Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Lưu Phước Vẹn, công tác tại Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Quốc gia TP Hồ Chí Minh).
Sắp đến ngày kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng (6/5/1951 - 6/5/2021), làm tôi bồi hồi xúc động nhớ lại kỷ niệm những ngày đầu làm ngân hàng. Làm ngân hàng thì có rất nhiều kỷ niệm, có vui có buồn nhưng kỷ niệm đáng nhớ đối với tôi chính là chiếc máy đánh chữ.
Là sinh viên mới ra trường ôm áp bao hoài bão có việc làm và thu nhập ổn định, môi trường làm việc chuyên nghiệp, nơi bản thân thể hiện được hết khả năng của mình thế là tôi quyết tâm thi vào ngân hàng và kết quả đã đậu vào ngân hàng. Cũng không biết số phận đẩy đưa thế nào mà lĩnh vực ngân hàng lại gắn bó với tôi gần như suốt quãng đời tuổi trẻ, có những thời điểm “ăn cũng ngân hàng, ngủ cũng ngân hàng”.
Xuất phát điểm của tôi là nhân viên tín dụng nhưng để hỗ trợ công tác quyết toán cuối năm tôi được luân chuyển xuống hỗ trợ phòng kế toán, dụng cụ mà tôi tiếp xúc đầu tiên là chiếc máy đánh chữ cơ (không phải máy đánh chữ bằng điện). Có nghe nói nhiều về chiếc máy này, cũng thấy người ta sử dụng nó nhưng không hiểu sao tôi lại lạ lẫm với nó không biết. Bởi vậy mới có câu: “Trăm nghe không bằng một thấy”, “học phải đi đôi với hành” nhưng khổ nỗi khi đi học không có dạy cách sử dụng máy đánh chữ.
Thấy tôi có đôi chút bỡ ngỡ với nó, các anh/chị trong phòng đã chỉ bảo, hướng dẫn rất tận tình “kéo giấy qua phải một chút, lùi lại một hàng đi em, sao quên gõ đè lên chỗ sai hả?, sao không đánh dấu chỗ bỏ trống?…” những câu nói quen thuộc của người kinh nghiệm chỉ dẫn cho người mới vào nghề.
Ngày qua ngày, tôi cố gắng tập đánh máy, từ gõ từng bảng chữ cái cho quen tay đến ghép câu văn hoàn chỉnh và cuối cùng là gõ thử một Uỷ nhiệm chi. Tôi không nhớ rõ là bao lâu và tốn bao nhiêu tờ nháp nhưng cuối cùng tôi đã thành công, tôi vui mừng không thể tả xiết, tôi la lên “ôi tôi đã thành công rồi”, ai cũng nhìn tôi với ánh mắt trìu mến và những cái cười vui vẻ như chia sẻ với niềm vui của mình.
Từ ngày đó trở về sau, tôi thích việc đánh máy, tôi mê cái máy đánh chữ này đến nỗi ngày nào cũng hỏi “anh/chị có ai cần đánh máy gì không?em giúp cho”. Anh/chị hiểu được cảm xúc của tôi nên họ thường hay nhờ tôi gõ giúp cái này, đánh giùm cái nọ, tiếng lóc cóc, lạch cạch lại vang lên hàng ngày. Hầu như nếu ngày nào tôi không gõ máy đánh chữ, không nghe âm thanh quen thuộc phát ra từ nó là ngày nó tôi cảm thấy thiếu một cái gì đó, thấy buồn buồn.
Ngày nay, mặc dù mấy đánh chữ không còn được sử dụng nhiều như trước, người ta chuyển qua in bằng máy vi tính lên các UNC, lệnh chuyển tiền… nhưng đối với tôi, chiếc máy đánh chữ bằng cơ là một kỷ niệm đáng nhớ không bao giờ quên trong quãng đời làm ngân hàng của mình.
LƯU PHƯỚC VẸN
Theo Tạp Chí Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