Kỳ 1: Bệ đỡ cho hàng Việt vươn xa toàn cầu Kỳ 2: "Giai đoạn vàng" để xuất khẩu trực tuyến tăng tốc |
“Cú huých trăm năm” tạo đà tăng trưởng kinh tế số
Thực tế cho thấy, việc nhanh chóng chuyển đổi số, thích ứng với công nghệ theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước trong nền kinh tế số đã giúp hàng ngàn doanh nghiệp chuyển mình thích ứng với phương thức kinh doanh mới trên nền tảng số. Một minh chứng rõ nét tác động mạnh mẽ tới sự chuyển dịch phương thức kinh doanh trên thương mại điện tử của doanh nghiệp phải kể đến cú huých từ đại dịch Covid-19. Đúng như lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nhấn mạnh: “Chúng ta coi Covid-19 là cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia và cũng là cú huých trăm năm của chuyển đổi số”.
Từ đó cho thấy công cuộc chuyển đổi số của doanh nghiệp theo định hướng của Đảng và Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn. Một trong những kết quả nổi bật được ông Huỳnh Kim Tước, đồng Chủ tịch Tiểu ban kinh tế số và công nghệ, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) chỉ ra, trên nền tảng kinh doanh xuyên biên giới, Việt Nam thuộc tốp những nước dẫn đầu và đang tiếp tục tăng trưởng.
Đại diện AmCham dẫn thông tin do Amazon (Mỹ) công bố, năm 2022 Amazon tăng hơn 80% số đối tác bán hàng Việt Nam trên nền tảng của họ, trong đó phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. "Những thông tin hiếm hoi công bố cho thấy, doanh nghiệp Việt nên đi theo hướng kinh tế số, công nghệ số. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu triệu USD thông qua chợ online cho thấy cơ hội không chỉ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ mà các doanh nghiệp lớn cũng có thể tham gia" - ông Tước nêu.
Thực tế, nắm bắt thời cơ, nhiều doanh nghiệp đã xoay chuyển hướng kinh doanh, bắt nhịp với xu hướng kinh doanh trên nền tảng công nghệ và chính nhờ sự quyết tâm "thoát xác" trong cuộc đua toàn cầu, nhiều doanh nghiệp đã gặt hái được quả ngọt.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu triệu USD thông qua chợ online. |
Là một trong những doanh nghiệp biết tận dụng lợi thế từ thương mại điện tử khá sớm, chia sẻ về hành trình đưa sản phẩm của mình ra thế giới, ông Lê Nguyễn Khánh Trình - Giám đốc Công ty Cổ phần Khánh Trình cho biết, xác định kinh doanh theo hướng truyền thống nhiều khó khăn, ông đã tìm hiểu và chuyển thêm hướng kinh doanh qua thương mại điện tử. Theo đó, ông đã chọn đưa sản phẩm xà đơn ra thế giới qua sàn thương mại điện tử Alibaba. Từ năm 2010, sản phẩm xà đơn của ông đã chính thức có mặt trên sàn thương mại điện tử quốc tế.
Ông kể, thời điểm đó mới lên "sàn" cũng vô vàn khó khăn như thiếu kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức. Bên cạnh đó, do sản phẩm đặc thù, mới mẻ chưa có thương hiệu, lại khó cạnh tranh với sản phẩm Trung Quốc nên dù công ty lập website quốc tế, lập đội bán nhưng không thành công.
Không từ bỏ, năm 2016, ông Trình tiếp tục thử cách tiếp cận khác trên sàn thương mại điện tử Amazon. Tin tưởng ở sản phẩm của mình sẽ chinh phục được khách hàng, đặc biệt, nhờ chính sách tối ưu từ nền tảng như cho phép người mua nhận toàn bộ tiền khi hàng kém chất lượng, sai mô tả sản phẩm, ông Trình đã thành công khi có những đơn hàng đầu tiên.
Từ đó, thành quả ngoài sức mong đợi khi doanh nghiệp đã tìm được đường xuất khẩu và hiện sản phẩm của công ty đã đến được với khách hàng ở hơn 70 nước, đạt doanh thu 3-4 triệu USD/năm.
Tương tự, theo Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sunhouse Vũ Thanh Hải, mặc dù mới hợp tác với Amazon Global Selling từ đầu năm 2022, nhưng việc xuất khẩu hàng gia dụng của Sunhouse đã thu được những kết quả kinh doanh bước đầu vượt mong đợi. Chỉ số tăng trưởng trung bình mỗi tháng đạt mức 160 - 200%, đặc biệt là tại thị trường Bắc Mỹ.
