Lãi từ dịch vụ thanh toán Agribank dẫn đầu nhóm "Big4" ngân hàng

30/12/2021 - 21:14
(Bankviet.com) Ngay cả khi chưa ảnh hưởng bởi đại dịch thì doanh thu và lãi thuần từ mảng dịch vụ thanh toán của Agribank vẫn vượt qua cả Vietcombank, ngân hàng thường dẫn đầu về các nguồn thu dịch vụ trong hệ thống.

Trong những ngày qua thông tin các "ông lớn" ngân hàng như Vietcombank, BIDV đồng loạt thông báo miễn phí toàn bộ chuyển khoản online từ 1/1/2022 đã thu hút được sự quan tâm của hàng triệu khách hàng đang sử dụng dịch vụ tại các ngân hàng.

Trước đó vào giữa năm 2021, Agribank cũng tuyên bố miễn 100% phí dịch vụ chuyển tiền trong nước kể cả giao dịch trực tiếp lẫn online.

Đây là nước đi khá bất ngờ của Big4 khi dịch vụ thanh toán là mảng mang lại hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm cho các ngân hàng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập hoạt động (dao động từ 40 - 79% tại các ngân hàng) cao hơn nhiều so với ngân hàng tư nhân (như Techcombank).

5921-dv30
Nguồn: DB tổng hợp từ BCTC các ngân hàng năm 2020

Tại Vietcombank, thu từ dịch vụ thanh toán có xu hướng tăng đều đặn trong những năm gần đây, từ con số hơn 1.000 tỷ đồng năm 2016 đã tăng lên hơn 2.800 tỷ đồng sau 5 năm và chiếm hơn 68% trong tổng thu nhập dịch vụ của nhà băng này.

Năm 2020, doanh thu từ dịch vụ thanh toán của Vietcombank đạt hơn 6.000 tỷ đồng nhưng do chi phí cho mảng này cũng lớn (3.192 tỷ đồng) nên lãi thuần chỉ đạt 2.825 tỷ đồng.

Trong khi đó tại BIDV, doanh thu chỉ bằng hơn một nửa nhưng mức chi phí thấp đã khiến lãi thuần từ dịch vụ thanh toán tiếp tục tăng mạnh (gần 21%) trong năm 2020 bất chấp đại dịch mang về 3.289 tỷ đồng, chiếm 62,4% trong tổng lãi thuần từ dịch vụ.

Lãi thuần của VietinBank ở mức thấp so với hai ngân hàng trên nhưng cũng duy trì xu hướng tăng trong năm 2020 từ 1.457 tỷ đồng lên 1.740 tỷ đồng, tương đương tăng 19%.

Tuy nhiên, đáng chú ý nhất vẫn là Agribank, ít ai biết rằng ngân hàng này mới là "ông trùm" đầu bảng của thu từ dịch vụ thanh toán.

Ngay cả khi chưa ảnh hưởng bởi đại dịch thì doanh thu và lãi thuần từ mảng dịch vụ thanh toán vẫn vượt qua cả Vietcombank, ngân hàng thường dẫn đầu về các nguồn thu dịch vụ trong hệ thống.

Năm 2020, lãi thuần từ mảng này mang về cho Agribank 4.071 tỷ đồng, cách biệt so với BIDV là hơn 700 tỷ đồng và Vietcombank là gần 1.200 tỷ đồng. Ngay cả trong 6 tháng đầu năm 2021, thu nhập từ mảng này cũng không hề sụt giảm với lãi thuần đạt 2.111 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Lựa chọn hy sinh mảng thu nhập từ thanh toán, các "ông lớn" ngân hàng dường như đang tính toán một nước đi mới cho mình. Việc miễn phí các giao dịch chuyển tiền sẽ khiến các khách hàng tích cực mở mới và sử dụng tài khoản thanh toán nhiều hơn.

Điều này đồng nghĩa với việc giá trị tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng sẽ tăng lên. Đây là nguồn vốn giá rẻ từng mang lại lợi thế rất lớn cho một số ngân hàng cổ phần, mà khởi đầu chính sách "zero fee" là Techcombank.

Chính sách này đã tạo nên một cuộc đua "miễn phí" trong nhóm các ngân hàng cổ phần sau đó.

Với mức lãi suất rất thấp từ 0,1 - 0,2%/năm, lượng tiền gửi không kỳ hạn sẽ khiến cho biên lợi nhuận các ngân hàng được nới rộng và tăng dư địa giảm lãi suất để cạnh tranh với các đối thủ.

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi thanh toán của dân cư ngày càng tăng qua các năm. Tính đến cuối quý III/2021, tổng số tài khoản thanh toán cá nhân đã được mở tại các ngân hàng là hơn 110 triệu tài khoản và số dư đạt hơn 794.000 tỷ đồng.

Đây là một miếng bánh mà ai cũng muốn chia phần trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các nhà băng.

Linh Đan

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán