Kinh tế - xã hội giai đoạn 2023 - 2030: Thuận lợi nhiều, thách thức lớn

13/10/2023 - 23:46
(Bankviet.com) Từ những kết quả đạt được giai đoạn 2020 - 2023, báo cáo nghiên cứu Thị trường bất động sản Việt Nam: Hành trình "vượt bão" và động lực phục hồi đã chỉ ra những thuận lợi và thách thức trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023 - 2030.
kinh-te-xa-hoi.jpg

Khó khăn nhưng kết quả cung – cầu vẫn khả quan

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế và các hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, đầu tư. Tính chung cả năm 2021, GDP chỉ tăng 2,58%, thấp hơn mức 2,91% của năm 2020 và là mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

GDP năm 2022 tăng 8,02%. Trong mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%.

GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,13%, đóng góp 11,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 78,85%.

Kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức khi rủi ro, thách thức từ bên ngoài tăng lên; một số cấu phần của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 triển khai còn chậm; lạm phát gia tăng trong bối cảnh giá hàng hóa, lạm phát toàn cầu tăng lên; giải ngân đầu tư công vẫn còn chậm; nợ xấu tiềm ẩn vẫn là thách thức.

Nhìn từ phía cầu, kinh tế Việt Nam trong 8 tháng qua đạt được kết quả tích cực nhờ sự đóng góp của 3 yếu tố: Tiêu dùng, đầu tư và chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Cầu tiêu dùng tăng trưởng mạnh, thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, hoạt động du lịch tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giả tăng 7,7%.

Hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh mẽ nhờ đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm nhằm thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 8/2023 ước đạt 1,2 triệu lượt người, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước; tính chung 8 tháng năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 7,8 triệu lượt người, gấp 5,4 lần.

Đầu tư công và thu hút vốn đầu tư nước ngoài được thúc đẩy và duy trì. Trong 8 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ vốn ngân sách Nhà nước ước đạt 49,4% kế hoạch, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là xu hướng tích cực tiếp đà cho các tháng cuối năm.

Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới và khu vực, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 8 tháng năm 2023 đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Số dự án cấp mới đạt 1.924 dự án, tăng 69,5%; vốn đầu tư đăng ký cấp mới đạt 8,87 tỷ USD, tăng 39,7%, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng và kỳ vọng vào sự phát triển của kinh tế nước ta. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 13,1 tỷ USD, cao nhất của cùng kỳ các năm 2019-2023.

Xuất siêu đạt mức khá cao. Trong 8 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 19,89 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỷ USD), góp phần ổn định tỷ giả, tăng dự trữ ngoại hối. Trong đó một số mặt hàng xuất siêu: Điện thoại và linh kiện 28,79 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 7,07 tỷ USD; thủy sản 4,06 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện 2,46 tỷ USD; rau quả 2,27 tỷ USD; dây điện và cáp điện 544,8 triệu USD; cao su 244,2 triệu USD.

Nhìn từ phía cung, hoạt động sản xuất duy trì mức tăng trưởng dương ở cả 3 khu vực: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản luôn đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế. Tính đến trung tuần tháng Tám, cả nước thu hoạch được 1.071,6 nghìn ha lúa hè thu, năng suất đạt 57,5 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha; sản lượng đạt 11 triệu tấn, tăng gần 157 nghìn tấn so với vụ hè thu năm trước. Chăn nuôi trong tháng phát triển tương đối ổn định, trong đó: Số đàn lợn cuối tháng Tám tăng 3,3% so với cùng thời điểm năm trước; gia cầm tăng 2,3%; bò tăng 0,5%. Trong 8 tháng năm 2023, số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 58,5 triệu cây, tăng 4,8%; sản lượng gỗ khai thác đạt 12,4 triệu m3, tăng 2,9% do một số địa phương có sản lượng khai thác gỗ tăng cao.

Nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan, đặc biệt là nuôi tôm do xuất khẩu tôm đang có dấu hiệu phục hồi tại một số thị trường và nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng. Sản lượng nuôi trồng thủy sản trong tháng 8 ước tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 8 tháng năm 2023 tăng 3,2%, trong đó tôm tăng 4,1%.

Sản xuất công nghiệp có xu hướng tích cực hơn khi từ tháng 5 trở lại đây đã tăng trưởng dương và tháng sau tăng cao hơn tháng trước. Chỉ số IIP tháng 8/2023 của một số ngành trọng điểm tăng cao: Sản xuất kim loại tăng 24,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 22,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 17,8%; dệt tăng 15,1%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 11,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 10,5%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 9,3%; sản xuất đồ uống tăng 8,5%; sản xuất thuốc lá tăng 8,1%.

Vận tải hàng hóa tăng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong các dịp Lễ, Tết. Trong 8 tháng năm 2023, vận tải hàng hóa ước đạt 1.497 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 15,1% so với cùng kỳ.

