Tăng trưởng xanh - Xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược
Phát biểu tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung khẳng định tăng trưởng xanh là xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược. Các quốc gia trên thế giới ngày càng nhận thức sâu sắc về yêu cầu bức thiết để phát triển bền vững, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường là phải chuyển mạnh mẽ sang định hướng tăng trưởng xanh. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.
Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm rất cao trong định hướng tăng trưởng xanh thông qua việc tham gia và thực hiện nhiều cam kết quốc tế về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu, trong đó quan trọng nhất là Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, tham gia tích cực các Diễn đàn về phát triển bền vững, các Hội nghị COP hàng năm với cam kết hết sức có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Để triển khai hiệu quả, thực chất các cam kết toàn cầu ở quy mô quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và quyết liệt tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, đạt được nhiều kết quả nổi bật trong cả 3 khu vực của nền kinh tế.
Một trong những kết quả nổi bật nhất trong định hướng tăng trưởng xanh của Việt Nam là trong lĩnh vực tài chính xanh, tín dụng xanh với tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Dư nợ tín dụng xanh đã tăng từ 71 nghìn tỷ đồng vào năm 2015 lên gần 8 lần, đạt 564 nghìn tỷ đồng năm 2023, chiếm 4,4% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế.
Kết quả trên thể hiện sự nghiêm túc, trách nhiệm và quyết liệt của Việt Nam trong tiến trình tăng trưởng xanh toàn cầu. Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho rằng để các cam kết toàn cầu đạt được các kết quả tích cực, thực chất, các quốc gia cần tham vấn chính sách, phối hợp hành động chặt chẽ hơn nữa trong cả ngắn hạn và dài hạn, trong đó, sự phối hợp để xây dựng và triển khai chiến lược huy động tài chính cho tăng trưởng xanh phù hợp với cấu trúc của hệ thống tài chính toàn cầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Đối với cấu trúc của hệ thống tài chính toàn cầu, Thứ trưởng cũng cho rằng, đã đến thời điểm chín muồi để cùng thảo luận về định hướng hoàn thiện, trong đó tiếng nói của các quốc gia đang phát triển cần được lắng nghe và thể hiện trong các cam kết thu xếp tài chính toàn cầu.
Cải cách cấu trúc tài chính toàn cầu nhằm đảm bảo nguồn vốn đến được đúng nơi, đúng lúc
Tại phiên thảo luận, các đại biểu quốc tế đã có những phát biểu đóng góp sâu sắc cho phiên thảo luận. Kêu gọi tăng cường công bằng tài chính và tạo điều kiện tiếp cận tài chính xanh cho mọi quốc gia, bà Rebeca Grynspan, Tổng Thư ký Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) nhấn mạnh vai trò then chốt của việc cải cách cấu trúc tài chính toàn cầu nhằm đảm bảo nguồn vốn đến được đúng nơi, đúng lúc, đặc biệt tại các nước đang phát triển.
Tại phiên thảo luận, các diễn giả gồm: ông Chuop Paris, Thứ trưởng Bộ Môi trường Campuchia; ông Chung Keeyong, Thứ trưởng kiêm Đại sứ về Biến đổi khí hậu Hàn Quốc; bà Amelia Tang, Thứ trưởng Văn phòng Thủ tướng Singapore; ông Kees van Baar, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác công - tư và sự cần thiết của việc kết nối chính sách giữa các nước trong khu vực, hướng đến việc hình thành một hành lang tài chính xanh xuyên biên giới tại châu Á; cũng như sự cần thiết trong việc chia sẻ kinh nghiệm thành công của nhóm nước ASEAN trong việc thiết kế các gói khuyến khích tài chính cho phát hành trái phiếu xanh và tín dụng bền vững và đề xuất mở rộng hợp tác khu vực để đồng phát triển các chuẩn mực chung về tài chính xanh.
Các diễn giả cũng mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư dài hạn và tiếp cận tài chính với chi phí hợp lý; đồng thời, khẳng định cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong chuyển đổi xanh, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý nước và nông nghiệp thông minh với khí hậu.
Đại diện các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới, ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào nhấn mạnh nhu cầu tài chính to lớn của Việt Nam để thực hiện lộ trình phát thải ròng bằng 0, ước tính lên tới 368 tỷ USD đến năm 2040.
Đại diện các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới như HSBC, MUFG Bank,… cũng chỉ ra những hạn chế trong hệ thống tài chính hiện tại như: tín dụng xanh chiếm chưa tới 5% tổng dư nợ, thị trường trái phiếu khí hậu chưa phát triển, và kêu gọi các giải pháp như cải thiện quy định, thúc đẩy công cụ tài chính sáng tạo như trái phiếu xanh dương…
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng chia sẻ một loạt sáng kiến đột phá như: Cơ sở Tài chính Khí hậu Đổi mới (Innovative Finance Facility for Climate) có thể hỗ trợ lên đến 36 tỷ USD/năm cho các nước; Chương trình GSS+ Bonds hỗ trợ phát hành hơn 3,5 tỷ USD trái phiếu xanh, xã hội và bền vững; đồng thời, hỗ trợ thiết lập tiêu chuẩn ASEAN về quỹ đầu tư có trách nhiệm. Những sáng kiến này đang góp phần thúc đẩy nguồn vốn trong và ngoài nước cho tài chính xanh.
Các diễn giả cũng nhấn mạnh khoảng cách tài chính xanh trên toàn cầu vẫn còn lớn do dòng chảy tài chính khí hậu quốc tế còn hạn chế, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Cần có các nguồn vốn mang tính khơi nguồn (catalytic finance), nâng cao năng lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và giải quyết khoảng cách giới trong tiếp cận tài chính xanh. Việc đồng bộ hóa hệ thống taxonomy là quan trọng, nhưng điều cốt lõi là làm sao để các dự án chuyển đổi trở nên hấp dẫn với nhà đầu tư. Vai trò của các ngân hàng phát triển đa phương và chính phủ trong việc chia sẻ rủi ro, đồng thời đề xuất cơ chế tài chính thông minh, linh hoạt để thu hút vốn tư nhân vào quá trình chuyển đổi xanh.
Minh Nhật