Lãi vay ngân hàng đến thời hạ nhiệt

24/03/2023 - 20:16
(Bankviet.com) Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm nhanh, doanh nghiệp đang trông chờ giảm lãi suất cho vay.

Lãi suất liên ngân hàng “lao dốc”

Ngân hàng đồng loạt tung gói cho vay "khủng”

Theo khảo sát, 4 ngân hàng lớn gồm Agribank, BIDV, VietinBankVietcombank đều đang triển khai gói tín dụng cho vay ưu đãi với lãi suất chỉ từ 7%/năm nhằm hỗ trợ khách hàng.

Cụ thể, tại ngân hàng Vietcombank, nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất cạnh tranh, ngay từ đầu năm 2023, ngân hàng đã triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn sản xuất kinh doanh với quy mô lên tới 100.000 tỷ đồng.

Chương trình áp dụng cho khách hàng cá nhân, chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân vay bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh.

Theo đó, mức sàn lãi suất cho vay chỉ từ 7,5%/năm đối với khoản vay có thời hạn cho vay dưới 3 tháng; từ 7,8%/năm với khoản vay có thời hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng; từ 8,3 %/năm với khoản vay có thời hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng; từ 8,6%/năm với khoản vay có thời hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng và từ 8,8%/năm với khoản vay có thời hạn 12 tháng.

4 'ông lớn' ngân hàng triển khai gói cho vay với lãi suất ưu đãi
4 'ông lớn' ngân hàng triển khai gói cho vay "siêu khủng" lãi suất ưu đãi

Tại BIDV, ngân hàng cũng triển khai gói vay sản xuất kinh doanh mới với quy mô lên đến 70.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 7%/năm. Cụ thể, ngân hàng dành 20.000 tỷ đồng cho vay sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực xanh, với ưu đãi lãi suất chỉ từ 7%/năm và dành 50.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phục vụ sản xuất kinh doanh lĩnh vực khác.

Đối với gói 20.000 tỷ đồng, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng hoặc từ 8%/năm đối với các khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng. Thời gian triển khai từ nay đến hết 31/12/2023 hoặc đến khi hết quy mô gói tín dụng.

Các khách hàng cá nhân vay vốn để thực hiện phương án sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đáp ứng một trong các điều kiện về chứng chỉ tiêu chuẩn thực hành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tốt trong nước hoặc quốc tế (VIETGAHP, VIETGAP, GLOBALGAP, BAP) hoặc có chứng chỉ tiêu chuẩn chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trong nước hoặc quốc tế (VIETGAP, GLOBALGAP, ISO 22000, HACCP, GMP, SQF)…

Đối với gói 50.000 tỷ đồng, khách hàng sẽ nhận được lãi suất ưu đãi với kỳ hạn linh hoạt chỉ từ 7,5%/năm đối với khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng và từ 8,5%/năm đối với khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng. Song, lãi suất thực tế áp dụng sẽ phụ thuộc theo từng chi nhánh của BIDV.

Ngân hàng VietinBank cũng vừa tung ra chương trình ưu đãi cho vay với lãi suất chỉ từ 7,1%/năm và quy mô gói vay lên tới 100.000 tỷ đồng đến hết 30/6/2023. Chương trình áp dụng với khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh.

Hồi tháng 2, ngân hàng này đã triển khai gói 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 7%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) mới phát triển hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2023.

Còn tại Agribank, từ ngày 15/03/2023 đến hết 30/06/2023, Agribank chính thức triển khai chương trình tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp vay ưu đãi, với quy mô lên đến 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD.

Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả, có nhu cầu vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) để bổ sung vốn lưu động nhằm triển khai các phương án sản xuất, kinh doanh hoặc doanh nghiệp cần vay vốn hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, sẽ được vay lãi suất ưu đãi thấp hơn tới 1,5%/năm đối với khoản vay giải ngân bằng VNĐ và 1%/năm đối với khoản vay bằng USD, so với mức lãi suất hiện hành, tùy theo từng kỳ hạn cho vay, hồ sơ cụ thể của doanh nghiệp đề nghị vay vốn.

Đối với ngân hàng thương mại tư nhân, theo tìm hiểu Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) một gói tín dụng quy mô 5.000 tỷ đồng với lãi suất 10,5%/năm vừa được triển khai dành cho các khách hàng vay mua nhà có nhu cầu ở thực, có tài sản đảm bảo là nhà đất và giao dịch qua sàn bất động sản, nhằm minh bạch việc mua bán. Chương trình được triển khai từ nay đến hết ngày 31/12/2023.

OCB còn triển khai song song gói tín dụng vay mua nhà An cư với lãi suất từ 8,49%/năm, dành riêng cho đối tượng khách hàng trẻ, nhóm khách hàng công nhân viên chức có thu nhập từ tiền lương, tiền công và các cặp vợ chồng trẻ... có nguồn thu nhập chuyển khoản từ lương tối thiểu 10 triệu đồng/tháng.

Ngoài các gói tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng mua nhà, lãi suất dành cho nhóm sản xuất kinh doanh tại OCB hiện từ 8,99%/năm.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB cho biết ngân hàng này đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 1-3%/năm trong vài tuần qua đối với một số lĩnh vực để hỗ trợ doanh nghiệp và dự kiến sẽ còn giảm thêm trong thời gian tới.