Số doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng năm 2023 là 103.658 doanh nghiệp, mức cao nhất trong giai đoạn 8 tháng đầu năm từ trước đến nay, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022 (89.899 doanh nghiệp). Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam và các chuyên gia cố vấn, GDP Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 dự báo ở mức trung bình 6,2 – 6,8%/năm và giai đoạn 2026 – 2030 được dự báo có thể đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao hơn (khoảng 7%) nếu Việt Nam chuyển đổi số tốt, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng đạt kết quả tốt hơn. Tại Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13/4/2020 về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, cũng khẳng định quyết tâm duy trì mức tăng trưởng GDP bình quân trong giai đoạn này ở mức 7%/năm. Với mức tăng trưởng này thì các dự báo về cung - cầu kể cả 3 khu vực nhà ở, văn phòng và trung tâm thương mại cho thuê đều sẽ không có sự chênh lệch nhiều so với hiện nay.

Kết quả giải ngân vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước được Chính phủ coi là chìa khóa quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong và sau dịch Covid-19. Về giải ngân tổng kế hoạch vốn năm 2023, báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, tổng kế hoạch vốn đã giao năm 2023 là 804.420,3 tỷ đồng (bao gồm kế hoạch vốn kéo dài các năm trước sang năm 2023 là 51.542,7 tỷ đồng, kế hoạch vốn giao trong năm 2023 là 752.877,5 tỷ đồng (không bao gồm 12.887,2 tỷ đồng chưa giao).

Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng năm 2023 đạt 39,6% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 42,35% thì tỷ lệ ước giải ngân 8 tháng kế hoạch năm 2023 tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm 2022.

Việc tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm. Đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm có tác động lan tỏa, giúp Việt Nam tạo nền tảng tăng trưởng bền vững trong tương lai, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và phục hồi nhanh thị trường bất động sản. Thực tế, tăng trưởng bất động sản của Việt Nam những năm qua chịu sự tác động đáng kể từ việc thu hút nguồn lực từ đầu tư công. Do vậy, việc thúc đẩy đầu tư công sẽ là một yếu tố ảnh hưởng tích cực đến đầu tư bất động sản trong thời gian tới.

Mục tiêu tổng quát giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2045

Báo cáo nhận định, đối với Việt Nam, bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023 - 2030 dự kiến đan xen cả những điều kiện thuận lợi và bất lợi.

bieu-bang-1.png
bieu-bang-1-2.png

Về mặt thuận lợi, nền kinh tế kế thừa được những thành quả phát triển của giai đoạn trước đó. Cụ thể, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, hệ thống tài chính - ngân hàng được củng cố và lành mạnh hóa, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng với việc tham gia 16 hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương (đặc biệt là CPTPP, EVFTA, RECP).

Các động lực tăng trưởng có nhiều chuyển biến theo chiều sâu (thu hút đầu tư FDI chất lượng cao hơn, xuất khẩu tiếp tục tăng khá với hàm lượng giá trị tăng, sự phát triển vững mạnh hơn của khu vực kinh tế tư nhân);

Các cân đối vĩ mô lớn có sự cải thiện với nợ công giảm, cơ cấu thu chi ngân sách chuyển dịch theo hướng tích cực hơn, cơ cấu tín dụng tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực ưu tiên và sản xuất kinh doanh, hạn chế vào các ngành có rủi ro cao; cán cân thương mại, cán cân thanh toán và cán cân vãng lai có sự cải thiện tích cực. Các thị trường chứng khoán, bất động sản có bước chuyển biến tích cực và được kiểm soát ở mức độ phù hợp;

Môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện; những nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và đổi mới, sáng tạo của Việt Nam được doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đánh giá cao, và sẽ còn phát huy

Sự nổi lên của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam mang lại cơ hội lớn cho thị trường tiêu dùng và lao động trong nước, với các kỹ năng và chất lượng cao hơn và tận dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế.

Về mặt khó khăn, thách thức, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ bị tác động bởi những hạn chế tồn tại như những điểm nghẽn của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết triệt để; đó là: Mô hình tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng; cơ cấu nền kinh tế còn chưa hợp lý; chất lượng tăng trưởng còn chưa cao; khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn yếu...; • Thách thức từ việc thực thi các FTAs, nhất là sức ép cạnh tranh, sức ép cải cách; hội nhập sâu rộng;

Cùng với đó, xu thế phát triển công nghệ và mô hình kinh doanh mới có thể đem lại cả lợi ích và rủi ro, tùy thuộc vào khả năng thích ứng của Việt Nam, các lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều lao động sẽ giảm và không còn là động lực tăng trưởng chính. Theo đó, động lực tăng trưởng mới sẽ là sự đổi mới, ứng dụng thành tựu khoa học – công nghệ, lao động với kỹ năng và trình độ cao hơn...;

Vấn đề già hóa dân số, sự nổi lên của tầng lớp trung lưu và sự phát triển của khoa học - công nghệ: dân số già hóa và tình độ dân trí, trình độ khoa học công nghệ đòi hỏi thể chế phải công khai, minh bạch hơn, trách nhiệm và giải trình cao hơn, điều này đặt ra yêu cầu một thể chế, Nhà nước hiện đại hơn;

Mặt khác, thách thức từ suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, Việt Nam là một trong sáu nước có nguy cơ cao nhất về tác động của biến đổi khí hậu và các vấn đề về ô nhiễm không khí, nước, sự cố môi trường.

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; trong đó xác định ba mục tiêu tổng quát gồm: Trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025; trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030; phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Minh Đức

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