Kinh nghiệm xây dựng Trung tâm Đổi mới Sáng tạo

03/05/2022 - 03:04
(Bankviet.com) (thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết nghiên cứu, đánh giá tổng quan về các mô hình đổi mới sáng tạo trên thế giới (trong đó có Việt Nam), rút ra các nét tương đồng cơ bản và trọng yếu của vai trò Trung tâm Đổi mới sáng tạo tại các nước.

Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu, đánh giá tổng quan về các mô hình đổi mới sáng tạo trên thế giới (trong đó có Việt Nam), rút ra các nét tương đồng cơ bản và trọng yếu của vai trò Trung tâm Đổi mới sáng tạo tại các nước. Bài viết cũng xem xét các yếu tố về sứ mệnh, chức năng chính, mô hình tổ chức và vận hành, các nguyên tắc thiết kế quan trọng cho không gian chức năng của Trung tâm Đổi mới sáng tạo và đề xuất các nội dung tổng hợp trọng yếu nhất làm nền tảng cho việc kiến tạo không gian đổi mới sáng tạo tầm vóc địa phương hoặc quốc gia. Các yếu tố về cấu trúc sở hữu cũng được nhấn mạnh nhằm đảm bảo cho việc kêu gọi các nguồn lực mang tính chất bền vững, hỗ trợ cho sự phát triển của Trung tâm Đổi mới sáng tạo.

Experience in building Innovation Center

Abstract: The article provides an overview research of innovation models in the world (including Vietnam), draws out several basic and important similarities of roles of Innovation Center in some countries. The article also takes into consideration several elements such as mission, main functions, organizational and operational models, important design principles for the functional space of the Innovation Center, at the same time, proposes the most fundamental foundations for the creation of innovation space at local or national level. The elements of ownership structure are also emphasized to ensure the availability of sustainable resources, supporting the development of the Innovation Center.

1. GIỚI THIỆU

Trung tâm Đổi mới sáng tạo xuất hiện và phát triển ngày càng nhiều không chỉ ở các nước phát triển (Hoa Kỳ, Đức, Anh, các quốc gia Bắc Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,...), mà cả ở các quốc gia đang phát triển.

1.1. Trung tâm Đổi mới sáng tạo điển hình tại các nước

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là sự kết nối tương tác và hợp tác cùng phát triển giữa các thành phần, gồm: cộng đồng doanh nghiệp (doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp lớn/dẫn dắt…), các tổ chức nghiên cứu - phát triển (trường đại học, viện nghiên cứu…), các tổ chức hỗ trợ trực tiếp (cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, nhà đầu tư cá nhân, quỹ đầu tư…), các tổ chức hỗ trợ gián tiếp (truyền thông, tổ chức sự kiện, tổ chức cuộc thi, đào tạo – tư vấn – huấn luyện/cố vấn kinh doanh…), và các cơ quan Nhà nước (ban hành chính sách, kiến tạo môi trường hỗ trợ hệ sinh thái phát triển…).

Mô hình tiêu biểu ở châu Á là Blk71 - khu hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp tại Singapore. Blk71 là tòa nhà công nghiệp cũ được chính phủ Singapore cải tạo nhằm tập trung một số lượng lớn startups vào một địa điểm chung, cùng với các quỹ đầu tư, vườn ươm, trường đại học. Tòa nhà chuyên cung cấp cho các dự án và doanh nghiệp không gian làm việc chung, văn phòng, phòng họp, khu vực tổ chức các sự kiện hằng tuần, các hội nghị và triển lãm quy mô lớn, không gian ươm tạo có diện tích 17.000 m², và thường hỗ trợ từ 200 – 250 startups trong một thời điểm cùng với 23 vườn ươm và quỹ đầu tư, cũng như 20 trường Đại học Quốc tế.

