Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng tăng nhanh hơn trong những tháng cuối năm

07/10/2023 - 20:47
(Bankviet.com) Tăng trưởng tín dụng thấp, không "bắt kịp" tăng trưởng huy động trong 9 tháng đầu năm.

Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm ngày 20/9/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,75% so với cuối năm 2022. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8%, trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 5,73%.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tổng tiền gửi trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt mức cao nhất kể từ trước đến nay với hơn 12,3 triệu tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6/2023, tổng huy động tiền gửi của hệ thống tổ chức tín dụng tăng 4,6% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm của dân cư đến cuối tháng 6 đạt hơn 6,38 triệu tỷ đồng, tăng 8,82% so với cuối năm 2022 (tương đương tăng hơn 429.000 tỷ đồng).

Như vậy, từ tháng 7 đến nay, huy động vốn của hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng dù lãi suất huy động đã giảm xuống mức thấp.

Từ tháng 3 - 6/2023, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5-2,0%/năm.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 30/9, lãi suất huy động là khoảng 5,9%, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại là 12.900 nghìn tỷ đồng (vào thời điểm cùng kỳ năm ngoái, lãi suất huy động là 7,68%).

Theo ghi nhận trên thị trường, mức lãi suất huy động cao nhất tại nhóm 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) hiện chỉ còn 5,5%/năm, ngang với giai đoạn COVID-19.

Đây cũng là lần đầu tiên sau 3 năm, hệ thống ngân hàng mới ghi nhận lại tình trạng huy động vốn tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm. Trong các năm trước, tăng tưởng tín dụng luôn cao hơn đáng kể so với huy động vốn.

Mặt khác, có thể thấy, nếu so với các năm trước thì tốc độ tăng trưởng của huy động vốn trong 9 tháng đầu năm nay vẫn ở mức bình thường, tuy nhiên tăng trưởng tín dụng lại thấp hơn nhiều.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2022, huy động vốn đạt 4,6%, tăng trưởng tín dụng đạt 11,05%. Trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng huy động vốn đạt 5,2% và tăng trưởng tín dụng là 7,88%.

Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm nay cũng còn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu được đặt ra cả năm. NHNN định hướng tín dụng năm 2023 tăng khoảng 14%.

Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tín dụng năm nay tăng thấp hơn so với năm ngoái nguyên nhân xuất phát từ những khó khăn trong và ngoài nước, tác động đến doanh nghiệp. Cụ thể, phải kể đến những cầu đầu tư, tiêu dùng, tín dụng đều giảm.

Trong bối cảnh đó, từ đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra 11 giải pháp lớn để mở rộng tín dụng.

Thông qua các giải pháp trên, tín dụng được kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế.

"Hy vọng trong 3 tháng cuối năm, theo thông lệ tín dụng sẽ tăng nhanh lên. Ngân hàng sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt cùng với sự đồng hành của các địa phương, tạo điều kiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vươn lên trong bối cảnh kinh tế khó khăn", Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm sẽ tăng tốc khi nhu cầu tín dụng vào các ngành nghề công nghiệp, sản xuất, thương mại, dịch vụ phục hồi từ động lực xuất -nhập khẩu và tiêu dùng cải thiện cùng những tín hiệu tích cực hơn của thị trường bất động sản từ quý IV/2023 khi mặt bằng lãi suất giảm.

Q.L

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