Lạng Sơn: Thông quan hơn 1.200 xe xuất nhập khẩu mỗi ngày Đồng Nai: Tuyên dương 10 doanh nghiệp đóng thuế xuất nhập khẩu nhiều nhất năm 2023 |
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 64,22 tỷ USD
Sáng 1/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 1 - tháng đầu tiên của năm 2024.
Tại phiên họp, các báo cáo, ý kiến cũng thống nhất đánh giá, nhìn chung, tình hình kinh tế-xã hội tháng 1 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực với nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận trên các lĩnh vực.
Trong đó, nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,37% so với cùng kỳ (chủ yếu do tác động của việc tăng giá dịch vụ y tế và bán lẻ điện theo kế hoạch).
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thị trường tiền tệ, tỉ giá cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất huy động và cho vay duy trì xu hướng giảm; ngay từ đầu năm, ngân hàng nhà nước đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% để các tổ chức tín dụng chủ động triển khai thực hiện.
Thu ngân sách Nhà nước đạt 231.000 tỷ đồng, bằng 13,6% dự toán, giảm nhẹ 2,8% so với cùng kỳ. Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng 42% (khu vực trong nước tăng 62,6%, cao hơn nhiều khu vực FDI - tăng 35,6%), nhập khẩu tăng 33,3%, xuất siêu 2,92 tỷ USD.
An ninh năng lượng, lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo tháng 1 đạt 500.000 tấn, kim ngạch 347 triệu USD, tăng lần lượt 39,4% và 86,1% so với cùng kỳ); cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.
Các ngành, lĩnh vực chủ yếu có nhiều tín hiệu tích cực. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam quay trở lại trên ngưỡng 50 điểm trong tháng đầu năm, khi tăng lên mức 50,3 điểm so với 48,9 điểm của tháng 12. Mức tăng là đáng kể nhất kể từ tháng 9/2022.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 18,3% so với cùng kỳ (đây là mức tăng khá cao, thể hiện xu hướng tích cực, trong đó một phần là do năm nay nghỉ Tết rơi trọn vào tháng 2, trong khi năm 2023 nghỉ Tết vào tháng 1), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%.
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định; bảo đảm nhu cầu tăng vào dịp Tết. Thương mại, dịch vụ khá sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 8,1%. Đón trên 1,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 73,6% so với cùng kỳ.
Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công tháng 1 ước đạt 2,58% kế hoạch, cao hơn so cùng kỳ (1,81%). Vốn FDI đăng ký đạt 2,36 tỷ USD, tăng 40,2%. Vốn FDI thực hiện đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ.
Số doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ, tăng 24,8% về số doanh nghiệp, tăng 52,8% về số vốn đăng ký và tăng 50,8% về số lao động. Kinh tế số, chuyển đổi số quốc gia, triển khai Đề án 06, cung cấp dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ...
Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới
Điểm lại một số nét nổi bật trong công tác chỉ đạo, điều hành tháng 1, Thủ tướng đánh giá các cấp, các ngành, các địa phương khẩn trương tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ; tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế với yêu cầu tuyệt đối không được say sưa, chủ quan với thắng lợi, lơ là, mất cảnh giác trước tình hình.
Các đại biểu tham dự phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong tháng 2, quý I và năm 2024, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng trước mắt trong tháng là phải tập trung tổ chức Tết Nguyên đán Giáp Thìn đầm ấm, vui tươi, nghĩa tình, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết, không để ai không có Tết.
Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện chương trình, kế hoạch hành động, các văn bản cụ thể để triển khai các nghị quyết, kết luận chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ. Tập trung chuẩn bị các đề án theo chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, các đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tiến độ, chất lượng đề ra.
Tiếp tục phát huy hiệu quả của 26 Tổ công tác của Thành viên Chính phủ và 5 Tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, trực tiếp làm việc, nắm bắt, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc ở địa phương ngay từ đầu năm.
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới (Trung Đông châu Phi, Mỹ La tinh, thị trường thực phẩm Halal). Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước (tập trung đầu tư cho phát triển dự án lớn, tiền lương, an sinh xã hội); kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia.
Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng. Tập trung tạo thuận lợi thu hút, giải ngân các nguồn lực đầu tư của toàn xã hội (đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và hợp tác công tư); quyết liệt xử lý vướng mắc, tích cực hỗ trợ đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư. Tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen...
Đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là hàng nông, lâm, thủy sản sang các thị trường lớn, tiềm năng. Kịp thời thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn mới của đối tác. Đẩy nhanh đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE, các FTA với Brazil, Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)...; khai thác thị trường Halal để mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng.
Về tiêu dùng, khai thác hiệu quả thị trường trong nước, thực hiện kích cầu tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán. Đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu trong nước... Triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, hoàn thiện quy hoạch, thúc đẩy mạnh mẽ 6 vùng kinh tế-xã hội theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Tranh thủ các cơ hội mới, thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… Thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới hydrogen. Xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh phê duyệt quy hoạch. Xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2024.
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; nâng cao chất lượng dịch vụ công, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, tạo khí thế mới, động lực mới, thắng lợi mới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ). Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ sản xuất công nghiệp; trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, các ngành công nghiệp chủ lực; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa mạnh mẽ; chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng; kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu (nhất là khi năm 2024 được dự báo là năm hạn hán, thiếu nước nặng nề do El Nino).
Chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội; làm tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
Củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững an ninh, chính trị trên địa bàn cả nước.
Đỗ Nga