Tại châu Âu, Station F Campus là khu nhà ga đường sắt cũ được cải tạo thành khuôn viên quy tụ hệ sinh thái startup tại Paris. Khuôn viên này cung cấp cho các dự án và doanh nghiệp không gian làm việc chung, văn phòng, phòng họp, khu vực tổ chức các sự kiện hằng tuần, các hội nghị và triển lãm quy mô lớn, không gian ươm mầm và khu căn hộ cho thuê dùng chung. Station F hoàn thành vào tháng 6/2017 có diện tích 34.000m2 và có khoảng 1.000 startups chia sẻ không gian làm việc tại đây cùng với các công ty công nghệ lớn (Facebook, TechShop) và các vườn ươm lớn (Plug & Play + BNP Paribas, KIMA Ventures) của thế giới. Station F được mở ngay sát tại trung tâm của Paris, trong khu vực Quận 13, với hệ thống giao thông công cộng rất thuận tiện cho việc di chuyển.

Như vậy, có thể thấy, xu hướng và nguyên tắc thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các nước là:

- Sử dụng một không gian lớn hoặc các không gian ở cạnh nhau để quy tụ một số lượng lớn các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp.

- Cung cấp không gian hoạt động và làm việc không chỉ cho các startup, mà còn cho các thành phần khác của hệ sinh thái: quỹ đầu tư, vườn ươm, công ty công nghệ lớn, trường Đại học.

- Được đầu tư bài bản và hỗ trợ đầy đủ các không gian chức năng, cơ sở hạ tầng và kỹ thuật cho quá trình hoạt động của các dự án khởi nghiệp.

- Có vị trí ở trung tâm, gần với hệ thống các trường đại học và trung tâm kinh tế của thành phố.

- Có hạ tầng giao thông và hệ thống giao thông công cộng thuận tiện để di chuyển.

- Có các vườn ươm, quỹ đầu tư, doanh nghiệp công nghệ lớn cùng hoạt động trong không gian chung.

1.2. Mô hình Trung tâm Đổi mới sáng tạo trong nước

Tại Việt Nam, Chính phủ ban hành Quyết định số 1269/ QĐ-TTg ngày 02/10/2019 về việc Thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được thành lập nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp nhận và áp dụng công nghệ, nhất là công nghệ của Cách mạng Ccông nghiệp 4.0 cho các doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo trên phạm vi quốc gia; góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Với mục tiêu đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được thành lập nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ sau đây:

- Thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển công nghệ bằng các hoạt động: giới thiệu, trình diễn các công nghệ mới, nhất là công nghệ Cách mạng Công nghiệp 4.0.

- Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp bằng các hoạt động: xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh, tạo môi trường thuận lợi nhất có thể cho doanh nghiệp.

- Thử nghiệm các chính sách, thể chế vượt trội; tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hấp dẫn đủ sức cạnh tranh trong khu vực để thu hút nhân tài, thu hút đầu tư đổi mới sáng tạo, khuyến khích và hỗ trợ nghiên cứu phát triển và khởi nghiệp sáng tạo.

Tại TP. Hồ Chí Minh, đề án thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP. Hồ Chí Minh, thực hiện chức năng hỗ trợ, kết nối hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; là đầu mối phối hợp các tổ chức liên quan để triển khai các nhiệm vụ, dự án nằm trong các chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng như hỗ trợ khối trường - viện và doanh nghiệp thương mại hóa, phát triển sản phẩm, dịch vụ vào thị trường.

2. THỰC TẾ MÔ HÌNH SỞ HỮU, VẬN HÀNH VÀ CHỨC NĂNG CỦA CÁC TRUNG TÂM ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

2.1. Phân tích các mô hình sở hữu và vận hành của các Trung tâm Đổi mới sáng tạo

Có một số điểm tương đồng giữa các mô hình Trung tâm Đổi mới sáng tạo được xem xét trong bài viết này.

Thứ nhất, các Trung tâm Đổi mới sáng tạo này tập trung vào việc đạt được một số mục tiêu thường thấy như: thu hẹp khoảng cách giữa cộng đồng nghiên cứu và doanh nghiệp; xây dựng nguồn nhân lực và phát triển sự tập trung nhân tài; Thúc đẩy các hoạt động định hướng ngành để hỗ trợ phát triển kinh tế; phát triển và phổ biến công nghệ; đóng góp vào mức độ cạnh tranh, năng suất và khả năng tạo ra của cải.

