NHNN: Tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng đã giảm | |
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Không nên dựa quá nhiều vào tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế |
Chia sẻ tại toạ đàm "Tác động của môi trường lãi suất cao tới ổn định kinh tế vĩ mô và hồi phục tăng trưởng năm 2023 diễn ra ngày 11/5, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia chỉ ra có nhiều lý do để Việt Nam tiếp tục giảm lãi suất.
Về dư địa để hạ lãi suất, theo TS Cấn Văn Lực, lạm phát đã và đang giảm dần và kể cả có tăng lên một chút lên 4,5% thì vẫn chấp nhận được. Thứ hai là, năm nay áp lực lạm phát, áp lực lãi suất, áp lực tỷ giá giảm đi rất nhiều so với năm ngoái và đang đi theo chiều hướng giảm xuống. Đây là một điểm rất tích cực với Việt Nam để giảm lãi suất.
Nhiều chuyên gia phân tích dự báo khả năng NHNN sẽ sớm có thêm một đợt giảm lãi suất điều hành. |
Dư địa thứ ba là thanh khoản của hệ thống ngân hàng tốt hơn quý IV/2022. "Ví dụ, tín dụng tăng trưởng tính đến hết tháng 4 là 3,05%, huy động vốn tăng 1,5%", TS Cấn Văn Lực lý giải. Rất rõ ràng, tín dụng tăng chậm, tiền từ dân cư vẫn vào ngân hàng còn tiền từ các tổ chức kinh tế không vào ngân hàng vì còn phải trang trải rất nhiều chi phí, trong đó có cả chi phí tài chính.
Dư địa thứ tư là năm nay, về cơ bản thanh khoản đã tốt lên, NHNN cũng đang mua vào dự trữ ngoại hối và bơm tiền ra nền kinh tế.
TS Lực cũng bày tỏ kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công sẽ tốt lên, nhanh hơn so với năm ngoái, qua đó bơm tiền ra nền kinh tế, giảm bớt ách tắc khi tiền nằm ở kho bạc Nhà nước hoặc nằm ở hệ thống ngân hàng và giảm bớt chuyện nợ đọng vốn ở các doanh nghiệp với nhau. Như vậy, vòng quay tiền sẽ nhanh hơn, lượng cung tiền năm nay dự báo khoảng 10% cao hơn mức 6,2% của năm ngoái.
“Chúng ta có đầy đủ dư địa để giảm mặt bằng lãi suất, nếu dung hoà được chính sách, chúng ta có thể giảm được lãi suất từ 1 đến 2 điểm % từ nay đến cuối năm và bắt đầu ngay trong quý II”, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
TS Lực cũng lưu ý, mức giảm 1-2 điểm % là phù hợp còn nếu giảm lãi suất sâu quá, người dân lại cảm thấy gửi tiền âm và dòng tiền sẽ chạy vào các thị trường đầu cơ. Nếu thị trường chứng khoán, bất động sản ấm trở lại, dòng tiền chạy vào vì lãi suất thấp lại khiến thanh khoản ngân hàng khó khăn hơn.
"Điều hành lãi suất phải dung hoà nhiều mặt trận, nhiều mục tiêu khác nhau và kể cả vấn đề chống lạm phát. Có thể nới mục tiêu lạm phát năm nay lên một chút nhưng cũng không thể chủ quan để lạm phát bùng lên khiến kinh tế vĩ mô bất ổn.", TS Cấn Văn Lực nhìn nhận.
Chia sẻ thêm nguyên nhân vì sao mặt bằng lãi suất còn cao, TS Cấn Văn Lực cho rằng, một trong những lý do đó chính là vì năm ngoái, cung tiền ra nền kinh tế rất thấp khiến quan hệ cung - cầu về vốn bị mất cân đối.
Tại talkshow "DINSIGHTS tháng 5: Triển Vọng Ngành Ngân Hàng 2023", ông Phạm Thiên Quang, Giám đốc Khối Quản lý Tài sản Chứng khoán VNDirect cho biết vào tháng 3/2023, NHNN đã có hai đợt giảm lãi suất điều hành. Động thái này đánh dấu bước ngoặt đảo chiều chính sách tiền tệ trong nước.
Trong nửa cuối năm 2023, NHNN có thể tiếp tục hạ lãi suất điều hành. Do nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ đang gia tăng, thị trường kỳ vọng Fed sẽ ngừng tăng lãi suất điều hành sau cuộc họp tháng 5 tới và bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành trong nửa sau năm 2023.
Nếu kịch bản này xảy ra, áp lực tỷ giá và lãi suất trong nước sẽ tiếp tục hạ nhiệt. NHNN có thể cân nhắc giảm thêm lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng, ... thêm 0,5 điểm % trong nửa cuối năm 2023, xác suất cao trong quý III/2023.
“Trong vài ngày trở lại đây, các nhà đầu tư đang có “tin đồn” rằng ngay trong cuối tuần này có thể sẽ có thông tin về một đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo sau hai đợt trước đó.”, ông Quang cho biết tại talkshow.
Phát biểu chỉ đạo tại "Hội nghị Ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam bộ" diễn ra vào chiều 11/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã đưa ra một số giải pháp của ngành ngân hàng.
Về việc điều hành chính sách tiền tệ, Thống đốc cho biết, NHNN cần phải cân đối làm sao vừa phải tăng trưởng tín dụng, ổn định tỷ giá, giảm lãi suất…,cân nhắc phối hợp các chính sách để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tiền tệ.
"Trong thời gian tới NHNN sẽ cân nhắc điều kiện nếu được thì sẽ giảm lãi suất điều hành, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất.", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin.
Theo Thống đốc, hiện tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, kinh doanh khó khăn do nhiều yếu tố. Tuy nhiên, khó khăn ở đâu, thì tháo gỡ vướng mắc ở đó. Tăng trưởng toàn nền kinh tế chậm lại trong quý I, nguyên nhân quan trọng đó là xuất khẩu giảm 20%. Tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu rất lớn, nhưng việc cải thiện thị trường xuất khẩu cần có thời gian.
Về vấn đề tăng trưởng tín dụng chậm, Thống đốc cho rằng nguyên nhân do sản xuất kinh doanh khó khăn, không có đầu ra, đơn hàng giảm, thị trường thu hẹp do đó nhu cầu vay vốn giảm. Đối với nhóm này, tháo gỡ khó khăn là tháo gỡ khó khăn đầu ra, mở rộng thị trường tiêu thụ, chứ không phải là vấn đề tín dụng.
Với đề xuất nghiên cứu các điều kiện phù hợp, làm sao định giá tài sản thế chấp, giải ngân trên tài sản và một số trường hợp có tín dụng tốt, có đơn hàng, hợp đồng thì có thể mở rộng áp dụng tín chấp, Thống đốc cho hay các tổ chức tín dụng là doanh nghiệp đặc thù, có những hoạt động rủi ro lan truyền nên phải hoạt động theo quy định của NHNN nhưng phải đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng.
Các tổ chức tín dụng cho vay nhưng phải đảm bảo khi người dân rút tiền phải đảm bảo. Các ngân hàng cũng phải cấp tín dụng nhưng phải đảm bảo an toàn hệ thống.
Hoàng Hà