"Tôi tin rằng, sàn thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong hành trình đưa hàng Việt ra thị trường quốc tế” - ông Hải cho hay.
Không chỉ các mặt hàng gia dụng, quần áo, mỹ phẩm, hàng nông sản cũng hút sự quan tâm của người tiêu dùng quốc tế. Nhiều năm tham gia xuất khẩu mặt hàng nông sản trên sàn Alibaba.com, bà Trần Thị Yến Phi, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ DSW nhận định, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm, đồ uống trên sàn này đang tăng cao ở khắp các quốc gia trên thế giới.
Theo bà Yến Phi, các sản phẩm như xoài, thanh long, sầu riêng, chanh tươi… của Việt Nam đang được thị trường các nước châu Á đón nhận tích cực, không chỉ về giá thành mà còn về số lượng, chất lượng sản phẩm.
"Việc tham gia kinh doanh trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đã giúp công ty tôi nâng doanh thu xuất khẩu từ 3.000 USD cho đơn đặt hàng đầu tiên lên 260.000 USD, chỉ trong một năm sau đó. Tiếp đà tăng trưởng này, DSW đặt mục tiêu thời gian tới kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 triệu USD, tiếp tục đưa hàng Việt Nam vào thị trường EU" - bà Yến Phi dẫn chứng.
Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, thương mại điện tử đã thực sự giúp doanh nghiệp "rút ngắn khoảng cách" với khách hàng. Thay vì như trước đây, doanh nghiệp thường đi những cuộc xúc tiến thương mại, những cuộc triển lãm ở nước ngoài, mất rất nhiều thời gian và tốn rất nhiều chi phí thì nay, doanh nghiệp chỉ cần ngồi ở nhà cũng tìm được khách hàng. Đây là cách có thể tiếp cận được tệp khách hàng rộng rãi trên toàn cầu mà mất ít chi phí nhất.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Tạ Dũng Trí - Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp tại Hà Nội đã bắt kịp xu hướng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu; đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của địa phương.
"Năm 2023, dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn, song kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm của Hà Nội đạt 6,781 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,4 tỷ USD. Để đạt được kết quả trên có sự đóng góp một phần không nhỏ của thương mại điện tử" - ông Trí nói.
Có thể nhận thấy hiện nhiều ngành hàng ở Việt Nam đã tận dụng được lợi thế của thương mại điện tử xuyên biên giới. Một ví dụ cụ thể: Vụ vải thiều Bắc Giang năm 2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã hợp tác với Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) và sàn thương mại điện tử Voso xuất khẩu thí điểm thành công vải thiều Bắc Giang sang thị trường châu Âu trên nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam - Voso Global. Đó là bước đi đáng ghi nhận đối với ngành thương mại điện tử Việt Nam trong việc đưa các sản phẩm nông sản tươi chất lượng cao sang thị trường nước ngoài có nhiều tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu.
17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được bán ra cho khách hàng Amazon trên khắp thế giới, tăng cường sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam trên toàn cầu. |
Theo đánh giá của Amazon Global Selling, Việt Nam là một nền kinh tế năng động dựa vào xuất khẩu. Kết hợp lợi thế trong việc sáng tạo sản phẩm, năng lực sản xuất và chuyển đổi số mạnh mẽ, Việt Nam có khả năng thúc đẩy xuất khẩu bán lẻ qua thương mại điện tử một cách hiệu quả.
Ông Trịnh Khắc Toàn - Giám đốc Khu vực phía Bắc, Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, so với năm 2020, năm 2021 số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có doanh số 100.000 USD trên Amazon tăng 18%; số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có doanh số 500.000 USD trên Amazon tăng 53%; số sản phẩm được bán bởi doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tăng 34%...
Trong vòng 12 tháng tính đến ngày 31/8/2023, các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon đã đạt được những kết quả vững chắc như: 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được bán ra cho khách hàng Amazon trên khắp thế giới, tăng cường sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam trên toàn cầu; giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên Amazon tăng 50%, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của đất nước; hàng nghìn doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội kinh doanh toàn cầu với Amazon; số lượng đối tác bán hàng Việt Nam qua Amazon tăng 40%.
Doanh nghiệp Việt cần chủ động trong "cuộc chơi" toàn cầu
Nhờ thương mại điện tử xuyên biên giới, việc mua sắm các sản phẩm từ nước ngoài đã trở nên phổ biến và thuận tiện hơn. Các nền tảng thương mại điện tử cung cấp đa dạng lựa chọn sản phẩm từ các thị trường quốc tế, cho phép người tiêu dùng mua sắm đa dạng mặt hàng và giá cả cạnh tranh.