Thứ hai, các mô hình của Đức, Anh và Mỹ đều có cơ cấu tổ chức phi tập trung, cung cấp cho các trung tâm quyền tự chủ cần thiết để phát triển các đổi mới trong các lĩnh vực tập trung chuyên môn cao.

Thứ ba, cơ cấu tài trợ giữa các mô hình Trung tâm Đổi mới sáng tạo cũng tương tự nhau. Mỗi Trung tâm Đổi mới sáng tạo nhận được hỗ trợ tài chính từ chính quyền địa phương và quốc gia, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu khác và các nhà đầu tư tư nhân.

Thứ tư, mỗi Trung tâm Đổi mới sáng tạo việc xây dựng quan hệ đối tác với/giữa các tác nhân địa phương, bao gồm các thành viên của cộng đồng nghiên cứu, doanh nghiệp trong nhiều ngành, nhà đầu tư, các văn phòng phát triển kinh tế và cơ quan chính quyền địa phương.

2.2. Các mô hình chức năng của các Trung tâm đổi mới sáng tạo

Trung tâm Đổi mới sáng tạo đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy các cấp độ đổi mới của quốc gia và khu vực, do đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra của cải trong các nền kinh tế tri thức, cạnh tranh. Các chức năng cơ bản bao gồm:

Tạo điều kiện cho các luồng kiến thức và chuyển giao công nghệ giữa các cộng đồng nghiên cứu và ngành công nghiệp.

Xây dựng quan hệ đối tác giữa các bên trong cộng đồng nghiên cứu, ngành (tức là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp vừa và lớn, và doanh nhân), các nhà đầu tư công và tư, các cơ quan ban ngành của chính phủ và các tổ chức trung gian đổi mới khác.

Nâng cao nhận thức của các công ty về nhu cầu của khách hàng doanh nghiệp. Ngoài ra, các sự kiện trình diễn công nghệ, hội thảo và hội nghị cung cấp thông tin chính xác về xu hướng thị trường và các cơ hội kết nối khác do Trung tâm nâng cao nhận thức của các công ty về những đổi mới công nghệ có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp của họ.

3. ĐỀ XUẤT LỰA CHỌN CHỨC NĂNG GẮN VỚI TẦM NHÌN CỦA CÁC TRUNG TÂM ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

3.1. Về sứ mệnh và chức năng chủ yếu

Sứ mệnh chủ yếu:

Nghiên cứu phát triển theo hướng ứng dụng thực tiễn vào cộng đồng doanh nghiệp làm gia tăng nhanh chóng năng suất, năng lực cạnh tranh và xuất khẩu kết quả kinh tế ra ngoài địa phương/quốc gia.

Tập trung phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh sẵn có của địa phương/quốc gia.

Trở thành hạt nhân kết nối, quy tụ, tạo ra hệ sinh thái kết nối chặt chẽ: hệ sinh thái doanh nghiệp - khoa học - thị trường thông qua các hoạt động đổi mới sáng tạo chuyên sâu.

Thu hẹp khoảng cách công nghệ, nghiên cứu và sản phẩm cuối cùng theo yêu cầu thị trường.

Tập trung đón nhận các nguồn lực hiện hữu và phát triển thử nghiệm các nguồn lực mới dành cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Chức năng chủ yếu:

Hỗ trợ, kết nối hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ (chuyển giao, đào tạo, các chương trình nghị sự - kết nối hợp tác).

Tổ chức cung cấp nguồn lực kiến thức, chuyên môn quản trị, khoa học, thiết bị, hạ tầng nghiên cứu theo giai đoạn đầu và kiến tạo các hình thức kết nối phát triển theo các giai đoạn sau, phù hợp thời điểm của doanh nghiệp.

Kết nối với hạ tầng hỗ trợ sẵn có, xây dựng quan hệ đối tác đa chiều (các hiệp hội ngành nghề, tổ chức phát triển chuyên môn, sở ban ngành - trung tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, trường viện, các tổ chức phi lợi nhuận và nhà đầu tư tư nhân) trong địa phương/ quốc gia.