"OCB tập trung cho vay các ngành nghề cụ thể, đặc biệt là các lĩnh vực định hướng ưu tiên phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới, lãi suất huy động theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước sẽ được điều chỉnh giảm nhanh, tôi tin các mức lãi suất sớm về khoảng 8-9%/năm", ông Tùng chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) cho biết Bản Việt đã tung ra gói tín dụng có quy mô khoảng 8.000 tỷ đồng phục vụ khách hàng doanh nghiệp hiện hữu và đưa lãi suất giảm dần từ 1-2%/năm tùy theo mức đánh giá tín nhiệm hoặc ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp và một gói 1.000 tỷ đồng phục vụ khách hàng vay mới, tập trung vào nhóm doanh nghiệp vừa và siêu nhỏ...

Trước đó, Sacombank cũng niêm yết biểu lãi suất cơ sở mới với lãi suất kỳ hạn trung và dài hạn là 10%/năm, lãi suất kỳ hạn từ 4-6 tháng là 9,3%/năm và 6,3%/năm cho kỳ hạn 1-3 tháng.

Nhìn chung từ đầu năm đến nay, không ít gói tín dụng có quy mô từ nghìn tỷ đến hàng trăm nghìn tỷ đồng với lãi suất giảm từ 0,5-3%/năm cũng đã được công bố tại nhiều ngân hàng khác như: MB, Techcombank, SeABank, ACB...

4 ngân hàng lớn tung gói vay "siêu khủng” lãi suất thấp hỗ trợ khách hàng
Lãi suất cho vay dần hạ nhiệt theo lãi suất điều hành

Lãi vay sẽ tiếp tục giảm

Thực hiện các chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng đã rục rịch giảm lãi suất cho vay và đồng loạt triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Các gói tín dụng này không chỉ phục vụ nhu cầu vay vốn để kinh doanh, sản xuất, xuất nhập khẩu mà còn dành cho cả các khoản vay tiêu dùng, mua nhà, mua xe ô tô...

Trước đó, từ ngày 15/3, mặt bằng lãi suất điều hành đồng loạt giảm theo quyết định mới của Ngân hàng Nhà nước. Đây là lần đầu tiên trong 2 năm qua Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành.

Trong đó, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm. Riêng lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên ở mức 6%/năm.

Ngoài ra, mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND cho một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm.

Theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc tiếp cận vốn từ Ngân hàng Nhà nước qua các công cụ như cho vay tái chiết khấu, cho vay liên ngân hàng. Qua đó, giúp các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, TS Lực cho rằng tác động này sẽ không nhiều vì vay tái chiết khấu của các tổ chức tín dụng là khá khiêm tốn. Nhưng đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn khi lãi suất giảm trong thời gian tới, qua đó góp phần tăng thu nhập từ tín dụng và các dịch vụ liên quan cho các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, lãi suất giảm, trước mắt là lãi suất cho vay ngắn hạn, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, bên vay vốn, giảm một phần chi phí tài chính. Đồng thời, doanh nghiệp có thể huy động vốn mới từ vay nợ hay phát hành trái phiếu với lãi suất thấp hơn, góp phần tăng khả năng trả nợ, giảm rủi ro nợ xấu...

Chưa dừng ở đó, TS. Cấn Văn Lực còn nhận định động thái chính sách này đánh dấu bước thay đổi chính sách tiền tệ, từ thận trọng sang linh hoạt, doanh nghiệp và người dân theo đó có kỳ vọng lãi suất trên đà giảm, khiến họ có thể quyết định đầu tư, tiêu dùng nhiều hơn, góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đạt mục tiêu đề ra.

Xoay quay câu chuyện lãi suất, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định việc hạ lãi suất cho vay là cần thiết nhưng cũng cần thận trọng và có lộ trình bởi vấn đề lãi suất còn liên quan đến tỷ giá. Dù vậy, vị chuyên gia cho rằng lãi suất cho vay sẽ dần dần phải kéo xuống mức bình quân khoảng 9%/năm là phù hợp.

"Việc các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi thời gian qua đã giúp tiết giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Nhưng lãi suất huy động hiện vẫn ở mức cao, khoảng 9%/năm. Sự cách biệt 5% giữa lạm phát và lãi suất huy động vẫn là quá lớn. Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát ở mức 4%, lãi suất huy động vẫn cần nỗ lực giảm tiếp cho hợp lý, xuống đến 6%/năm để khi cộng thêm biên độ, lãi suất cho vay ở ngưỡng khoảng 9%/năm", ông Hiếu phân tích.

Moody’s nâng hạng tín nhiệm với 8 ngân hàng Việt Nam

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín Moody's mới đây đã nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ ...

Chủ tịch Vietlott được điều động làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Ngày 23/3/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký các quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm nhân sự Hội đồng quản ...

TS Lê Xuân Nghĩa: "Cách đây 3-4 năm tôi đã có ấn tượng xấu đối với ngân hàng Credit Suisse"

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, biến cố của 3 ngân hàng Mỹ và một ngân hàng của Thụy Sĩ sẽ không có tác động quá ...

Thu Thủy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán