giá trị 50,15 tỷ USD, tập trung vào mua sắm máy bay, dịch vụ hàng không, khai thác dầu khí, nhập khẩu các sản phẩm lọc hóa dầu… Việc nhập khẩu các mặt hàng này sẽ giúp tiến tới dần cân bằng cán cân thương mại với Hoa Kỳ.
Nhanh nhạy trong phản ứng chính sách
TS Lê Quốc Phương chỉ rõ, Việt Nam với vị thế là quốc gia có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh, trong top 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất, có quan hệ thương mại với hầu hết các quốc gia và có danh mục mặt hàng xuất nhập khẩu đa dạng, càng được quan tâm đề nghị xây dựng khung pháp lý về kiểm soát thương mại chiến lược, đưa vào các chương trình phối hợp song phương.
“Trong bối cảnh đó, tôi đánh giá rất cao việc chiều ngày 1/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược. Ngay trong buổi chiều cùng ngày, bản dự thảo đã được công bố rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương và Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến góp ý của người dân và cộng đồng doanh nghiệp” – TS Lê Quốc Phương cho biết.
Theo đó, vị chuyên gia này đánh giá, nếu như quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trước đây của các bộ ngành nhìn chung tốn rất nhiều thời gian và qua nhiều bước, song dự thảo nghị định này được xây dựng và công bố lấy ý kiến rộng rãi trong thời gian rất ngắn đã cho thấy sự nhanh nhạy trong việc phản ứng chính sách của Bộ Công Thương.
“Bộ Công Thương đã rất nhanh ở một vấn đề đang “nóng”, tôi hy vọng các Bộ ngành khác cũng sẽ có thể nhanh nhạy tương tự, sớm cho ý kiến để có thể ban hành văn bản rất quan trọng này” – TS Lê Quốc Phương nói.
Đánh giá về dự thảo nghị định này, TS Lê Quốc Phương cho rằng, điểm khó trong việc xây dựng văn bản là các quốc gia thuộc khu vực ASEAN chưa nước nào xây dựng một văn bản với nội dung tương tự. Điều này khiến Việt Nam khó khăn trong xây dựng văn bản. Tuy nhiên Việt Nam đã chủ động đề xuất các cơ chế kiểm soát, phối hợp song phương nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận về xuất xứ hàng hóa, đảm bảo tuân thủ nghiêm túc các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các FTA thế hệ mới.
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng góp ý nội dung văn bản cần rõ ràng hơn về vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, dự thảo Nghị định cần quy định chế tài xử phạt rõ ràng hơn đối với các doanh nghiệp nếu có vi phạm.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc về việc thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị định quy định về kiểm soát thương mại chiến lược của Việt Nam, ngay trong chiều ngày 1/4/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, việc khẩn trương xây dựng và ban hành Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi Việt Nam đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng một nền kinh tế hiện đại, bền vững và có sức cạnh tranh cao trên trường quốc tế. |