Xây dựng sản phẩm và phát triển nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo, tăng cường đổi mới kinh doanh.

Phát triển, phổ biến công nghệ.

Thử nghiệm các chính sách đặc thù riêng cho khu vực doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp lớn và vừa, phát triển đổi mới sáng tạo doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

3.2. Về mô hình sở hữu và vận hành

Mô hình sở hữu:

Hình thái là doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận do tư nhân làm chủ và được hỗ trợ bởi các chính sách từ chính quyền (hạ tầng vận hành, chính sách thúc đẩy kết nối, hỗ trợ truyền thông, chính sách hỗ trợ đặc thù cho trung tâm và các doanh nghiệp tham gia phát triển, chính sách ưu tiên sử dụng kết quả của Trung tâm và các doanh nghiệp từ/trong Trung tâm).

Về nguồn lực ban đầu, chính quyền hỗ trợ về sử dụng hạ tầng (đất/tòa nhà hiện hữu; dịch chuyển các tài sản là thiết bị nghiên cứu theo chương trình của ngân sách chính quyền về Trung tâm). Tư nhân chịu trách nhiệm về vốn vận hành; nguồn lực đầu tư tài sản cố định (máy móc, thiết bị, khu làm việc) và hỗ trợ các nguồn lực chuyên gia.

Mô hình vận hành:

Trung tâm vận hành theo hình thức mạng lưới: trung tâm - vệ tinh.

Trung tâm có các Ban chuyên môn theo nhóm ngành chuyên sâu gồm: doanh nghiệp dẫn dắt, các chuyên gia hỗ trợ, phát triển thị trường, người dùng doanh nghiệp cuối.

Về nguồn kinh phí vận hành sẽ sử dụng nguồn tài chính từ vốn góp của khu vực tư nhân, chủ sở hữu Trung tâm; nguồn kinh phí thông qua các hoạt động thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; nguồn kinh phí thông qua thực hiện các hoạt động R&D cho doanh nghiệp; nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ có thu khác; các nguồn tài trợ khác.

Các dịch vụ chủ yếu cung cấp bao gồm: nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, sản xuất thử; phân tích, đánh giá; tư vấn và hỗ trợ vận hành, quản trị; kiểm tra và chứng nhận; đào tạo, ươm tạo doanh nghiệp; bảo vệ sở hữu trí tuệ; kết nối, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, tăng tốc thương mại; đầu tư hình thành sự kết nối các chuỗi giá trị.

Các hoạt động chủ yếu như cung cấp không gian làm việc chung; không gian trưng bày, trình diễn công nghệ; không gian đào tạo, hội thảo hỗ trợ phát triển, kết nối và không gian nghiên cứu (Lab).

Về hệ thống vận hành, nhân sự vận hành thường trực của Chủ sở hữu (phân bổ theo lĩnh vực chức năng, và theo vai trò quản trị - điều hành) bao gồm nhân sự đến từ cộng đồng khoa học (nhà khoa học, kỹ sư), cộng đồng mentor (kiến thức kinh doanh), tình nguyện viên hỗ trợ đổi mới sáng tạo và các hệ sinh thái: doanh nghiệp - doanh nghiệp; khoa học - doanh nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Chính phủ, Nghị định số 94/2020/NĐ-CP của Chính phủ : Quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, 2020

- Chính phủ, Quyết định số 1269/QĐ-TTg năm 2019 về thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, 2019

- Brian Solis and Eric Turkington, The Spread of Innovation around the World: How Asia Now Rivals Silicon Valley as New Home to Global Innovation Center, 2016, Capgemini Consulting

- Nicola Hepburn and David A. Wolfe, Technology and Innovation Centres: Lessons from Germany, the UK and the USA, 2013, Innovation Policy Lab, Munk School of Global Affairs, University of Toronto

- Klaudia Gubová Porubanová and Patrik Richnák, Innovation Centres and Their Significance in a Competitive Environment, 2017, University of Economics in Bratislava

- Tim Zanni, The changing landscape of disruptive technologies, 2017, KPMG

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 18 năm 2021

Theo: