Miền Nam luôn ở trong trái tim Người
Tuổi niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn bó mật thiết với Huế trong 6 năm (1895-1901). Giai đoạn năm 1895-1898, gia đình Người đã sống tại ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Tiếp đó, Người và anh trai là Nguyễn Sinh Khiêm đã được cha là cụ Nguyễn Sinh Sắc đưa về sống và học tập tại ngôi nhà của ông Nguyễn Sỹ Độ ở làng Dương Nỗ (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) trong giai đoạn 1898 – 1901.
Năm 1906, cụ Nguyễn Sinh Sắc đến Kinh đô Huế nhậm chức Thừa biện Bộ Lễ. Theo cha từ tỉnh Nghệ An vào Huế, Chủ tịch Hồ Chí Minh học ở trường Pháp - Việt Đông Ba và trường Quốc học ở Huế. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận định: “Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học. Những năm tháng đó là thời gian rất quan trọng đối với sự hình thành nên con người Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, thời gian hình thành nên một con người lạ lùng, với những ý tưởng lạ lùng, đưa đến những thành tựu lạ lùng”.
Tháng 5/1909, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Huế đến tỉnh Bình Định tìm gặp cụ Nguyễn Sinh Sắc đang làm Tri huyện Bình Khê. Nghe lời cha, trong thời gian ở Bình Định, Người đã học thêm tiếng Pháp và văn hóa tại nhà thầy giáo Phạm Ngọc Thọ (cha bác sĩ Phạm Ngọc Thạch) để chuẩn bị xuất dương sang Pháp.
Khoảng tháng 8/1910, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời tỉnh Bình Định vào tỉnh Bình Thuận. Người được nhận vào làm thầy giáo ở trường Dục Thanh để dạy chữ Quốc ngữ, Hán văn kiêm môn thể dục. Tại ngôi trường này, Người cũng đã hun đúc tinh thần yêu nước cho các học trò của mình.
Tháng 2/1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Sài Gòn, thành phố lớn nhất của Nam Kỳ. Quãng thời gian ở Sài Gòn giúp Người nhận ra việc xuất dương tìm đường cứu nước cứu dân là không thể chậm trễ. Ngày 5/6/1911, với tên mới là Văn Ba, Người đã lên tàu L’Admiral Latouche Trévill (một tàu lớn vừa chở hàng vừa chở khách của Pháp) với vai trò phụ bếp, rời bến cảng Nhà Rồng ra nước ngoài tìm đường cứu nước.
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, có một nơi được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm - đó là vịnh Cam Ranh. Đây cũng là vinh dự lớn đối với tỉnh Khánh Hòa, địa phương đầu tiên của miền Nam được Người trở lại sau 35 năm xa cách, kể từ khi Người xuất dương tìm đường cứu nước. Lần ấy, Người đi dự hội nghị Fontainebleau (1946) ở Pháp trở về. Tại Hội nghị, Người tuyên bố: “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Khi con tàu Dumont D’Urville đến hải phận miền Nam nước ta, Người nhận được một bức điện từ Sài Gòn của Đô đốc Georges Thierry d’Argenlieu (Cao ủy Pháp) xin gặp. Người nhận lời và hẹn gặp ở vịnh Cam Ranh vào ngày 18/10/1946. Hôm đó, trên tuần dương hạm Suffer đậu ngoài khơi Vịnh Cam Ranh, Người đã trao đổi với phía Pháp về việc thực hiện Tạm ước 14/9, trong đó có nội dung chấm dứt mọi hành động chiến tranh vào ngày 30/10/1946.
Tuy nhiên, Pháp đã không ngừng tăng cường thực hiện dã tâm thực dân. Sau 9 năm kháng chiến (1946-1954), quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève vào ngày 20/7/1954. Trong khi chờ đợi Tổng tuyển cử thì đế quốc Mỹ lại nhảy vào miền Nam để âm mưu chia cắt lâu dài miền Nam khỏi đất nước ta. Trong bài viết “Sách Trắng” của Mỹ (Báo Nhân Dân số 3992, ra ngày 8/3/1965), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đế quốc Mỹ và bọn tay sai đã phạm hết mọi tội ác dã man, chúng đã biến miền Nam thành một địa ngục”. Năm 1969, khi tiếp nhà báo Marta Rojas (Báo Granma - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba), Người đã nói: “Ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng. Gộp nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”.
Vì nhớ thương đồng bào miền Nam, tháng 3/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Chú có ý khuyên Bác đi thăm đồng bào miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn. Bác rất tán thành. Nhưng nay chỉ đổi chữ “sau” thành chữ trước ngày thắng lợi hoàn toàn”(1). Tháng 3/1969, khi gặp các đồng chí Phạm Hùng và Hoàng Văn Thái từ miền Nam ra họp, Người vẫn nhắc tới việc vào thăm miền Nam. Trước khi hai đồng chí trở lại chiến trường, Người hỏi: Các chú có thể chuẩn bị cho Bác sớm vào thăm đồng bào miền Nam được không? Đồng chí Phạm Hùng và đồng chí Hoàng Văn Thái đã xúc động thưa: “Chúng cháu nhất định hoàn thành nhiệm vụ để sớm rước Bác vào Nam”.
Miền Nam nhớ Bác
Ngay trong tháng 9/1969, sau khi được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, 5 tộc người dân tộc thiểu số bao gồm Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy, Bru – Vân Kiều ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định mang họ Bác Hồ. Trong bài thơ “Bác ơi!” viết vào ngày 6/9/1969, nhà thơ xứ Huế Tố Hữu đã xúc động dâng trào: “Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha!”.
Vào 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Đó chính là thời khắc báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng và miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Tháng 4/1976, nhà thơ Viễn Phương ra thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một cảm xúc đâng trào: “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên/ Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền/ Vẫn biết trời xanh là mãi mãi/ Mà sao nghe nhói ở trong tim/ Mai về miền Nam thương trào nước mắt/ Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác/ Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây/ Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này” (Viếng lăng Bác).
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (ngày 2/7/1976) đã xem xét và thảo luận: Nhân dân thành phố Sài Gòn - Gia Định luôn luôn tỏ lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tha thiết với việc thành phố mang tên Người; trong công cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, thành phố Sài Gòn - Gia Định đã không ngừng phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, lập được nhiều chiến công xuất sắc, xứng đáng được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Do đó, Quốc hội đã Quyết nghị: “Chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh”
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập, 15, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 437
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 8 năm 2022