Làm gì để di sản văn hóa ẩm thực mang lại lợi ích cho du lịch?

21/08/2024 - 15:07
(Bankviet.com) Sau khi được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể, cần một giải pháp tổng thể để các di sản ẩm thực như phở có đóng góp nhiều hơn nữa cho du lịch.
Trải nghiệm ẩm thực cả nước tại miền biển Quảng Trị Tri thức dân gian mỳ Quảng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Ẩm thực là “sứ giả” đặc biệt giữ chân du khách lâu hơn Ẩm thực Việt toả sáng, tăng "sức mạnh mềm" cho hình ảnh quốc gia

Khẳng định tầm quan trọng của phở trong văn hoá ẩm thực

Tri thức dân gian phở Nam Định và phở Hà Nội đã chính thức được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia nhờ ứng đầy đủ các tiêu chí như: Có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

Làm gì để di sản văn hóa ẩm thực mang lại lợi ích cho du lịch?
Phở trở thành di sản là dấu mốc khẳng định vị thế và tầm quan trọng của món ăn này trong nền ẩm thực quốc gia và trên trường quốc tế. Ảnh: Minh Sơn

Theo bà Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, khi một món ăn trở thành di sản, đầu tiên món ăn đó phải gắn với lối sống, cách sống của cộng đồng trong một thời gian rất dài, tạo thành dấu hiệu để cho thấy (nhận diện) được bản sắc của cộng đồng ấy và chính cộng đồng ấy tạo ra món ăn bằng tri thức dân gian của họ. Như, khi nói những món ăn từ dừa thì ta nghĩ ngay đến người dân Bến Tre; nói món phở, thì nghĩ về người dân Nam Định, Hà Nội; nói đến món tàu hủ ky thì nghĩ ngay cộng đồng người Hoa… Ngoài ra, nó sẽ chỉ trở thành di sản khi người ta nhận thấy rằng món đó đang được truyền từ đời này sang đời khác.

Nhấn mạnh thêm, theo bà Lê Thị Minh Lý, mục đích cuối cùng trong việc nhận diện giá trị, đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể là để tạo ra sự đa dạng văn hóa; đồng thời chính quyền địa phương và người dân nơi đó sẽ có trách nhiệm bảo vệ, phát huy, nếu không thì di sản có nguy cơ mai một, bị lãng quên.

Đồng quan điểm, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, phở trở thành di sản là một bước tiến quan trọng trong chuỗi nỗ lực của chúng ta nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật ẩm thực truyền thống, cũng như quảng bá loại hình di sản văn hóa độc đáo này không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. "Mặt khác, ghi danh không chỉ là sự công nhận mà còn là cách tôn vinh phở như một phần quan trọng của di sản văn hóa, khẳng định vị thế và tầm quan trọng của món ăn này trong nền ẩm thực quốc gia và trên trường quốc tế"- PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Đặc biệt, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, sự công nhận này không chỉ góp phần làm tăng tính hấp dẫn cho các điểm đến du lịch, mà còn tạo cơ hội cho việc quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam như một điểm đến với nền ẩm thực phong phú và đậm đà bản sắc văn hóa. Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng lượng khách du lịch, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch và các dịch vụ liên quan, từ đó đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế địa phương.

Những kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy rằng, việc ghi danh di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến nghệ thuật ẩm thực không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, mà còn góp phần đáng kể vào việc phát triển du lịch, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương, từ đó tạo ra những lợi ích bền vững cho xã hội”- PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay.

Để di sản đóng góp nhiều hơn cho kinh doanh du lịch

Ẩm thực là một nét tinh hoa trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên, ẩm thực Việt lại được coi là tinh hoa văn hóa, được bạn bè thế giới ca ngợi và đánh giá cao. Đó là bởi, ẩm thực Việt phong phú từ nguyên liệu, tinh tế ở khâu chế biến, và đặc biệt mỗi một vùng miền lại có thói quen ăn uống khác nhau, tạo nên những hương vị đặc trưng riêng biệt, thưởng thức một lần để rồi nhớ mãi.

