Thị trường chứng khoán tiếp tục ghi nhận phiên giảm sau một phiên hồi phục, thậm chí có thời điểm nhúng xuống đáy mới trong 2 năm (dưới 990 điểm), VN-Index chốt phiên 26/10 ở mức 993,36 điểm. Đáng chú ý, cổ phiếu bảo hiểm vẫn là điểm sáng trong bối cảnh thị trường “đỏ lửa”, như BLI tăng 0,7%; ABI tăng 3,7%; VNR tăng 0,9%; BVH tăng 2,4%; PTI tăng 2,1%...
Trước đó, trong phiên 25/10, các chỉ số đã hồi phục mạnh mẽ nhờ lực cầu bắt đáy đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, và nhóm cổ phiếu bảo hiểm cũng cho thấy sức hút khi có mức tăng đều và mạnh nhất trong phiên. Hàng loạt cổ phiếu ngành bảo hiểm ngập trong sắc xanh và không còn mã nào ở chiều giá đỏ. Điển hình, BLI tăng 8%; ABI tăng 5,3%; VNR tăng 4,7%; BMI tăng 4,5%; BVH tăng 4,4%; PVI tăng 4,1%; PRE tăng 3,8%; MIG tăng 3,3%; PTI tăng 2,5%.
Có thể thấy, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng các mức lãi suất điều hành, có hiệu lực từ ngày 25/10/2022 là thông tin tích cực nhất tác động tới nhóm cổ phiếu này. Bởi thực tế đây không phải là lần đầu nhóm ngành này phản ứng tích cực với việc tăng lãi suất, thậm chí còn liên tục ngược dòng thị trường, thu hút dòng tiền vốn đã “ít ỏi”.
Còn nhớ, ngay từ những tháng đầu năm, các chuyên gia đã từng đưa nhận định năm 2022 sẽ là một năm tương đối khó khăn cho thị trường chứng khoán Việt, xuất phát từ các yếu tố như Covid-19, chu kỳ giá hàng hóa, FED tăng lãi suất, lạm phát.
Theo đó, việc tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán nói chung và các ngành nói riêng. Tuy nhiên mỗi ngành sẽ có tác động khác nhau. Nhóm ngành bảo hiểm và một số nhóm ngành có lượng tiền mặt dồi dào được hưởng lợi từ câu chuyện tăng lãi suất.
Về lý thuyết, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ hưởng lợi chính vì là đây là những doanh nghiệp cầm tiền và gửi tiết kiệm nhiều nhất. Ngành bảo hiểm là ngành kinh doanh tiền, họ huy động tiền qua các sản phẩm bảo hiểm (bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ…). Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm sẽ gửi tiết kiệm và mua trái phiếu, ít khi đầu tư cổ phiếu và các tài sản rủi ro.
Bên cạnh đó, với động thái tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp hưởng lợi không phải là doanh nghiệp có lượng tiền gửi lớn nhất, mà là các đơn vị đang có quy mô tiền ròng lớn nhất (tiền, tương đương tiền trừ đi các khoản vay nợ có lãi suất) do cần bù trừ với tác động từ khả năng ngân hàng tăng lãi suất đầu ra.
"Nhóm cổ phiếu bảo hiểm là nhóm chống chịu rất nhiều với việc lạm phát, kể cả môi trường lãi suất gia tăng", ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS từng khuyến nghị.
Nhìn chung, việc dòng tiền liên tục tìm đến nhóm cổ phiếu bảo hiểm cho thấy, thông tin về lãi suất đã thực sự tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư và họ kỳ vọng về câu chuyện hưởng lợi của nhóm cổ phiếu bảo hiểm.
Cụ thể, có khá nhiều nhà đầu tư đang quá kỳ vọng từ việc các doanh nghiệp bảo hiểm nắm giữ lượng tiền lớn thì có thể thu lợi nhuận tương đối khi lãi suất tăng lên. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bảo hiểm không hoạt động như những gì mà nhiều người đang nghĩ.
Trước hết, các doanh nghiệp bảo hiểm có một khoản tiền gửi khá lớn bao gồm cả tiền gửi và trái phiếu, khoản tiền này gần như họ sẽ tích trữ và match với các kỳ hạn bồi thường hợp đồng. Việc thấy rằng lãi suất thị trường tăng, công ty bảo hiểm sẽ chuyển ngay sang kỳ hạn khác là không dễ dàng. Đơn giản, tiền gửi mà rút trước hạn lãi suất cũng sẽ giảm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm còn nắm giữ phần chứng khoán kinh doanh đặc biệt là trái phiếu. Thực chất khi lãi suất tăng, giá trái phiếu theo đó giảm ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Hơn nữa, để đầu tư vào ngành bảo hiểm các công ty phải có vốn chủ ở phần dự phòng. Do vậy, khi lãi suất tăng lên, dự phòng sẽ giảm xuống khiến tổng nguồn đầu tư không tăng.
Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng của ngành sẽ yếu đi trong năm nay. Cụ thể, tăng trưởng ngành bảo hiểm của năm ngoái trên 20%. Năm nay, con số khả năng dưới 15%.
"Ngành bảo hiểm cũng đang tăng trưởng chậm lại, nếu năm ngoái mức tăng trưởng là 20% thì năm nay khả năng dưới 15%, khả năng còn 12%. Lợi nhuận của nhóm bảo hiểm năm nay sẽ yếu đi, do đó triển vọng lợi nhuận trung và dài hạn sẽ khó như mong muốn", ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích của Chứng khoán SmartInvest đánh giá.
Thực tế, quý II vừa qua, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy ấn tượng xuất phát từ các nguyên nhân như thị trường chứng khoán ảm đạm, đồng thời chi phí bồi thường có xu hướng tăng trở lại.
Chẳng hạn, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II đạt 317 tỷ đồng, giảm đến 32% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm, Bảo Việt đạt 827 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 15% so với cùng kỳ. Danh mục cổ phiếu bị thua lỗ khiến công ty phải trích lập dự phòng lên tới hơn 200 tỷ đã kéo mức lợi nhuận của doanh nghiệp đi xuống.
Tương tự, Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh và đầu tư tài chính giảm mạnh so với cùng kỳ, khiến lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của công ty còn 136 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ.
“Nhà đầu tư chỉ nên xem xét nhóm cổ phiếu này ở xu hướng đầu cơ ngắn hạn chứ triển vọng lợi nhuận dài hạn sẽ khó được như mong muốn”, ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích của Chứng khoán SmartInvest lưu ý.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn tích cực, nhiều ý kiến cho rằng, những thay đổi của Luật Bảo hiểm, cùng các thương vụ M&A, hợp tác chiến lược hay các tổ chức phụ trợ bảo hiểm… là những nhân tố tích cực cho thấy thị trường bảo hiểm vẫn đang phát triển tốt, tốc độ tăng trưởng phí bảo hiểm tương đương so với các năm trước và nhanh hơn so với các nước trong khu vực.
Theo báo cáo tình hình kinh tế- xã hội quý III và 9 tháng năm 2022 của Tổng Cục Thống kê, thị trường bảo hiểm tiếp tục đạt mức tăng trưởng ổn định. Trong đó, tổng doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm quý III/2022 ước tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm ước tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ ước tăng 17%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước tăng 18%.
Nguyên Nam