Ngoài ra, các dịch vụ vận chuyển quốc tế đã phát triển mạnh mẽ, giúp hỗ trợ quá trình vận chuyển và nhận hàng thuận lợi. Thông qua các sàn thương mại điện tử như Amazon, JD.com, Alibaba, Shopee Global… người tiêu dùng trên thế giới có thể mua hàng với số lượng lớn hoặc mua lẻ từ các nhà bán hàng Việt Nam.
Đánh giá về những lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam trên sân chơi thương mại quốc tế, bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, thực tế từ kinh nghiệm của một số doanh nghiệp đã xuất khẩu thành công qua thương mại quốc tế cho thấy, sự tích cực tham gia thị trường của các doanh nghiệp có thể đem lại nhiều lợi ích và cơ hội lớn như tiếp cận thị trường rộng lớn: Tham gia thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới, các doanh nghiệp có thể tiếp cận với một lượng khách hàng tiềm năng lớn trong và ngoài nước. Điều này mở ra cơ hội để mở rộng quy mô kinh doanh và tăng doanh thu.
Ngoài ra, thương mại điện tử xuyên biên giới cho phép các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tiếp cận thị trường quốc tế. Điều này giúp tăng cường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Bên cạnh nhiều cơ hội và tiềm năng đối với xuất khẩu qua thương mại điện tử quốc tế, bà Huyền chỉ ra, thương mại điện tử cũng đem lại những thách thức không nhỏ cần tập trung tháo gỡ cho doanh nghiệp như về hạ tầng công nghệ, vấn đề vận chuyển và giao hàng xuyên biên giới như thủ tục hải quan còn rườm rà, quy định về nhập khẩu và xuất khẩu, những hạn chế về vận chuyển quốc tế liên quan đến cơ sở hạ tầng, giá cước vận tải. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề như nguồn nhân lực chất lượng, rào cản ngôn ngữ, cạnh tranh về giá cả, uy tín thương hiệu... Đây là những thách thức không hề nhỏ đang đặt ra cho các doanh nghiệp.
Vấn đề vận chuyển và giao hàng xuyên biên giới... đang đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến. |
Đề tháo gỡ điểm nghẽn về vấn đề logistics, ở góc độ doanh nghiệp, ông Squall Wang - Giám đốc điều hành UPS Việt Nam (hãng dịch vụ vận chuyển, giao hàng và logistics quốc tế) cho rằng, trong quá trình đưa sản phẩm của mình ra thế giới, các doanh nghiệp cần chú trọng việc tái tạo hoặc củng cố chuỗi cung ứng, số hóa các quy trình để làm cho chúng hiệu quả hơn, hiểu thêm về các quy định hải quan… Nếu các doanh nghiệp chưa đủ nguồn lực để đầu tư những yêu cầu này thì có thể sử dụng dịch vụ miễn phí từ các hãng logistics.
Việc xây dựng các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới là công cụ mang tính định hướng lâu dài trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đến siêu nhỏ mở rộng thị trường xuất khẩu với chi phí tối ưu. Tuy nhiên, không phải mọi sự đều dễ dàng đối với thương mại điện tử xuyên biên giới.
Theo ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), để ngồi một nơi mà bán được sản phẩm tới người tiêu dùng toàn cầu đòi hỏi doanh nghiệp cần chuẩn bị nhân lực chất lượng cao, biết ngôn ngữ bản địa của khách hàng, có chuyên viên trả lời online 24/24h. Doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực trong việc tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, thị trường, thẩm định đối tác, chú trọng công tác nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu.
Xuất khẩu online còn mới mẻ vì thương mại điện tử xuyên biên giới có những yêu cầu rất gắt gao. Tuy nhiên, nếu vượt qua các yêu cầu thì tiềm năng của thị trường là rất lớn. Theo nhận định của các tổ chức quốc tế, dự kiến kim ngạch xuất khẩu trực tuyến của Việt Nam có thể đạt tới gần 300 ngàn tỷ đồng vào năm 2027 nếu doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ để đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu thông qua thương mại điện tử. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, vấn đề đặt ra là cần sự nỗ lực rất lớn từ phía doanh nghiệp và sự định hướng, đồng hành quyết liệt từ Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tháo gỡ khó khăn để sản phẩm Việt "rộng cửa" xuất khẩu xuyên biên giới.
Kỳ cuối: "Rút ngắn" khoảng cách thương mại xuyên biên giới