KienlongBank chuyển lỗ thành lãi nhờ có khách hàng bí ẩn "gánh nợ"?

19/05/2021 - 20:46
(Bankviet.com) Kết thúc quý 1/2021, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) bất ngờ tăng trưởng lợi nhuận lên 3 con số (1.131%), lãi cao gấp 70 lần so với cùng kỳ năm 2021...

Tính đến ngày 31/3/2021, lợi nhuận trước thuế của Kienlongbank ước khoảng 702 tỷ đồng, tăng vọt trong ngày cuối cùng của tháng 3, hoàn thành hơn 70% kế hoạch cả năm 2021. Mức tăng lợi nhuận bất ngờ này thực tế không nằm ngoài dự tính của nhiều người.

Bởi trước đó, vào ngày 29/3/2021, KienlongBank đã phối hợp với khách hàng xử lý toàn bộ tài sản đảm bảo là hơn 176 triệu cổ phiếu STB của Sacombank (tương tương 9,34% tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết của Sacombank) của khoản nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) 1.529 tỷ đồng.

Đáng chú ý, đây cũng là thời điểm Kienlongbank hoàn thành báo cáo tài chính có kiểm toán năm 2020 và kết thúc Đề án tái cơ cấu ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Đặc biệt, ngay sau đó, cổ phiếu STB bắt đầu leo dốc tăng mạnh.

Không rõ, khách hàng nào đã mua lại số lượng cổ phiếu khủng trên vào phút chót, nhưng điều này đã giúp thu nhập lãi của Kienlongbank trong quý 1/2021 đạt 2.166 tỷ đồng, tăng 117% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cũng giảm mạnh còn 1,2% (giảm 3,2% so với thời điểm cuối năm 2020).

Tổng lãi phải thu từ hoạt động tín dụng của ngân hàng đạt 509 tỷ đồng. Trong khi đó, tỷ lệ lãi dự thu trên tổng dư nợ vẫn khá cao với 1,42%.

Như vậy, nếu không có khoản thu từ thanh lý nợ xấu trên, thu nhập lãi thuần của Kienlongbank không có tăng trưởng tích cực nhiều so với cùng kỳ năm trước, tình hình kinh doanh tín dụng vẫn duy trì ở mức thấp so với các ngân hàng khác trong hệ thống.

Khả năng cao là sau quý 1, kết quả kinh doanh của Kienlongbank lại quay trở lại mức “nhạt nhòa” vốn có trước đây, trừ phi ngân hàng có chiến lược kinh doanh mới và hiệu quả.

Trong Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021, Kienlongbank đã trình cổ đông Phương án tăng vốn điều lệ từ 3.237 tỷ đồng lên 3.653 tỷ đồng.

Kienlongbank bầu Chủ tịch HĐQT, KSBank lộ diện

Vào đầu tháng 5, Ngân hàng Kiên Long đã tổ chức cuộc họp thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018 - 2022 với nhiều nội dung quan trọng về nhân sự. Theo đó, bà Trần Thị Thu Hằng sẽ thay ông Lê Hồng Phương giữ chức Chủ tịch HĐQT Kienlongbank.

Tại cuộc họp, các thành viên HĐQT đã thông qua Đơn từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Kienlongbank nhiệm kỳ 2018 - 2022 của ông Lê Hồng Phương theo nguyện vọng cá nhân, đồng thời nhất trí bầu bà Trần Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch HĐQT, giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Kienlongbank nhiệm kỳ 2018 – 2022. Trong thời gian hoàn tất các thủ tục liên quan (từ 3/5 đến hết ngày 25/5/2021), bà Trần Thị Thu Hằng sẽ đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch HĐQT phụ trách hoạt động của HĐQT Kienlongbank.

Trước đó, vào ngày 29/4 Ngân hàng TMCP Kiên Long cũng đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021.

Tại đại hội, các cổ đông đã thông qua Tờ trình về việc bổ sung tên KSBank nhằm phù hợp với mục tiêu số hóa của ngân hàng trong giai đoạn mới. Như vây, sau khi được NHNN phê duyệt, KSBank sẽ trở thành tên gọi chính thức của Ngân hàng TMCP Kiên Long.

Sau khi được NHNN Việt Nam phê duyệt, KSBank sẽ chính thức trở thành tên gọi mới được bổ sung của Ngân hàng TMCP Kiên Long

Cùng với đó, ĐHĐCĐ cũng thống nhất thông qua các nội dung tăng vốn điều lệ (từ 3.237 tỷ đồng lên 3.653 tỷ đồng) cũng như chỉ tiêu kế hoạch hoạt động của Kienlongbank (KSBank) năm 2021 với tổng tài sản hợp nhất là 66.800 tỷ đồng (tăng 16,62%); tổng nguồn vốn huy động là 59.400 tỷ đồng (tăng 14,08%); tổng dư nợ cấp tín dụng là 44.600 tỷ đồng (tăng 28,47%); lợi nhuận trước thuế là 1.000 tỷ đồng.

Linh Đan (TH)

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán