Công tác quản lý nhà nước được nâng cao
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, bên cạnh công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, Bộ Công Thương đã thường xuyên chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan cơ bản đảm bảo cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy cho sinh hoạt và nhu cầu sản xuất. Tuy còn xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ vào thời điểm thủy văn khô hạn bất thường, nắng nóng cực đoan, nhưng đã được khắc phục kịp thời bằng nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài. Cùng với đó, "ngành than và dầu khí đều đạt và vượt chỉ tiêu sản xuất so với cùng kỳ năm trước, vượt so với kế hoạch năm 2023” - Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Đảm báo nguồn cung năng lượng cho phát triển kinh tế và đời sống của người dân. Ảnh Cấn Dũng |
Năm 2023, Bộ Công Thương đã tham mưu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành toàn bộ 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản. Đây là kết quả đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của các ngành năng lượng, khai thác, chế biến khoáng sản quốc gia và cả nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, gắn với yêu cầu bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đến nay, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch thực hiện các quy hoạch gồm: Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia và Quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản. Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng dự trữ xăng dầu khí đốt quốc gia cũng đã hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ.
Cung ứng đủ năng lượng cho sản xuất, tiêu dùng
Để đảm bảo nguồn cung năng lượng cho phát triển kinh tế và đời sống của người dân, Bộ Công Thương đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để đảm bảo ổn định thị trường than, cung cấp đủ than, khí cho sản xuất điện và các nhu cầu sản xuất công nghiệp khác. Việc cung ứng điện năm 2023 cơ bản được đảm bảo, phụ tải bám sát kế hoạch năm 2023 do Bộ Công Thương phê duyệt.
Đối với ngành dầu khí, ngành đã hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất và tiêu thụ, trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã hoàn thành vượt mức từ 5 - 31% kế hoạch năm 2023. PVN đã nỗ lực bám sát các nhiệm vụ mục tiêu và kế hoạch đề ra, tiếp tục duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tổng sản lượng khai thác dầu khí quy dầu ước thực hiện năm 2023 đạt 17,82 triệu tấn quy đổi, vượt 17% so với kế hoạch năm 2023.
Sản lượng xăng dầu năm 2023 ước thực hiện đạt 7.257 nghìn tấn, vượt 31% so với kế hoạch cả năm; sản lượng điện năm 2023 ước thực hiện đạt 25,1 tỷ kWh, bằng 105% kế hoạch cả năm. Sản lượng tiêu thụ dầu ước đạt 10,28 triệu tấn, vượt 11% so với kế hoạch cả năm 2023; sản lượng tiêu thụ khí, ước đạt 7,54 tỷ m3, vượt 27% kế hoạch cả năm 2023; sản lượng tiêu thụ xăng dầu ước đạt 7.257 nghìn tấn, vượt 31 kế hoạch cả năm; sản lượng tiêu thụ điện ước đạt 25,1 tỷ kWh, bằng 105% kế hoạch cả năm.
Đối với ngành than, hầu hết các chỉ tiêu về sản xuất, tiêu thụ than đều đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2022, nhất là chỉ tiêu về cấp than cho sản xuất điện, bằng 94,28% so với Kế hoạch năm và bằng 116,5% so với cùng kỳ 2022. Cả năm 2023, than thương phẩm sản xuất dự kiến đạt trên 57,88 triệu tấn, trong đó, sản xuất trong nước đạt khoảng 44,68 triệu tấn, nhập khẩu đạt trên 13,2 triệu tấn.
Đối với ngành điện, đã triển khai đồng bộ các giải pháp để đưa những dự án nguồn điện lớn có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện đi vào vận hành, huy động tối đa nguồn lực bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt như: Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (1.200 MW), Vân Phong 1 (hoàn thành tổ máy 1 có công suất 716 MW). Đồng thời, đảm bảo tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm, đặc biệt là các công trình lưới điện 500kV mạch 3 kéo dài từ Quảng Trạch đến Phố Nối. EVN và các đơn vị thành viên đã tích cực triển khai công tác đầu tư xây dựng và sớm đưa vào vận hành nhiều công trình lưới điện trong năm 2023. Theo tính toán cập nhật, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện năm 2023 ước đạt 280,1 tỷ kWh, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 98,45% so với Kế hoạch năm 2023 được duyệt.
Sẵn sàng cho những mục tiêu quan trọng
Năm 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 7 - 8%, dự kiến điện thương phẩm năm 2024 đạt khoảng 280,1 tỷ kWh; điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt khoảng 306,3 - 309,7 tỷ kWh, tăng 9,4 - 9,8%. Để đạt mục tiêu trên, Bộ Công Thương đề ra các giải pháp cụ thể:
Đối với ngành dầu khí, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản và tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở trong nước, nhất là những vùng nước sâu, xa bờ. Khai thác hiệu quả các mỏ hiện có; tích cực triển khai phát triển và đưa các mỏ đã có phát hiện dầu khí vào khai thác hợp lý, hiệu quả để sử dụng tài nguyên dầu khí trong nước lâu dài. Triển khai các chiến lược, đề án liên quan đến ngành; thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ triển khai các dự án trọng điểm về dầu khí, báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...
Đối với ngành điện, tập trung xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Điện lực và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành điện. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, EVN và đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, phấn đấu sớm đưa vào vận hành nhiều công trình lưới điện trong năm 2024 cũng như đảm bảo tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm, đặc biệt là các công trình phục vụ giải tỏa công suất phát của các nguồn điện năng lượng tái tạo (gió, mặt trời).
Để đảm bảo cung cấp đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt trong năm 2024, từ cuối quý 3 - đầu quý 4/2023, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản và tổ chức các đoàn kiểm tra công tác xử lý sự cố, chuẩn bị nhiên liệu phục vụ phát điện. Do vậy, năm 2024, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo, điều hành để đảm bảo nguồn cung năng lượng nói chung và nguồn cung điện nói riêng đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế...
Đối với ngành than, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện chiến lược phát triển ngành than, nội dung quy hoạch phân ngành than trong Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và các kế hoạch liên quan được duyệt... Đặc biệt, sẽ thường xuyên theo dõi và bám sát tình hình cấp than cho sản xuất điện năm 2024 để kịp thời tham mưu, báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, chỉ đạo các vấn đề phát sinh; chủ trì, phối hợp với Cục Điều tiết điện lực định kỳ hàng quý rà soát, cập nhật Biểu đồ cấp than cho sản xuất điện năm 2024 phù hợp tình hình thực tế; chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kịch bản cụ thể cho các tháng cao điểm mùa khô (các tháng 4, 5, 6) năm 2024.
Thu Hường