Bảo hiểm xã hội Hà Nội vừa công khai danh sách gần 60.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng BHXH tính đến thời điểm 30/1/2023. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp nợ đến hàng chục tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội.
Ảnh: Internet |
Theo danh sách mà Bảo hiểm xã hội Hà Nội công bố có Công ty CP Sữa Quốc tế (địa chỉ xã Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội). Cụ thể, tính đến 30/1/2023, doanh nghiệp này nợ đóng bảo hiểm cho 1.869 lao động với số tiền gần 3,4 tỷ đồng.
Theo các quy định của pháp luật hiện hành, việc nợ đóng, chậm đóng, trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm. Nếu không sớm khắc phục, tùy theo mức độ vị phạm, các cơ quan chức năng sẽ áp dụng các biện pháp xử lý đối với những doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH. Một số trường hợp sẽ bị xử lý với khung hình phạt rất nặng.
Trao đổi với báo chí, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết từ năm 2021 đến nay, mỗi năm đoàn giám sát liên ngành cấp trung ương do Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì đã thực hiện giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tại 15 - 20 DN thuộc 4 - 6 tỉnh, thành phố. Tình trạng các DN chưa tuân thủ đầy đủ và đúng quy định của pháp luật về BHXH còn diễn ra khá phổ biến, trong đó nổi bật là tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH. |
Được biết, Công ty CP Sữa Quốc tế thành lập năm 2004, hoạt động chủ yếu là sản xuất sữa với các sản phẩm chính như sữa LiF, Kun, Bavi với 3 nhà máy tại Chương Mỹ, Ba Vì và Củ Chi. Công ty này chính thức niêm yết trên sàn UPCoM ngày 7/1/2021 với mã chứng khoán IDP.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 15/2/2023, cổ phiếu IDP đứng tham chiếu 181.000 đồng/cổ phiếu với khối lượng giao dịch đạt 4.300 đơn vị.
Theo tìm hiểu, hiện ông Tô Hải, giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sữa Quốc tế và bà Đặng Phạm Minh Loan là Tổng giám đốc công ty.
Về kết quả kinh doanh của Sữa Quốc Tế, theo BCTC quý IV/2022 với doanh thu thuần đạt 1.672 tỷ đồng tăng 37%. Giá vốn bán hàng tăng 53% khiến biên lãi gộp co lại, giảm từ 45% xuống 39%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính, chi phí như tài chính, quản lý doanh nghiệp đều tăng so với quý IV/2022. Đặc biệt, chi phí bán hàng tăng tới 146% lên 479 tỷ đồng. Trừ hết các chi phí, lợi nhuận sau thuế IDP đạt 166 tỷ đồng giảm 41% so với cùng kỳ.
Luỹ kế cả năm 2022, công ty ghi nhận 6.086 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 27%, lợi nhuận sau thuế là 810 tỷ đồng giảm 2% so với năm 2021. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) cả năm đạt 13.750 đồng.
Năm 2022, IDP đề ra mục tiêu doanh thu thuần 5.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 452 tỷ đồng. Như vậy, công ty vượt 11% kế hoạch doanh thu, 79% mục tiêu lợi nhuận.
Về tình hình tài chính, tổng tài sản của công ty đạt 3.834 tỷ đồng tăng 29% so với đầu năm. Khoản tiền, tương đương với tiền, tiền gửi ngân hàng khoảng 1.298 tỷ đồng, chiếm 34% tổng tài sản.
Hàng tồn kho khoảng 390 tỷ đồng tại ngày 31/12/2022, tăng 14% so với đầu năm, phần lớn là nguyên vật liệu, thành phẩm và hàng mua đang đi trên đường.
Cuối quý IV/2022, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 173% lên 954 tỷ đồng, chủ yếu từ việc tăng khoản tạm ứng cho nhân viên khoảng 507 tỷ đồng, tăng 490 tỷ đồng so với đầu năm.
Ngoài ra, tài sản xây dựng dở dang dài hạn của IDP cũng tăng 355 tỷ đồng so với đầu năm lên 372 tỷ đồng. Trong 2022, IDP có kế hoạch đầu tư cho dự án CTCP Sữa Quốc Tế - Chi nhánh Bình Dương với tổng vốn đầu tư 2.800 tỷ đồng.
Về cơ cấu vốn, tại ngày 31/12/2022, IDP có tổng nợ phải trả là 2.027 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn với 1.978 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay của công ty đạt 792 tỷ đồng. Năm 2022, công ty phải trả gần 28 tỷ đồng lãi vay.
Cuối quý IV/2022, vốn chủ sở hữu của IDP ghi nhận gần 1.807 tỷ đồng bao gồm 937 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Tuệ Nhi