Thời gian qua, ẩm thực Việt Nam liên tiếp được nhiều tổ chức quốc tế xướng tên trên bản đồ ẩm thực của thế giới. Trong đó, Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards – WTA) từng vinh danh Việt Nam là “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á”; Kênh truyền hình CNN (Mỹ) cũng đã bình chọn ẩm thực của Việt Nam là 1 trong 10 nền ẩm thực tuyệt nhất trên thế giới. Riêng tạp chí du lịch Mỹ Condé Nast Traveler từng ví von rằng, món bánh mì của Việt Nam là một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới. Phở của Việt Nam còn được tạp chí danh tiếng Business Insider (Mỹ) bình chọn là một trong những món phải ăn thử một lần trong đời...

Trước nền ẩm thực đa dạng và phong phú của Việt Nam, chuyên gia về thương hiệu hàng đầu thế giới, GS. Philip Kotler gợi ý “Hãy đưa Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới” để thu hút khách du lịch. Tiềm năng và có nhiều lợi thế để trở thành "bếp ăn của thế giới" là thế tuy nhiên cho đến nay, theo đánh giá những di sản văn hóa phi vật thể ẩm thực vẫn chưa mang lại nhiều lợi ích về doanh thu cho du lịch.

Vì thế, để di sản văn hoá phi vật thể ẩm thực đóng góp nhiều hơn du lịch, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, chúng ta cần triển khai một loạt các hành động cụ thể nhằm vinh danh các di sản này và hướng tới việc ghi danh phở ở cấp độ cao hơn trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO trong tương lai gần. Trước tiên, chúng ta nên tổ chức các lễ hội phở hàng năm tại Nam Định, Hà Nội và các địa phương khác. Những lễ hội này không chỉ thu hút du khách trong và ngoài nước mà còn tạo cơ hội để quảng bá văn hóa ẩm thực phở đến đông đảo công chúng.

Đặc biệt, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, việc phát triển thương hiệu phở Việt Nam trên thị trường quốc tế là điều cần thiết. Chúng ta có thể thực hiện điều này thông qua việc đăng ký thương hiệu, tiêu chuẩn hóa công thức, và quảng bá phở qua các kênh truyền thông toàn cầu. Đồng thời, việc phát hành các sản phẩm như sách dạy nấu ăn, chương trình truyền hình, và video hướng dẫn về cách nấu phở sẽ giúp nâng cao nhận thức và phổ biến phở ra toàn thế giới. Xây dựng các chương trình giáo dục về lịch sử, văn hóa, và kỹ thuật nấu phở sẽ giúp truyền đạt kiến thức về phở cho các thế hệ trẻ.

Cùng với đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn gợi ý, cần tạo ra các tour du lịch trải nghiệm văn hóa và ẩm thực. Qua đó, du khách có cơ hội tham quan các làng nghề truyền thống, học cách nấu phở và thưởng thức phở tại các quán phở nổi tiếng; hỗ trợ các quán phở truyền thống nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn thực phẩm, và giữ gìn công thức nấu phở đặc trưng. Khuyến khích các nhà hàng tham gia vào các chương trình quảng bá văn hóa ẩm thực phở sẽ tạo động lực cho sự phát triển bền vững của món ăn này.

Nhằm góp sức lan toả giá trị của di sản ẩm thực, Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo và việc làm đầu bếp Việt Nam Nguyễn Thường Quân cũng cho biết, Hiệp hội Đào tạo và việc làm đầu bếp Việt Nam sẽ tìm mọi phương án và chiến lược để định nghĩa với bạn bè quốc tế rằng, món phở là gì. Chúng ta cần đưa ra định lượng rõ ràng về món ăn như một bát phở cần lượng thịt, bánh ra sao, dày mỏng thế nào, nước dùng nêm nếm như nào cho chuẩn vị truyền thống. "Mọi thứ đều cần quy định thật bài bản. Khi thiết lập được chính xác hình ảnh của món ăn, chúng ta mới bảo vệ và phát huy được. Bên cạnh đó, chúng ra rất cần sự chung tay của chính quyền trong việc đầu tư chiến dịch quảng bá ra nước ngoài"- ông Quân nhấn mạnh.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương