Gặp gỡ nhân chứng lịch sử: Vẹn nguyên khí thế tiến công! Triển lãm "Cầu Long Biên nhân chứng lịch sử" |
Ngày 25/4, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III phối hợp với Ban liên lạc Cựu chiến binh - Ban liên hợp quân sự Trại Davis (gọi tắt là Ban liên lạc Trại Davis) và "Hội Những người bạn di sản Việt Nam "(Friends of Vietnam Heritage - FVH) tổ chức tọa đàm “Thi hành Hiệp định Paris - Câu chuyện của những nhân chứng lịch sử Trại Davis”.
Đây là hoạt động nhằm tri ân và làm sống lại câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam 50 năm về trước và hoạt động thực thi Hiệp định Paris của các thành viên Ban liên lạc Trại Davis, qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm và sự cần thiết trong việc gìn giữ truyền thống “uống nước nhớ nguồn” lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước.
Đông đảo công chúng trong và ngoài nước tham dự tọa đàm |
Ngày 27/1/1973, sau gần 5 năm đàm phán, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết. Hiệp định gồm 9 chương, 23 điều với những nội dung chủ yếu là: Hoa Kỳ cùng các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Hoa Kỳ hoàn toàn chấm dứt chiến tranh xâm lược, chấm dứt sự dính líu về quân sự và can thiệp vào nội bộ của miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết và bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam.
Theo Điều 16 của Hiệp định, 4 bên gồm Việt Nam Dân chủ cộng hóa, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa sẽ cử ngay đại diện để thành lập Ban Liên hợp quân sự 4 bên. Theo Điều 17, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ cử ngay đại diện để thành lập Ban Liên hợp Quân sự 2 bên. Ban Liên hợp Quân sự có nhiệm vụ bảo đảm sự phối hợp hành động của các bên nhằm thực hiện các điều khoản về quân sự mà Hiệp định đã quy định.
Phía Việt Nam thành lập hai đoàn đại biểu quân sự gồm các tướng lĩnh, sĩ quan, cán bộ, chiến sự ưu tú của các lực lượng quân đội, công an, ngoại giao, an ninh Trung ương Cục miền Nam, thông tấn, báo chí và một số ban, ngành tham gia mặt trận đấu tranh ngoại giao quân sự thi hành Hiệp định.
Trại Davis |
Trại Davis nguyên là một trại lính của quân đội Mỹ, nằm gần sát phía Tây Nam sân bay Tân Sơn Nhất (nay thuộc phường 4, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh). Trại Davis là nơi hai đoàn đại biểu quân sự miền Bắc và miền Nam (Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) đóng quân.
Tại Trại Davis nằm sâu trong sân bay Tân Sơn Nhất, chính quyền Sài Gòn cho rào kín nhiều tầng dây thép gai, cô lập hai phái đoàn ta với bên ngoài. Xung quanh trại, đối phương dựng 13 tháp canh lúc nào cũng thấp thoáng bóng lính, suốt ngày đêm chĩa súng vào trại.
Các cựu chiến binh xem tư liệu triển lãm tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III |
Với sự đấu tranh trực diện, quyết liệt, khôn khéo và đầy quả cảm của các thành viên trong Ban liên lạc Trại Davis đã góp phần thúc đẩy việc hoàn thành trao trả tù quân sự và tù dân sự của các bên bị bắt trong chiến tranh, buộc quân đội Hoa Kỳ và quân đồng minh phải rút hết ra khỏi miền Nam trong thời hạn 60 ngày, yếu tố quan trọng nhất làm chuyển biến so sánh lực lượng trên chiến trường có lợi cho cách mạng, tạo ra bước ngoặt quyết định và điều kiện chủ yếu để đi đến “đánh cho ngụy nhào”.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã từng đánh giá: Nếu như Hội nghị Paris về Việt Nam là thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao kéo dài, đầy khó khăn và phức tạp thì cuộc đấu tranh buộc đối phương phải tuân thủ các điều khoản của Hiệp định Paris là cuộc đấu trí, đấu lý hết sức cam go và quyết liệt.
Tại tọa đàm, những người tham dự cũng đã được lắng nghe nhiều câu chuyện từ Đại tá Đào Chí Công - sĩ quan đối ngoại Văn phòng Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Ban Liên hiệp Quân sự Trại Davis; Đại tá Đinh Quốc Kỳ, sỹ quan liên lạc phái đoàn; ông Phạm Văn Lãi, người cắm cờ giải phóng trên đỉnh tháp nước Trại Davis; ông Nguyễn Hùng Trí, phiên dịch viên phái đoàn, ông Trương Việt Cường, cán bộ kỹ thuật Thông tấn xã Việt Nam…
Chia sẻ tại tọa đàm, cựu sĩ quan liên lạc - ông Đinh Quốc Kỳ nhớ lại, Trại Davis khi đó với 300 người; không có gì trong tay, nhưng họ đã cố gắng liên lạc, kết nối với nhau. Trong khi đó, địch thì phá sóng, tìm mọi cách tiếp cận từng người, xem có sơ sở gì để lôi kéo, dụ dỗ. Tuy nhiên, chúng ta đã có những con người tuyệt vời, kiên trung, vững vàng về chính trị, giỏi ngoại ngữ, đoàn kết, đấu tranh đòi Mỹ và chính quyền Sài Gòn tuân thủ Hiệp định Paris.
Còn Đại tá Đào Chí Công nhớ lại, suốt 823 ngày đêm, các chiến sĩ trên mặt trận ngoại giao quân sự đã kiên quyết đấu tranh buộc đối phương phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Paris. Ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng được treo lên đỉnh tháp nước, chỗ cao nhất của Trại Davis.
Đại tá Đào Chí Công bồi hồi chia sẻ: Chúng tôi ngắm lá cờ tung bay mà rưng rưng xúc động, vì hạnh phúc, vì tiếc thương những đồng đội đã ngã xuống. Khoảng 1 tiếng sau, cờ cách mạng kéo lên tại Dinh Độc Lập. Khoảng 10h, đoàn Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tiến vào Trại Davis họp bàn về việc tiếp quản.
“Sau ngày 2/5, Thượng tướng Trần Văn Trà, Phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh vào gặp anh em trong phái đoàn đã nói: Các đồng chí là những người trực tiếp tham gia chiến dịch và là mũi tiến công thứ 6, mũi tiến công ngoại giao quân sự”- Đại tá Đào Chí Công chia sẻ.
Bày tỏ sự xúc động khi được biết những gì diễn ra phía sau hàng rào thép gai Trại Davis, hiểu thêm về sự quả cảm, mưu trí của quân dân Việt Nam trong cuộc chiến giành lại độc lập, thống nhất dân tộc, bà Stella Ciorra - Phó Chủ tịch "Hội Những người bạn di sản Việt Nam" đánh giá chương trình này rất có ý nghĩa. Theo bà, nên phục dựng lại, xây mới hoặc khôi phục một phần Trại Davis trên nền cũ, để nhắc nhớ về một di tích lịch sử quan trọng và giáo dục các bạn trẻ về sự kiện trọng đại, ý nghĩa của đất nước.
Trong khuôn khổ chương trình Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cũng đã tiếp nhận một số kỷ vật từ các thành viên Ban liên lạc Trại Davis. Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia - bà Trần Việt Hoa bày tỏ, thời gian tới mong muốn các nhân chứng lịch sử tiếp tục đồng hành cùng Trung tâm trong các hoạt động sưu tầm và phát huy giá trị tài liệu, kỷ vật liên quan đến quá trình thực thi Hiệp định Paris, góp phần phục vụ cho quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, đóng góp thiết thực vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 12/9/2011, hai đoàn đại biểu quân sự của ta trong Ban Liên hợp Quân sự 4 bên và 2 bên đã được phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân theo Quyết định số 1553/QQD-CTN. Bộ Ngoại giao cũng đã tặng gần 800 Kỷ niệm chương "Thi hành Hiệp định Paris" cho cựu thành viên hai đoàn đại biểu quân sự. Ngày 9/3/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 827/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Di tích Quốc gia đối với Di tích lịch sử Trại Davis. |
Bảo Thoa